Có học giả Australia đề nghị chính phủ Australia đóng cửa đại sứ quán Trung Quốc nếu đại sứ Trung Quốc không chịu phủ nhận nội dung bài báo.
Tờ Sky News Australia ngày 10/5 đưa tin, ông Joe Siracusa, giáo sư tại Đại học Curtin, Australia, dẫn một bài báo trên Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đe dọa sẽ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa, đồng thời chỉ ra rằng nếu các cuộc thử nghiệm được tiến hành, Trung Quốc sẽ chắc chắn "thực hiện" các chủ trương của họ. Ông nói: "Tôi cho rằng lời đe dọa như vậy là sai lầm ngoại giao rất nghiêm trọng của họ".
Ông Siracusa cho rằng chính phủ Australia nên triệu tập đại sứ Trung Quốc tới để chất vấn, yêu cầu ông ta phủ nhận những tuyên bố này, nếu ông ta từ chối, cần trục xuất khỏi lãnh thổ Australia.
Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu thường xuyên có những phát biểu cực đoan (Ảnh: Dwnews). |
Giáo sư Joe Siracusa nói: "Khi bạn đe dọa một quốc gia bằng cách tấn công lãnh thổ của nước đó, cũng là lúc đại sứ phải ra về. Điều này gửi đi một thông điệp rất quan trọng".
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 6/5 tuyên bố rằng một khi chiến tranh nổ ra ở eo biển Đài Loan, Australia sẽ hỗ trợ Mỹ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông Morrison tuyên bố rằng Australia đã nhận thấy sự bất ổn ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nên đã có các thỏa thuận quốc phòng an ninh liên quan để đối phó với tình hình này. Khi được hỏi hai lần liệu có ủng hộ Đài Loan hay không, ông Morrison nói rằng Australia “luôn bảo vệ tự do cho khu vực”.
Đáp lại phát biểu của ông Morrison, Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu, trong một bài báo hôm 7/5 đã kiến nghị rằng Bắc Kinh nên răn đe Australia bằng cách áp đặt trừng phạt.
Tàu chiến của Chiến khu Miền Đông PLA tập trận trên biển (Ảnh: CCTV). |
Hồ Tích Tiến viết: "Trước việc Australia liên tục hô hào hoặc ám chỉ Australia sẽ hỗ trợ quân đội Mỹ và tham gia vào cuộc chiến khi xung đột quân sự nổ ra ở eo biển Đài Loan; các cơ quan truyền thông Australia không ngừng quảng cáo cường điệu luận điệu liên quan. ‘Lão Hồ’ (tức Hồ Tích Tiến) chủ trương Trung Quốc nên có phương án trừng phạt trả đũa đối với hành vi can thiệp quân sự của Australia vào tình hình ở eo biển Đài Loan. Kế hoạch này bao gồm các cuộc tấn công tầm xa vào các cơ sở quân sự trên đất Australia và các công trình hạ tầng quan trọng liên quan khi Australia thực sự gửi quân đến vùng biển gần Trung Quốc để chiến đấu với PLA”.
Gần đây, các quan chức cấp cao của chính phủ Australia nhiều lần lên tiếng về nguy cơ xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton tuyên bố “không nên đánh giá thấp khả năng xảy ra xung đột với Bắc Kinh do vấn đề Đài Loan” và Australia sẽ cùng với các đồng minh trong khu vực làm việc để duy trì hòa bình.
Tàu hải quân Australia tập trận cùng tàu Mỹ và Nhật trên Biển Đông, tháng 10/2020 (Ảnh: HĐ7). |
Mike Pezzullo, Tổng thư ký Bộ Nội vụ Australia, nói rằng "tiếng trống trận đã vang lên”, Australia và các đồng minh ủng hộ tự do phải chuẩn bị chiến đấu.
Mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Australia bắt đầu trở nên căng thẳng từ năm 2018, khi Australia hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền Tổng thống Trump ở Mỹ, trở thành quốc gia đầu tiên công khai cấm sử dụng thiết bị Huawei trong xây dựng mạng 5G. Năm ngoái, Australia đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của loại virus gây đại dịch COVID-19, dẫn đến mối quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi và hứng chịu đòn phản công thương mại từ Trung Quốc.
Do quan hệ Trung Quốc – Australia ngày càng xấu đi, Trung Quốc đã áp mức thuế cao đối với các mặt hàng nhập khẩu của Australia như than, tôm hùm, lúa mạch, rượu vang và các sản phẩm khác để trả đũa.
Australia đang xem xét cưỡng chế hủy bỏ việc cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Darwin 99 năm vì lo ngại an ninh quốc gia (Ảnh: Canberratimes). |
Ngày 21/4, Ngoại trưởng Australia Marise Payne thông báo chính phủ Australia đã hủy bỏ bản ghi nhớ về sáng kiến "Vành đai và Con đường" và thỏa thuận khung được ký kết giữa Trung Quốc và chính phủ bang Victoria của nước này. Hiện nay Bộ Quốc phòng Australia cũng đang nghiên cứu xem xét về khả năng hủy bỏ hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Darwin trong 99 năm vì lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
(Theo RFI, Dwnews)