Bị tấn công trên mọi mặt trận, Huawei đã tìm ra phương án B để thay thế Android, Play Store

VietTimes -- "HongMeng OS", "Project Z" hay "phương án B" là những cái tên đang được giới công nghệ truyền tai nhau, khi nhắc tới phương án dự phòng của Huawei cho cuộc sống thiếu Google và mắc kẹt giữa "cuộc chiến tranh lạnh" công nghệ.
Ảnh minh họa: Straits Times

Sau khi Huawei bị liệt kê vào danh sách đen thương mại của chính phủ Mỹ, Google tuyên bố sẽ chấm dứt thỏa thuận hợp tác với công ty Trung Quốc. Mặc dù Bộ Thương mại Mỹ đã có động thái nới lỏng tạm thời các hạn chế trong 90 ngày, nhưng sớm muộn các mẫu smartphone mang thương hiệu Huawei sẽ dừng cập nhật Android (hay EMUI theo cách gọi của Huawei) và bị chặn toàn bộ truy cập tới hệ sinh thái dịch vụ thiết yếu của Google.

Quyết định của Google đã giáng đòn chí mạng vào tham trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới. Trước nguy cơ mất đi “linh hồn” Google Play Services và cửa hàng ứng dụng Play Store, những mẫu smartphone Huawei khó có thể duy trì sức hút tại các thị trường bên ngoài Đại lục.

Để chuẩn bị cho tương lai không có Android, Huawei đang tự phát triển một hệ điều hành riêng dành cho thiết bị di động. Thông tin này đã được Giám đốc điều hành mảng điện tử tiêu dùng Huawei, Richard Yu xác nhận với The Information.

Vậy bạn biết gì về “phương án B” của Huawei để thay thế Android?

“Project Z”, “HongMeng OS” hay “phương án B” của Huawei

Theo The Information, “Project Z” là mã hiệu của dự án phát triển hệ điều hành nội bộ dành cho thiết bị di động Huawei.

Năm ngoái, phương tiện truyền thông Trung Quốc từng rò rỉ thông tin về hệ điều hành này, qua tên gọi khác là “HongMeng OS” (âm Hán Việt là Hồng Mông - chỉ trạng thái hỗn mang trước khi vũ trụ hình thành)

Trong cuộc phỏng vấn của trang Die Welt hồi tháng 3 năm nay, CEO Richard Yu đã xác nhận Huawei đã chuẩn bị “phương án B” cho tương lai không có Android.

Cách đây vài năm, Huawei đã lường trước rủi ro khi phụ thuộc vào Google

Ảnh minh họa: Trusted Review

Nguồn tin từ Trung Quốc của Huawei Central tiết lộ Huawei đã phát triển “Project Z” trong vòng 7 năm, bắt đầu từ năm 2012. Tuy nhiên, The Information lại cho rằng công ty Trung Quốc mới chỉ bắt tay xây dựng hệ điều hành riêng trong vài năm trở lại đây.

Phát triển hệ điều hành đã khó, xây dựng hệ sinh thái ứng dụng lại càng khó hơn

Ảnh minh họa: Android Central

Phát biểu trước truyền thông Trung Quốc vào tháng 9, Giám đốc kỹ thuật phần mềm mảng thiết bị điện tử tiêu dùng của Huawei, ông Wang Chenglu thừa nhận việc tự phát triển hệ điều hành không phải trở ngại quá lớn đối với Huawei, nhưng phát triển hệ sinh thái ứng dụng sẽ khó khăn hơn gấp bội.

Rõ ràng, một nền tảng hệ điều hành di động toàn diện cần một hệ sinh thái ứng dụng đa dạng và lành mạnh. Ngược lại, hệ điều hành tốt nhưng khan hiếm ứng dụng thì sẽ sớm lụi tàn.

Đây cũng chính là vòng tròn luẩn quẩn mà Microsoft đang mắc kẹt khi lấn sân sang mảnh đất di động. Với thị phần thấp, Windows Phone khó có thể cạnh tranh với Android hay iOS để thu hút những nhà phát triển tên tuổi. Đồng thời, khi các ứng dụng phổ biến ra mắt quá chậm thì người dùng đã lần lượt bỏ rơi hệ điều hành này.

Samsung cũng từng thất bại khi thử sức phát triển hệ điều hành riêng, Tizen OS vào năm 2015. Thậm chí, trang Ars Technica đã nhận xét về Tizen OS: “Chẳng có gì ấn tượng cả. Cảm giác [sử dụng Tizen OS] như một bản sao Android trống rỗng, chẳng có bất kỳ ứng dụng nào”.

