Bí quyết phát triển vũ khí Trung Quốc: Đánh cắp công nghệ

Tất cả các mẫu vũ khí trang bị kỹ thuật Liên Xô mà Trung Quốc làm nhái được xuất khẩu nhiều hoặc là sang các nước thế giới thứ ba không có nguồn lực tài chính để mua vũ khí Nga, hoặc là sang các nước không thể mua vũ khí của Liên Xô hay phương Tây vì những lý do chính trị.
J-11B - sản phẩm làm nhái công nghệ Su-27 của Liên Xô/Nga
J-11B - sản phẩm làm nhái công nghệ Su-27 của Liên Xô/Nga

Tòa án liên bang quận Nam bang Florida Mỹ ở Fort Lauderdale đang xem xét vụ một nữ công dân Mỹ và một công dân Trung Quốc bị cáo buộc mưu toan mua và chuyển cho Trung Quốc các mẫu động cơ và máy bay không người lái. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc bị nghi ngờ tìm cách sao chép công nghệ (reverse engineering). Ta hãy tìm hiểu các cáo buộc của tòa và lần theo chặng đường dài sao chép công nghệ nước ngoài của Trung Quốc.

Nữ công dân Mỹ Wenxia “Wency” Man và công dân Trung Quốc Zhang Xinsheng bị cáo buộc mưu toan mua và sau đó đưa sang Trung Quốc máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Công ty General Atomics, động cơ máy bay F135 của Công ty Pratt & Whitney dùng cho tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35, động cơ F119 cũng của Công ty Pratt & Whitney dùng cho tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 và động cơ F110 của Công ty General Electric dùng cho các tiêm kích F-15 và F-16.

Quân phục của binh lính Trung Quốc phần nhiều cũng sao chép mẫu nước ngoài, trước hết là của Mỹ (Andy Wong / AP)
Quân phục của binh lính Trung Quốc phần nhiều cũng sao chép mẫu nước ngoài, trước hết là của Mỹ (Andy Wong / AP)

Theo thông tin sơ bộ, các tội phạm đã định chuyển số hàng này qua Hongkong, Israel hay Hàn Quốc. Ý đồ phạm tội của các nghi đã bị chặn đứng nhờ một điệp viên tình báo Mỹ hoạt động dưới bình phong trong khuôn khổ một điệp vụ bắt đầu từ năm 2011.

Những cáo buộc của tòa dựa trên yếu tố những thiết bị này bị cấm xuất theo Các quy định buôn bán vũ khí quốc tế (International Traffic in Arms Regulations) hiện hành ở Mỹ dùng để kiểm soát việc xuất và nhập khẩu sản phẩm quân dụng và lưỡng dụng.

Wenxia Man sinh ra ở Trung Quốc và mới nhận quốc tịch Mỹ vào năm 2006. Cô ta là phó chủ tịch của một công ty gia đình chuyên sản xuất tụ điện tối tân để xuất khẩu. Cô ta bị bắt ngày 1/9/2015  và hiện đang bị giam ở nhà tù Broward County Main Jail. Bị can thứ hai trong vụ việc, Zhang Xinsheng, theo thông tin của chính quyền Mỹ, là chuyên viên chính thức về mua sắm thiết bị quân sự cho chính phủ Trung Quốc.

Bản thân Man đã miêu tả kẻ đồng lõa là “gián điệp công nghệ chuyên mua thông tin của Nga và các nước khác để Trung Quốc có thể có được các công nghệ hiện đại mà không phải tiến hành các nghiên cứu của mình”. Hiện tại, bị can đang bị truy nã này đang ở Trung Quốc và dĩ nhiên là đến nay chưa bị bắt.

Câu chuyện quen thuộc

Trường hợp kể trên cho thấy một vấn đề cố hữu của trường phái thiết kế kỹ thuật Trung Quốc: công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đang phát triển theo con đường du nhập các công nghệ của nước ngoài bằng cách lấy cắp hoặc sao chép các sản phẩm sản xuất theo giấy phép. Ví dụ, người Trung Quốc đã nhiều thập kỷ liên tục hăng say làm nhái, sao chép các công nghệ hàng không của Liên Xô/Nga.

