Bị tố thu thập vị trí người dùng 340 lần một ngày, Google vẫn chối bỏ trách nhiệm

Theo nghiên cứu mới nhất dài 33 trang với tên gọi Google Data Collection, giáo sư Douglas C. Schmidt cho biết Google đang thu thập dữ liệu ngoài sức tưởng tượng. Trong vòng 24 giờ, điện thoại Android có thể gửi định vị người dùng đến Google tới 340 lần.

Theo một nghiên cứu gần đây của giáo sư Douglas C. Schmidt - thuộc nhóm thương mại điện tử Digital Content Next, Google đang thu thập dữ liệu người dùng hơn cả những gì bạn tưởng tượng.

Phần lớn dữ liệu là lịch sử về vị trí người dùng, sẽ được "phỏng đoán" thông qua các phương tiện thụ động và gửi tới "gã khổng lồ" Google, thậm chí là từ việc bạn nghe nhạc trong suốt quãng đường mình di chuyển.

Thứ 3 vừa qua, một nghiên cứu dài 33 trang với tên gọi Google Data Collection về chia sẻ dữ liệu của Google đã được phát hành, nội dung chính của các file PDF này là ngay cả khi người dùng không chủ động bật định vị trong Trình duyệt Chrome trên điện thoại Android thì dữ liệu vẫn có thể được thu thập.

Tài liệu cũng cho thấy một điện thoại Android không khởi chạy Chrome, đã gửi thông tin về vị trí tới Google 340 lần trong 24 giờ hoặc khoảng 14 lần trong một giờ. "Vào cuối ngày, Google có thể xác định đúng sở thích/thói quen người dùng với độ chính xác vượt trội", Schmidt đã viết trong nghiên cứu.

Khi được yêu cầu bình luận, Google đã bất chấp những phát hiện này, đồng thời cho rằng những báo cáo của tác giả tập tài liệu có xung đột với "gã khổng lồ" vì ông là nhân chứng trong vụ kiện bản quyền mà công ty đang dính vào.

"Báo cáo này được ủy quyền bởi một nhóm vận động hành lang chuyên nghiệp thuộc bang Washington DC và được viết bởi một nhân chứng trong vụ kiện bản quyền đang diễn ra giữa Google và Oracle. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi tài liệu chứa các thông tin gây hiểu nhầm sâu sắc", phát ngôn viên từ phía Google cho biết.

Vào tháng 3 vừa qua, giữa Google và Oracle đã diễn ra một vụ kiện bản quyền trị giá 9 tỷ USD đối với việc sử dụng phần mềm Java trong hệ điều hành Android. Tòa án khiếu nại Mỹ, thuộc bang Washington DC đã xem xét lại vụ kiện và có những phán quyết ủng hộ Oracle, rằng Google đã đi quá giới hạn trong việc sử dụng phần mềm Java trên hệ điều hành di động của mình.

Hiện tại phía giáo sư Schmidt cũng chưa có bất cứ phản ứng gì khi được yêu cầu bình luận sau phát biểu của Google.

Google đang chối bỏ trách nhiệm của mình

Một hình ảnh cho thấy Google thu thập dữ liệu thông qua hệ thống iTunes của Apple.

Ngoài ra nghiên cứu cũng cho biết Google có thể kết nối những dữ liệu ẩn danh mà mình thu thập được để liên hệ tới tài khoản người dùng, thông qua các công cụ quảng cáo như ID cookie - có thể được liên kết với DoubleClick.

Dù liên tục chối bỏ trách nhiệm của mình thay vì đưa ra lời xin lỗi đến người dùng, Google cũng bị các tổ chức có thẩm quyền giám sát về những lo ngại về quyền riêng tư cho người dùng.

Tháng trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ đã gửi thư cho công ty mẹ Alphabet, đặt câu hỏi về việc Google đang thu thập dữ liệu thông qua định vị vị trí, cột kết nối mạng di động, điểm phát sóng Wi-Fi và cả kết nối Bluetooth, đặc biệt là khi thiết bị đang ở chế độ ngoại tuyến. Thế nhưng "gã khổng lồ tìm kiếm" vẫn chưa có bất cứ câu trả lời nào.

Hay cuộc điều tra từ cơ quan thông tấn Associated Press của Mỹ đã phát hiện ra các dịch vụ của Google trên thiết bị cả Android lẫn iPhone đang theo dõi và lưu trữ dữ liệu về vị trí người dùng, ngay cả khi bạn đã tắt định vị trong cài đặt bảo mật.

Google đang đối mặt với hàng loạt những vụ kiện liên quan đến dữ liệu người dùng - tương tự như trường hợp Facebook mắc phải trong tháng 3 vừa qua. Phải chăng những nền tảng mạng xã hội đang dần mất đi sự an toàn hay vốn dĩ chúng ta không biết về điều đó trong suốt bao năm qua?

Theo ICT News

http://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/bi-to-thu-thap-vi-tri-nguoi-dung-340-lan-mot-ngay-google-van-choi-bo-trach-nhiem-171562.ict