Vì vậy, Huawei sẽ phải chuẩn bị cực kỳ cẩn trọng nếu không muốn vấp phải vết xe đổ của Samsung và Microsoft trong quá khứ.

AppGallery và Aptoide: Giải pháp thay thế Google Play Store

Ảnh minh họa: Teamandroid

Theo tờ Dinheiro Vivo, Aptoide đã nắm bắt cơ hội để đề xuất cho Huawei giải pháp thay thế cho Google Play Store. Nhà phát triển Bồ Đào Nha hiện đang điều hành kho lưu trữ hơn 900.000 ứng dụng với gần 200 triệu người dùng. Ngoài APK Mirror, Aptoide là một trong những nguồn phổ biến để “tải lậu" ứng dụng không được hỗ trợ chính thức trên cửa hàng của Google.

Bên cạnh đó, Huawei đang đàm phán với các nhà phát triển để cung cấp ứng dụng trực tiếp trên AppGallery của công ty. Theo báo cáo công bố cuối năm 2018, dịch vụ AppGallery đã cán mốc 50 triệu người dùng.

Được biết, Huawei đang khuyến khích các nhà mạng, nhà bán lẻ cài đặt sẵn AppGallery trên thiết bị. Công ty Trung Quốc cũng có thể làm điều tương tự với Aptoide hoặc tích hợp thẳng vào AppGallery.

Khó phổ biến tại thị trường bên ngoài Đại lục

Ảnh minh họa: Digital Trends

Hệ điều hành của Huawei có thể vẫn được người dùng Trung Quốc đón nhận. Lý do bởi người dùng Android Trung Quốc đã quen với sự thiếu vắng của Google (Google bị cấm ở Trung Quốc từ năm 2010). Tuy nhiên, việc mất quyền truy cập Google Play Store, Youtube, G-mail v.v. sẽ ảnh hưởng lớn tới doanh thu từ nghiệp vụ sản xuất smartphone của Huawei bên ngoài Đại lục.

Nếu nhìn nhận một cách tích cực thì Huawei đang có đôi chút thuận lợi hơn tại Châu Âu, nơi Google đang phải đối mặt với 3 cáo trạng chống độc quyền liên quan đến Android. Gần đây, Liên minh Châu Âu (EC) đã đáp dụng mức phạt 4,8 tỷ USD vì cho rằng Google ép người dùng sử dụng Google Search và các dịch vụ khác như trình duyệt Google Chrome, để duy trì sự thống trị trên thị trường công cụ tìm kiếm.

Thời điểm ra mắt

Ảnh minh họa: Wired

Giám đốc điều hành mảng điện tử tiêu dùng Huawei Richard Yu mới tiết lộ rằng: “Hệ điều hành ‘phương án B’ do Huawei tự phát triển sẽ cập bến smartphone, máy tính, TV, xe ô tô và thiết bị đeo thông minh vào mùa Thu 2019”. Ông cũng cho biết hệ điều hành này có thể được xây dựng “dựa trên Android” hoặc “tương tự như Android”.

Mặc dù không đề cập rõ ràng về thời điểm ra mắt, nhưng CEO Richard Yu cho biết Huawei sẽ ra mắt hệ điều hành mới vào Q4/2108, ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ ngừng cấp phép tạm thời cho các đối tác của công ty. Và tới Q1 hoặc Q2/2020, công ty sẽ cung cấp bản cập nhật hệ thống này cho người dùng toàn cầu.

Ngoài ra, không loại trừ khả năng hệ điều hành “phương án B” sẽ là biến thể được Huawei tùy chỉnh trên nền tảng Android mã nguồn mở (ASOP) và vận hành thông qua giao diện EMUI.

Tương lai của Mate X

Ảnh minh họa: Android Central

Vai trò của Google là vô cùng quan trọng để Huawei phát triển phiên bản Android đặc biệt dành cho smartphone màn hình gập đầu tiên của hãng, Mate X. Trước hàng loạt sự cố kỹ thuật của Galaxy Fold, Mate X được kỳ vọng mở ra phân khúc cao cấp hơn, trở thành “lá cờ đầu” của ngành công nghiệp smartphone. Giờ đây, khi thiếu sự hỗ trợ của Google, giới công nghệ có lý do để lo lắng về tương lai của Mate X.