Bí thư Nguyễn Văn Nên: “TP.HCM không thể tiếp tục kéo dài giãn cách nghiêm ngặt”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định TP.HCM không thể tiếp tục kéo dài giãn cách nghiêm ngặt, mà cần phải mở cửa dần.
Chốt bảo vệ ra vào theo quy định ở vùng bình thường mới Quận 7- Ảnh: Trần Nguyên Anh
Chốt bảo vệ ra vào theo quy định ở vùng bình thường mới Quận 7- Ảnh: Trần Nguyên Anh

Nhiều khu vực đảm bảo “vùng xanh”, kiểm soát được dịch

Chiều 23/9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã dự hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP Thủ Đức.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức - cho biết địa phương này đang xây dựng các kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế theo các giai đoạn cụ thể. Xác định lộ trình, lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên để từng bước nới lỏng, thí điểm khởi công lại các công trình dự án...

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đồng tình với kế hoạch từng bước mở cửa nền kinh tế của TP Thủ Đức. “Chúng ta không thể tiếp tục kéo dài giãn cách nghiêm ngặt mà cần phải từng bước mở dần, thích ứng an toàn để kinh tế phục hồi và các hoạt động xã hội dần trở lại bình thường”, bí thư nói.

Hiện tại, TP.HCM có các quận, huyện như Củ Chi, Cần Giờ, quận 7 đã trở thành vùng bình thường mới, kiểm soát được dịch, hàng tuần không có thêm ca nhiễm mới; huyện Bình Chánh, Nhà Bè, và TP Thủ Đức… đã đảm bảo được tiêu chí an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19, phát triển nhiều vùng xanh.

Chốt bảo vệ vùng bình thường mới ở Quận 7 - Ảnh: Trần Nguyên Anh
Chốt bảo vệ vùng bình thường mới ở Quận 7 - Ảnh: Trần Nguyên Anh

Lộ trình mở cửa cho TP.HCM

TP.HCM đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ 16-30/9/2021. Dự kiến TP.HCM sẽ thực hiện lộ trình 3 giai đoạn phục hồi kinh tế, trong đó giai đoạn 1 từ ngày 1-31/10/2021, giai đoạn 2 từ ngày 1/11/2021-15/1/2022, giai đoạn 3 sau ngày 15/1/2022.

Được biết, TP.HCM sẽ nới lỏng dần từng bước các hoạt động kinh tế theo lộ trình trên cơ sở kiểm soát rủi ro về dịch tễ và mức độ bảo vệ của người dân gồm căn cứ theo hai trụ cột là tiến độ tiêm vắc-xin và an toàn của hệ thống y tế theo từng giai đoạn, địa bàn cụ thể. Các lộ trình cũng được xác định gồm giai đoạn từ 1/10/2021-31/10/2021, giai đoạn 1/11/2021-15/1/2022 và giai đoạn sau 15/1/2022.

Trong thời gian tới, TP.HCM tiếp tục chiến dịch tiêm vắc-xin, đảm bảo tiêm mũi 1 cho tất cả người trên 18 tuổi, nhắc mũi 2 cho toàn bộ người tiêm mũi 1, ưu tiên tuyến đầu, người có nguy cơ cao. Cùng với đó, nghiên cứu phương án tiêm vắc-xin cho trẻ em, trẻ em có nguy cơ cao như có bệnh nền, béo phì.

TP.HCM vừa ban hành văn bản khẩn, phân công các đầu mối phụ trách kế hoạch chi tiết về phòng, chống COVID-19 và phục hồi kinh tế.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phân công công tác chung về y tế và giãn cách xã hội giao cho Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đảm trách; các Bộ tiêu chí về an toàn phòng chống dịch COVID-19 giao Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoà Bình; về công tác xét nghiệm, truy vết do ông Ngô Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách; về phục hồi kinh tế và đảm bảo chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – bà Phan Thị Thắng theo dõi; chỉ đạo về an sinh xã hội giao Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan.

Bảo vệ vùng xanh xuống tận các ấp, xã ở huyện Củ Chi
Bảo vệ vùng xanh xuống tận các ấp, xã ở huyện Củ Chi
Chốt bảo vệ vùng xanh ở huyện Nhà Bè
Chốt bảo vệ vùng xanh ở huyện Nhà Bè
Chốt bảo vệ vùng xanh ở khu dân cư Sun View - TP Thủ Đức
Chốt bảo vệ vùng xanh ở khu dân cư Sun View - TP Thủ Đức

Theo văn bản Sở Y tế vừa trình với UBND TP.HCM xem xét cơ chế tài chính đối với các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị COVID-19; ngoài chi phí điều trị COVID-19, chi phí vật tư tiêu hao chưa được kết cấu vào giá dịch vụ kỹ thuật và thuốc điều trị COVID-19 được ngân sách nhà nước thanh toán theo quy định phù hợp, các chi phí phục vụ khác theo yêu cầu ngoài phạm vi chi trả của ngân sách nhà nước (tiền phòng, tiền ăn theo yêu cầu, các dịch vụ tiện ích tăng thêm theo yêu cầu người bệnh), bệnh viện được thu tiền người bệnh theo mức giá thỏa thuận giữa bệnh viện và người bệnh nhưng không được vượt quá mức giá mà bệnh viện đã kê khai với Sở Y tế (nếu có).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã bàn giao 63.000 kit test cho Sở Công thương để phân bổ cho các doanh nghiệp quản lý shipper. Đồng thời tập huấn công tác lấy mẫu xét nghiệm để các đơn vị có thể tự lấy mẫu xét nghiệm cho shipper. Đã có 19/33 doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các thao tác sử dụng phần mềm khai báo điện tử của TP.HCM để cập nhật kết quả xét nghiệm của shipper, triển khai cập nhật dữ liệu chính thức từ ngày 24/9.

Theo chính sách nhiều doanh nghiệp đưa ra, đội ngũ shipper TP.HCM phải trả một phần tiền khi đi xét nghiệm kể từ ngày 24/9. Sáng nay, cập nhật từ nhiều đầu mối cho thấy, nhiều shipper vui mừng khoe kết quả âm tính được cập nhật trên App Y tế HCM sau khoảng 20 phút làm xét nghiệm, trước khi các shipper được phép lên đường đi giao hàng. Tuy nhiên, vì nhu cầu xét nghiệm khá lớn nên đã có cảnh xếp hàng dài khi đi xét nghiệm, các doanh nghiệp cần lưu ý đảm bảo 5K.