Biên lãi tốt của Nam Cường Group

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sở hữu quỹ đất khủng tích luỹ qua nhiều dự án "đổi đất lấy hạ tầng", với chênh lệch địa tô tốt, nhóm Nam Cường Group ghi nhận biên lợi nhuận rất tích cực.

Bà Lê Thị Thuý Ngà - Chủ tịch Nam Cường Group (Nguồn: namcuong.com.vn)

Bà Lê Thị Thuý Ngà - Chủ tịch Nam Cường Group (Nguồn: namcuong.com.vn)

Lãi lớn với BOT đường 188

Dự án BOT đường 188 đoạn An Thái – Mạo Khê (Hải Dương – Quảng Ninh) được thông xe vào ngày 21/1/2009, có tổng chiều dài 14,74 km, do Công ty TNHH BOT Đường 188 (BOT 188) làm chủ đầu tư.

Không hẳn là một dự án BOT nổi bật, song, theo dữ liệu của VietTimes, kết quả kinh doanh của BOT 188 rất ấn tượng. Biên lợi nhuận mỗi năm đạt trên 60%.

Gần nhất, năm 2019, doanh thu thuần của BOT 188 đạt 81,8 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 51,75 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 63%.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của BOT 188 đạt 204,6 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 183,2 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 32% và 39% so với thời điểm đầu năm.

Theo tìm hiểu của VietTimes, BOT 188 được thành lập vào tháng 11/2003, gồm 3 cổ đông sáng lập là CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội (Nam Cường Group), CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Thiên Minh Thành (Thiên Minh Thành) và Tổng Công ty Thăng Long – CTCP (Mã CK: TTL).

Cập nhật đến ngày 16/11/2018, BOT 188 có vốn điều lệ 81 tỉ đồng, trong đó Nam Cường Group nắm chi phối với tỷ lệ sở hữu 55,5% vốn điều lệ. BOT 188, do đó, về cơ bản là công ty con thuộc Nam Cường Group.

Tập đoàn này được thị trường biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực bất động sản với hàng loạt dự án tầm cỡ, nắm trong tay quỹ đất lên tới cả nghìn ha từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định đến Hải Dương.

Biên lãi tốt của nhóm Nam Cường Group

Tiền thân là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp & xây dựng Xuân Thủy, được thành lập từ năm 1984, sau hơn 35 năm phát triển, dưới dự lãnh đạo của cố Chủ tịch Trần Văn Cường và đương nhiệm Chủ tịch Lê Thị Thuý Ngà (SN 1966, phu nhân của ông Cường), Nam Cường Group đã có những bước tiến vượt trội trong nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng bất động sản.

Cập nhật đến ngày 14/12/2016, Nam Cường Group có vốn điều lệ 4.500 tỉ đồng, trong đó Chủ tịch Lê Thị Thuý Ngà góp 4.230 tỉ đồng, tương đương với tỷ lệ sở hữu 94% vốn. Trong khi đó, ái nữ của bà Ngà là bà Trần Thị Quỳnh Ngọc (SN 1991) nắm giữ 3% vốn, phần còn lại không được công bố.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, vài năm gần đây, kết quả kinh doanh của Nam Cường Group có phần sụt giảm, tuy nhiên quy mô tài sản vẫn tăng trưởng đều đặn.

Như năm 2019, doanh thu thuần của Nam Cường Group đạt 229,3 tỉ đồng, giảm 25% so với năm trước; lãi thuần ở mức 28,6 tỉ đồng, trong khi năm 2018 lãi 85 tỉ đồng, cao gấp gần 3 lần.

Dù biên lợi nhuận/doanh thu là khá ấn tượng trong nhiều năm nhưng xét về con số tuyệt đối, giá trị doanh thu và lợi nhuận của Nam Cường Group chưa cho thấy sự tương xứng với quy mô tài sản, vốn lớn gấp nhiều chục lần.

Theo đó, tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Nam Cường Group đạt 7.202 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 5.045 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 7% và 4% so với thời điểm đầu năm.

Các số liệu tài chính trên, lưu ý, mới chỉ là của trụ sở chính. Một số chi nhánh của Nam Cường Group ở các địa phương có quy mô tài sản và kết quả kinh doanh lớn hơn nhiều.

