Trong một cuộc hội thảo Biển Đông ở Washington, Daniel Kritenbrink, Giám đốc cao cấp phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết các hành động quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và Biển Đông gần đây trở thành mối quan tâm chính của truyền thông quốc tế.
Nhưng ông cho rằng đây là sự tiếp diễn các hoạt động của Mỹ trong 70 năm qua, hành động quân sự của Mỹ không phải là “nhân tố chính” làm thay đổi Biển Đông trong 5 năm qua.
Trong tương lai, Mỹ sẽ còn tiếp tục kiên trì
Tuy nhiên, quân đội hai nước Mỹ và Trung Quốc hoạt động ở khoảng cách gần nhau là một thực tế, tần suất tăng lên, có thể gia tăng nguy cơ xảy ra sự cố.
Vì vậy, Mỹ và Trung Quốc đều cố gắng xây dựng cơ chế tin cậy lẫn nhau. Mỹ khẳng định lợi ích quốc gia hàng đầu, Trung Quốc nói “lợi ích cốt lõi”
Trong cuộc hội thảo Biển Đông này tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington ngày 12/7/2016, ông Daniel Kritenbrink đã tranh cãi gay gắt với Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải.
Ông Daniel Kritenbrink trước tiên cho biết vấn đề Biển Đông là lợi ích quốc gia hàng đầu (top national interest) của Mỹ, Mỹ sẽ không nhắm mắt làm ngơ đối với tuyến đường hàng hải quan trọng này và lấy nó để giao dịch với hợp tác trên các lĩnh vực khác.
Thôi Thiên Khải đáp trả cho rằng vấn đề chủ quyền không phải là thứ mà Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) có thể phân xử (thời điểm trước khi có phán quyết PCA). Trung Quốc có ý chí kiên định, không khuất phục trước bất cứ sức ép nào, sẽ không lấy cái gọi là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc để giao dịch.
Như vậy, Thôi Thiên Khải đã nói về cái gọi là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc ở Biển Đông, coi vấn đề này cũng giống như vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương.
Vài năm trước, Trung Quốc đã giải thích nội hàm của "lợi ích cốt lõi", trong đó bao gồm chủ quyền lãnh thổ. Trong khi đó, Trung Quốc luôn tuyên bố có “chủ quyền” đối với các đảo ở Biển Đông, thể hiện cụ thể trong Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc về cái gọi là "chủ quyền" và "quyền lợi biển" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoài ra, Thôi Thiên Khai cho rằng việc phân xử về vấn đề Biển Đông của PCA đã mở ra cánh cửa tố tụng quốc tế, đồng thời xuyên tạc việc này đã "tăng cường xung đột và đối đầu". Trung Quốc chỉ có thể phản đối.
Thực ra, phán quyết của PCA không thể làm gia tăng đối đầu và xung đột, chỉ có nước nào cố tình không tuân thủ luật pháp quốc tế, tuyên bố bất chấp phán quyết công khai, minh bạch của PCA, cố tình áp đặt yêu sách vô lý, phi pháp ở Biển Đông như Trung Quốc mới là nguyên nhân chính sẽ làm gia tăng đối đầu và xung đột ở Biển Đông.
Cộng đồng quốc tế đang và sẽ theo dõi sát sao mọi động thái tiếp theo của Trung Quốc.
Thôi Thiên Khải chỉ trích, xuyên tạc cho rằng PCA có biểu hiện "chẳng có tài cán gì về chuyên môn" và ám chỉ Mỹ hô hào khẩu hiệu quay trở lại châu Á, cho rằng tình hình căng thẳng ở Biển Đông từ đó mới bắt đầu tăng lên.
Thôi Thiên Khải đã quên nhìn lại chính Trung Quốc bởi chính nước này mới là nhân tố chủ yếu gây ra tranh chấp và căng thẳng ở Biển Đông trong vài thập niên qua, nhất là những năm gần đây.