Lịch sử hợp tác quân sự Nga-Trung bắt đầu từ trước chiến tranh, từ cuối thaapjkyr 1940 và đến đầu thập kỷ 1960, Liên Xô thực tế đã xây dựng chìa khóa trao tay nền công nghiệp quốc phòng hiện đại Trung Quốc. Trung Quốc đã tích cực sản xuất vũ khí trang bị do Liên Xô thiết kế và việc này không ngừng lại, ngay cả khi quan hệ Xô-Trung hoàn toàn tan vỡ trong thập kỷ 1960 và sự hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước bị đình chỉ.

Máy bay ném bom chiến lược H-6 chính là con đẻ của Tu-16 của Liên Xô (Li Pang)
Máy bay ném bom chiến lược H-6 chính là con đẻ của Tu-16 của Liên Xô (Li Pang)

Trung Quốc đã sản xuất và khi có thể thì phát triển các mẫu vũ khí Nga thuộc tất cả các chủng loại - súng bộ binh, cối, pháo, xe chiến đấu bọc thép, bao gồm cả xe tăng, các hệ thống phòng không và thậm chí máy bay cho đến tận máy bay ném bom tầm xa mang tên lửa Tu-16 mà với tên gọi mới là H-6 và được hiện đại hóa sâu đến ngày nay vẫn cấu thành nên nền tảng của không quân chiến lược Trung Quốc.

Hơn nữa, tất cả các mẫu vũ khí trang bị kỹ thuật Liên Xô mà Trung Quốc làm nhái được xuất khẩu nhiều hoặc là sang các nước thế giới thứ ba không có nguồn lực tài chính để mua vũ khí Nga, hoặc là sang các nước không thể mua vũ khí của Liên Xô hay phương Tây vì những lý do chính trị (Albania, Campuchia thời Pol Pot và các nước khác). Các vũ khí này đã được sử dụng chống lại kể cả chính Liên Xô. Ví dụ, 90% súng bộ binh và cối mà phiến quân Afghanistan sử dụng trong cuộc xung đột ở Afghanistan được sản xuất ở Trung Quốc.

Trung Quốc tiếp tục sao chép vũ khí Nga cả sau khi bình thường hóa quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh. Năm 2009, có tin thương vụ bán tiêm kích trên hạm Su-33 của Nga cho Trung Quốc bị đổ vỡ. Phía Trung Quốc định mua của Nga từ 30-50 chiếc Su-33 để trang bị cho các tàu sân bay tương lai do Trung Quốc đóng.

Nhưng sau đó, họ nói chỉ muốn mua 14 chiếc với điều kiện 2 chiếc sẽ được cung cấp cho họ “nghiên cứu làm quen”. Nguyên nhân đổ vỡ hợp đồng là nguy cơ Trung Quốc sao chép trái phép Su-33.

Tiêm kích J-15 làm nhái Su-27K/Su-33 v(Zha Chunming / Xinhua / AP)
Tiêm kích J-15 làm nhái Su-27K/Su-33 v(Zha Chunming / Xinhua / AP)

Trong bối cảnh, Trung Quốc đã trắng trợn sao chép Su-27 khi sản xuất máy bay với động cơ và thiết bị của mình với tên gọi J-11 thì số phận tương tự rất có thể xảy ra với Su-33 và phía Nga hoàn toàn không chấp nhận điều đó.

Cuối cùng, Trung Quốc đã tìm cách mua được một mẫu chế thử Su-27K (chính là Su-33 tương lai) bị loại bỏ và không thể bay ở Ukraine, nơi mà nó lọt lại sau khi Liên Xô sụp đổ cùng với các tài sản khác của tổ hợp thử nghiệm-huấn luyện mặt đất máy bay trên hạm NITKA ở Crimea. Rõ ràng là các kỹ sư Trung Quốc nhờ có kinh nghiệm làm nhái Su-27 đã sao chép được cả các giải pháp kỹ thuật của biến thể trên hạm của nó là Su-27K/Su-33.
 
