Biển Đông có chức năng như yết hầu của Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là nơi tập trung của những hoạt động kết nối, liên kết kinh tế và của các tuyến đường biển toàn cầu.
Biển Đông là trung tâm của vành đai biển Âu-Á với xung quanh là các eo biển Malacca, Sunda, Lombok và Makassar. Hơn một nửa hàng hoá được chở bằng tàu thuyền của thế giới đi qua những tuyến đường biển hẹp nói trên và 1/3 các hoạt động giao thông đường biển đi lại của thế giới diễn ra ở nơi đây.
Dầu mỏ được vận chuyển qua Eo biển Malacca từ Ấn Độ Dương, trên đường tới Đông Á thông qua Biển Đông, gấp 3 lần số lượng dầu mỏ đi qua Eo biển Suez và gấp 15 lần số lượng dầu mỏ được chuyên chở qua Eo biển Panama.
80% nguồn nhập khẩu dầu mỏ của Nhật Bản và 39% nguồn nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc đi qua Ấn Độ Dương trên đường từ Trung Đông. Các công ty Trung Quốc cũng có hàng tỉ USD đầu tư vào Đông Phi, tập trung chủ yếu vào dầu mỏ, khí đốt, đường sắt, đường bộ và các ngành khai thác mỏ.
Gần 2/3 nguồn cung cấp năng lượng cho Hàn Quốc, gần 60% nguồn cung cấp năng lượng cho Nhật Bản, Vùng lãnh thổ Đài Loan và 80% nguồn nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đi qua Biển Đông. Trong khi ở vùng vịnh Persian, chỉ có năng lượng được vận chuyển qua nơi này thì ở Biển Đông hàng hoá chuyển qua khu vực biển chiến lược này có cả năng lượng và nhiều loại hàng hoá khác.
Ngoài vị trí trung tâm mang tính chiến lược, Biển Đông còn được chứng minh là chứa đứng nguồn dự trữ dầu mỏ lên tới 7 tỉ thùng và ước tính có đến 900 nghìn tỉ mét khối khí đốt.
Nếu những tính toàn của Trung Quốc là chính xác thì Biển Đông có thể đem lại con số lên tới 130 tỉ thùng dầu (tuy nhiên có những hoài nghi lớn về ước tính này. Biển Đông được cho là chứa đựng nhiều dầu mỏ hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới ngoại trừ Ả-rập Xê-út. Một số nhà quan sát Trung Quốc còn gọi Biển Đông là “vùng Vịnh Persian thứ hai”.
Nếu có nhiều dầu mỏ như vậy ở Biển Đông thì Trung Quốc sẽ phần nào giảm được “tình trạng tiến thoái lưỡng nan Malacca” — sự phụ thuộc của nước này vào Eo biển hẹp và dễ tổn thương Malacca do phần lớn nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đến từ Trung Đông.
Và
Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc đã đầu tư 20 tỉ USD vì tin rằng Biển Đông chứa đứng số lượng dầu mỏ thực sự lớn như vậy. Trung Quốc đang vô cùng khát khao năng lượng mới. Nguồn dự trữ dầu mỏ của Trung Quốc hiện chỉ chiếm có 1,1% tổng dự trữ thế giới trong khi nước đông dân nhất thế giới tiêu thụ tới hơn 10% tổng sản xuất dầu mỏ trên thế giới và hơn 20% tất cả nguồn năng lượng được tiêu thụ trên hành tinh.
Không chỉ vị trí địa lý và nguồn dữ trự năng lượng giúp Biển Đông có tầm quan trọng về mặt địa chiến lược mà cả các cuộc tranh chấp lãnh thổ xung quanh những vùng nước – nơi có hơn 200 đảo lớn nhỏ, bãi đá và bãi san hô. Chỉ khoảng hơn 30 đảo và bãi đá này thường xuyên nổi trên mặt nước.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường vận chuyển sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Đây là điều mà không chỉ các nước trong khu vực mà rất nhiều cường quốc và cộng đồng thế giới kịch liệt phản đối.
Vào giữa năm 2010 một “trận sóng gió khuấy đảo Biển Đông” đã diễn ra khi Trung Quốc tuyên bố Biển Đông thuộc “lợi ích cốt lõi” của họ.
Tham vọng của Trung Quốc khiến các nước trong khu vực bất bình, lo ngại. Một số đã dựa vào Mỹ và tìm thêm đồng minh để có được sự trợ giúp về ngoại giao, quân sự nhằm đối phó với Trung Quốc.
Việc Trung Quốc quyết liệt đòi hỏi chủ quyền một cách thái quá ở Biển Đông và quyết liệt hành động để đạt được mục đích đã đẩy căng thẳng trong khu vực lên cao.
Các nước có tranh chấp ở Biển Đông cũng nhất quyết không chịu khoan nhượng, nhất quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích của họ ở Biển Đông.
Kết quả là những hoạt động quân sự đã được tăng cường mạnh mẽ ở Biển Đông trong vài năm trở lại đây. Và người ta đã chứng kiến không ít những vụ va chạm, đụng độ giữa tàu thuyền các nước. Các vụ phô trương sức mạnh quân sự, tập trận răn đe, thị uy lẫn nhau cũng gia tăng.
Sự can thiệp của một loạt nước lớn cũng khiến tình hình Biển Đông thêm nóng bỏng và làm gia tăng nguy cơ bùng phát xung đột. Mỹ, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga... đều cho thấy họ có lợi ích ở khu vực biển này và vì thế sẵn sàng can thiệp vào để bảo vệ lợi ích của họ.
Nếu các bên không kiểm soát được tình hình, không kiềm chế tham vọng và hành động, Biển Đông rất dễ trở thành một chiến trường và một khi nó đã trở thành chiến trường thực sự thì đó chắc chắn sẽ là một chiến trường ác liệt và bùng nổ.