Lý do là Bắc Kinh đã có thực lực mạnh hơn, mua sắm, chế tạo nhiều vũ khí hơn nên ngày càng đẩy mạnh bành trướng ở Biển Đông trên mọi phương diện từ xây dựng đảo nhân tạo đến cái gọi là thực thi pháp luật, tuần tra, tập trận, đơn phương mời thầu dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của nước khác v.v...
Thôi Thiên Khải còn cho biết bước tiếp theo Trung Quốc vẫn chú trọng tham vấn và đàm phán ngoại giao. Biển Đông không nên được coi là vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ-Trung, không nên để Biển Đông định vị tính chất của quan hệ Mỹ-Trung.
Mỹ không chấp nhận quy tắc trò chơi riêng của Trung Quốc
Daniel Kritenbrink cho biết Mỹ không quan tâm lắm đến kết quả phán quyết cụ thể, không giữ lập trường đối với tranh chấp chủ quyền. Mỹ coi trọng đến quá trình, vì vậy ủng hộ thông qua trọng tài để giải quyết hòa bình tranh chấp.
Mỹ không thể chấp nhận ở Biển Đông lại có một bộ “quy tắc trò chơi” (luật lệ, quy tắc) khác với các khu vực khác. Mỹ không cần thiết và cũng không có ý đồ lợi dụng căng thẳng ở Biển Đông để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Daniel Kritenbrink cho hay Mỹ không có ý kiến những đảo đá nào thuộc về nước nào, nhưng có thể hỗ trợ tạo ra một môi trường để tranh chấp chủ quyền được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, hợp pháp.
Mỹ sẽ tích cực đóng vai trò ngoại giao khuyến khích các bên làm giảm căng thẳng, đưa ra một “tầm nhìn chung” để giải quyết tranh chấp theo các “quy tắc quốc tế”.
Daniel Kritenbrink nói, Mỹ cho rằng ở Biển Đông có 3 phương diện có thể xảy ra xung đột: tranh chấp lãnh thổ, dầu khí và nghề cá. Mỹ tích cực hối thúc các bên tránh làm leo thang xung đột trên 3 phương diện này.
“Không được dùng vũ lực bảo vệ yêu sách”
Ngoài ra, đối với việc Đài Loan quyết định điều tàu chiến đi tuần tra Biển Đông ngay sau khi PCA đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, trong cuộc họp báo của một diễn đàn doanh nghiệp, Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết ông không rõ về vụ "diễn tập quân sự" cụ thể này.
Nhưng, ông cho biết nguyên tắc quan trọng của Mỹ là không khuyến khích quân sự hóa Biển Đông, lấy thủ đoạn quân sự để bảo vệ yêu sách chủ quyền, cho nên khi xây dựng đảo nhân tạo hoặc bố trí vũ khí, Mỹ cho rằng sẽ có hiệu quả trái ngược, sức mạnh quân sự sẽ không làm thay đổi sự thật.
Vì vậy xử lý yêu sách chủ quyền cần phải thận trọng. Ông cho biết Mỹ dùng quân sự bảo vệ tự do đi lại, làm cho rất nhiều quốc gia và khu vực trong đó có Đài Loan, Trung Quốc và ASEAN được lợi lâu dài.
Đối với việc Đài Loan từ chối chấp nhận kết quả phán quyết của PCA và muốn tham gia đối thoại về vấn đề Biển Đông trong tương lai, ông Ben Rhodes cho biết xử lý tranh chấp chủ quyền có rất nhiều phương pháp, trong đó có trọng tài của UNCLOS, cộng đồng quốc tế khẳng định tính hợp pháp của nó.
Ben Rhodes cho biết thêm, Mỹ cũng khuyến khích Đài Loan mở ra kênh đối thoại hòa bình để tránh xung đột, tránh xảy ra tình huống mất kiểm soát, việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là một giải pháp khả thi.