Cụ thể, Nam Cường Group hiện đang sở hữu hàng loạt chi nhánh tại Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương...

Như Chi nhánh Hà Tây của Nam Cường Group, năm 2019, doanh thu thuần của Chi nhánh này đạt 1.067 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 390 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 36% - tức là cứ 3 đồng doanh thu, chi nhánh này bỏ túi hơn 1 đồng lời.

Tương tự trụ sở chính, quy mô tài sản của Chi nhánh Hà Tây cũng cao gấp nhiều lần so với giá trị doanh thu.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Chi nhánh Hà Tây đạt 7.488 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 902 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 28% và 71% so với thời điểm đầu năm.

Chi nhánh tại Hải Dương của Nam Cường Group cũng có kết quả kinh doanh khá ấn tượng

Chi nhánh tại Hải Dương của Nam Cường Group cũng có kết quả kinh doanh khá ấn tượng

"Ấm êm" với quỹ đất BT

Tham gia thị trường địa ốc từ sớm, Nam Cường Group cung cấp đa dạng loại hình bất động sản từ khu đô thị, văn phòng, căn hộ cao cấp, khách sạn, resort…

Các dự án tiêu biểu của tập đoàn có thể kể đến như: Khu đô thị mới Dương Nội, Cổ Nhuế tại TP. Hà Nội; Khu đô thị mới Hoà Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung tại TP. Nam Định; Khu đô thị phía Đông, Khu đô thị phía Tây tại TP. Hải Dương và hệ thống khách sạn Nam Cường tại các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Kiên Giang…

Quỹ đất khổng lồ mà Nam Cường Group sở hữu được kiến tạo phần lớn qua các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) mà tập đoàn này đã tích cực tham gia trong quá khứ.

Điển hình như năm 2008, Nam Cường Group đã khởi công xây dựng tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông theo hình thức BT. Tuyến đường này dài gần 5,1 km, với tổng mức đầu tư hơn 700 tỉ đồng.

Đổi lại, Nam Cường Group được thành phố Hà Nội giao cho khu đất có diện tích hơn 197 ha nằm trên trục đường Tố Hữu – Hà Đông để phát triển Khu đô thị Dương Nội. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 7.600 tỉ đồng, được Nam Cường Group phát triển xây dựng với 3 phân khu, hàng loạt tiểu khu cùng nhiều toà nhà chung cư cao cấp.

Năm 2009, Nam Cường Group tiếp tục liên danh cùng Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) tham gia đầu tư xây dựng dự án đường Lê Văn Lương kéo dài, cũng theo hình thức hợp đồng BT. Dự án này có tổng chiều dài khoảng 2,7 km, tổng mức đầu tư 676 tỉ đồng.

Qua đó, Nam Cường Group tiếp tục làm giàu quỹ đất với 46,2 ha đất đối ứng tại phường Trung Văn, Nam Từ Liêm và phường Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội. Khu đất này sau đó được Nam Cường Group phát triển dự án Khu đô thị Phùng Khoang với các khu chức năng chính gồm: Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng, biệt thự và căn hộ cao cấp.

Song song với việc sở hữu nhiều lô đất ở Hà Nội, Nam Cường Group cũng mở rộng mạng lưới với hàng loạt đơn vị thành viên để thực hiện phát triển dự án như CTCP Xây dựng và Thương mại Đông Hải, CTCP Phát triển Hạ tầng Đô thị Evergreen, CTCP Đầu tư và Xây dựng Đô thị, CTCP Dịch vụ Du lịch Nam Cường…

Ngoài các dự án BT và quỹ đất “khủng”, Nam Cường Group của nữ “đại gia” Lê Thị Thuý Ngà còn tham gia hoạt động trong lĩnh vực y tế khi cho ra đời CTCP Bệnh viện Quốc tế Nam Cường. Theo đó, pháp nhân này được thành lập nhằm đồng bộ về cơ sở hạ tầng xã hội các khu đô thị của tập đoàn.

Bên cạnh đó, chồng của ái nữ Trần Thị Quỳnh Ngọc là ông Nguyễn Đức Thiện (SN 1976) cũng từng đứng tên cho 2 pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục là CTCP Giáo dục TND và CTCP Giáo dục. Tuy nhiên cả 2 doanh nghiệp này đều đã bị giải thể./.