Biện pháp của Hàn Quốc về văn hóa 'làm thêm giờ': Tắt máy tính vào cuối tuần

Ở Hàn Quốc, việc nhìn thấy những người lao động làm việc đến 12 tiếng đồng hồ là một điều không mấy xa lạ. Người lao động làm việc thêm giờ để chứng minh rằng mình là người siêng năng và tận tụy. Văn hóa làm việc một cách điên cuồng của quốc gia này đã làm cho nền kinh tế Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ trong những năm qua.

Nhưng bây giờ nó lại mang đến một tác động tiêu cực đến người dân – tỷ lệ sinh đã giảm mạnh (Hàn Quốc đứng cuối danh sách các nước OECD về tỷ lệ sinh), trong khi tỷ lệ tử lại tăng lên.

Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ đã quyết định thực hiện một số thay đổi. Họ đã giảm số giờ làm việc mỗi tuần từ 68 xuống còn 52. Và bây giờ, chính phủ đã bắt đầu cho ngừng hoạt động tất cả các máy tính nhân viên vào cuối mỗi tuần – cụ thể là tất cả các máy tính sẽ bị ngưng hoạt động vào lúc 7 giờ tối thứ sáu hàng tuần, theo trích dẫn từ BBC.

Liệu biện pháp này có thật sự hiệu quả? Để làm rõ điều đó, hãy nhìn vào một số thống kê về công nhân ở các quốc gia như Đức, Đan Mạch hoặc Na Uy. Ở đó, công nhân dành khoảng từ 1363 đến 1424 giờ làm việc mỗi năm tại văn phòng. Còn với Hàn Quốc, con số đó là 2069 giờ. Vì vậy đối với họ, bắt đầu ngày nghỉ cuối tuần từ 7 giờ tối thứ sáu là một sự thay đổi lớn.

So sánh các số liệu thống kê, phần nào chúng ta có thể cảm thấy được sự cực đoan trong văn hóa làm việc của xứ sở kim chi, nhưng họ không phải là quốc gia duy nhất thực hiện văn hóa này. Ví dụ, một nhân viên ở Mỹ thường dành trung bình 1783 giờ làm việc mỗi năm. Hơn con số 1713 giờ của Nhật Bản, nơi được xem là có tinh thần làm việc rất cao.

Ở Mỹ, Amazon tự do áp đặt việc "làm thêm giờ" và khiến các nhân viên của mình phải làm việc 60 giờ mỗi tuần (chính sách này đã được kiểm soát tại các nước như Vương quốc anh). Mỹ cũng là quốc gia duy nhất trong số các nước phát triển không có chế độ nghỉ đẻ, tức là nếu một nhân viên của họ phải nghỉ phép để sinh con, cô ấy sẽ không được công ty trả lương. Chính vì vậy, những người mẹ này sẽ phải chịu những khó khăn về tài chính nếu họ quyết định nghỉ ngơi sau khi sinh. Việc ép buộc nhân viên phải làm việc thật nhiều không có nghĩa là năng suất công việc sẽ tăng cao hơn. Sau khi đạt đến giới hạn của năng suất làm việc, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, có nhiều khả năng mắc sai lầm hơn và các nguy cơ bệnh tật cũng tăng cao. Nhưng họ quen dần với điều đó và xem nó như một nét văn hóa.

Ở nhiều nước, làm việc ngoài giờ là dấu hiệu của một người lao động tốt. Thật lạ khi người ta chỉ quan tâm đến số giờ làm việc để đánh giá chất lượng của một lao động, trong khi họ có thể dành nửa ngày trên Facebook hoặc các trang mạng xã hội khác, và sau đó, "làm thêm giờ" để nhận các đánh giá tốt về chất lượng công việc.

Theo VnMedia

http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/2442173/bien-phap-cua-han-quoc-ve-van-hoa-lam-them-gio-tat-may-tinh-vao-cuoi-tuan
Theo VnReview