“Họ nói rất rõ là không được hưởng lợi nhiều từ các chương trình bình ổn giá. Rốt cục, cái bình ổn giá đấy là lấy tiền của dân để thực hiện, nhưng việc hưởng lợi đối với người dân lại không nhiều”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cũng nằm trong nhóm tác giả thực hiện báo cáo Thay đổi cảm nhận nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam năm 2014 (CAMS 2014) cho biết.
Bình ổn giá cả hàng hóa thiết yếu trên thị trường luôn là mối quan tâm của Chính phủ Việt Nam, nhằm hỗ trợ cho đối tượng chính là người có thu nhập thấp, đời sống khó khăn do bão giá của lạm phát, chính vì vậy, có rất nhiều quy định và chính sách được ban hành để thực hiện mục tiêu này.
Tuy nhiên, với 8 mặt hàng thiết yếu phổ biến đối với người dân Việt Nam gồm Sữa, Gas, Xăng dầu, Thuốc phòng bệnh – chữa bệnh thiết yếu, Thực phẩm, Điện, Gạo, Nước sạch, thì Xăng dầu là loại mặt hàng có sự can thiệp của nhà nước mà tỷ lệ người trả lời cho biết ít/không hưởng lợi là cao nhất (66%). Tiếp đến là sữa (60%), gas (59%), điện (58%), thuốc phòng bệnh chữa bệnh thiết yếu (55%).
CAMS khảo sát ý kiến đánh giá của các nhóm đối tượng về hiệu quả của chương trình bình ổn giá. Kết quả cho thấy, tỷ lệ người đánh giá chương trình này hiệu quả chỉ ở mức trung bình. Có tới 50% đánh giá hoàn toàn không có hiệu quả hoặc hiệu quả rất ít.
Phân tích dữ liệu theo thời gian về hiệu quả của chương trình bình ổn giá cho kết quả khá thú vị. Năm 2011, trong số 208 người tham gia điều tra, có 63% đánh giá chương trình bình ổn là rất/khá hiệu quả. Sau 3 năm quan sát, tỷ lệ nhóm này đã giảm 8% xuống còn 55%. Đáng lưu ý, mức độ sụt giảm mạnh nhất khi đánh giá hiệu quả của chương trình bình ổn là ở nhóm các cơ quan chính phủ và bộ ngành, từ 68% xuống còn 42%...
“Kết quả khảo sát cho thấy một nghịch lý là trong khi có một tỷ lệ tương đối lớn người dân cho biết không được hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít từ chương trình bình ổn giá, thì nguồn tài chính cho chương trình này lại lấy từ tiền thuế của người dân”, báo cáo cho biết.
Dù chưa được hưởng lợi nhiều từ việc nhà nước can thiệp giá đối với các mặt hàng thiết yếu, phần lớn người trả lời vẫn cho rằng là hoàn toàn cần thiết/cần thiết để Nhà nước can thiệp.
Ba mặt hàng được nhiều người cho rằng cần thiết có sự can thiệp giá của nhà nước bao gồm thuốc phòng/chữa bệnh (90%), điện (87%) và xăng dầu (85%). Hai mặt hàng khác cũng có sự quan tâm lớn của người trả lời là nước sạch (82%) và gas (81%). Những mặt hàng này đều là những mặt hàng còn nằm trong tay những nhóm độc quyền hoặc chi phối thị trường để quyết định giá cả.
Thị trường: Không thể 1 người bán, chục người mua
Về tâm lý mâu thuẫn của người dân khi một mặt thấy sự can thiệp của Nhà nước không hiệu quả, một mặt vẫn muốn Nhà nước can thiệp, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính – cho rằng do người dân đang mất niềm tin vào thị trường.
“Họ muốn tin tưởng vào thị trường, nhưng không muốn tin tưởng vào doanh nghiệp trên thị trường. Vừa rồi có nhiều vụ việc xảy ra như thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hay xăng, dầu, điện còn tính độc quyền cao... Chính những yếu tố ấy làm người dân ít tin tưởng vào thị trường hơn, mặc dù người ta vẫn nghĩ cơ chế thị trường là cơ chế ưu việt”.
TS. Độ cũng cho rằng, hiện Nhà nước đang thực hiện các biện pháp can thiệp thị trường mang tính hành chính như đối với giá xăng, giá dầu. Ông Độ cho rằng Nhà nước nên chăng can thiệp bằng cách thiết lập tính cạnh tranh hơn cho thị trường xăng, dầu, điện, minh bạch hơn về chi phí để người dân tin tưởng hơn.
“Chi phí của doanh nghiệp không phải cái dễ nắm bắt để từ đó định ra chi phí hợp lý. Cách kiểm soát chi phí sau đó định giá tôi nghĩ không khả thi. Quan trọng nhất là xây dựng thị trường có tính cạnh tranh hơn, lúc đó, mọi người sẽ tin tưởng vào cơ chế thị trường nhiều hơn”, TS. Độ nhận định.
Hiện nay, với mặt hàng xăng dầu, ngoài các yếu tố đầu vào như giá xăng thế giới, tỷ giá, mức trích quỹ bình ổn giá và các loại thuế, phí liên đới, giá xăng dầu còn phải “gánh” cả lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp ở mức 300 đồng/lít.
Nói về chương trình bình ổn giá, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng bình ổn giá không phải là chương trình thúc đẩy kinh tế thị trường.
“Giá do Nhà nước kiểm soát. Vấn đề là ở chỗ chúng ta chuyển sang kinh tế thị trường phải thiết lập được một thể chế thị trường để thị trường đó vận hành. Giờ một người bán chục người mua thì không còn là một thể chế thị trường”, TS. Cung nhìn nhận.
“Để đảm bảo an sinh xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, như mục đích của chương trình bình ổn giá, có lẽ cần có cách làm, thậm chí là chính sách mới hiệu quả và minh bạch hơn”, báo cáo CAMS 2014 nhận định.
Theo Tri thức trẻ