Tất cả những hoạt động trộm cắp đó có thể gây tổn hại nặng nề cho các nhà xuất khẩu vũ khí Nga vì Su-27 do Trung Quốc làm nhái dù thua kém mẫu nguyên bản về tính năng kỹ thuật, nhưng lại rẻ hơn, có thể thu hút sự quan tâm của nhiều nước.

Chu trình mới

Tháng 2/2011, Giám đốc Cơ quan Liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự Mikhail Dmitriev đã tuyên bố rằng, hiệp định đặc biệt ký năm 2008 với Trung Quốc theo kênh Bộ Tư pháp đã không giải quyết được vấn đề sao chép trái phép vũ khí trang bị của Liên Xô và Nga.

Trong những năm sau chiến tranh, khi Liên Xô cung cấp Trung Quốc hẳn những dây chuyền sản xuất các sản phẩm mà không yêu cầu ký giấy tờ nào cả. Tình thế trở nên phức tạp hơn vì khi sao chép sản phẩm quốc phòng của Nga, Trung Quốc có đưa vào đó những thay đổi của mình.

MQ-9 Reaper (Brian Ferguson / USAF / Global Look)
MQ-9 Reaper (Brian Ferguson / USAF / Global Look)

Dĩ nhiên là để hàng nhái không thua kém hàng thật nguyên bản thì cần phải chế tạo nó theo đúng tài liệu kỹ thuật, công nghệ sản xuất và sử dụng đúng những vật liệu mà các công trình sư đã xác định.

Ngoài ra, điều cực kỳ quan trọng là bảo đảm chất lượng lắp ráp máy bay và khai thác máy bay sau này. Ở hướng này, các kỹ sư Trung Quốc đi một cách mò mẫm. Nhưng dẫu sao thì con đường sao chép “thiết kế ngược” (reverse engineering) mà Trung Quốc lựa chọn có thể giúp họ rút ngắn sự tụt hậu trong lĩnh vực quân sự so với các cường quốc tiên tiến.

Ngoài ra, với tốc độ phát triển ngày càng nhanh của công nghiệp Trung Quốc, không loại trừ khả năng hình thành một trường phái nghiên cứu-phát triển và hoàn thiện vũ khí trang bị riêng của họ.

Máy bay ném bom JH-7
Máy bay ném bom JH-7

Hiện nay, những hy vọng chủ yếu của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng không liên quan đến việc chế tạo máy bay vận tải quân sự Y-20 có du nhập nhiều giải pháp của nước ngoài, cũng như sử dụng động cơ D-30KP của Nga (ở biến thể chế thử) và dù sao cũng không phải là làm nhái mẫu của nước ngoài.

Các mẫu chế thử tiêm kích thế hệ 5 J-20 và J-31 của Trung Quốc cũng là sản phẩm có tính tự chủ hơn nhiều so với các loại trước đó. Với các máy bay không người lái Trung Quốc cũng vậy: ngoài các thiết kế rõ ràng là bắt chước, làm nhái, Trung Quốc cũng có những thiết kế không phải là sao chép trực tiếp các mẫu nước ngoài.

Một ví dụ khác kiểu đó là máy bay ném bom chiến thuật JH-7 do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo vào cuối thập kỷ 1980 mà người ta có thể gọi là thành quả sáng tạo độc lập trên cơ sở những giải pháp của châu Âu, Liên Xô và Mỹ. JH-7 không thuộc loại các máy bay đặc biệt thành công, mặc dù nó vẫn đang phục vụ trong không quân Trung Quốc. Câu chuyện của những loại máy bay kế tục nó mới chỉ bắt đầu.

Máy bay ném bom JH-7
Máy bay ném bom JH-7

Theo VND