|
Ảnh minh họa |
Kiến trúc không dây
Theo cây viết Lance Ulanoff của Mashable, một trong những điều tuyệt vời nhất của Steve Jobs Theater là mặt sàn lớn và không gian hoàn toàn mở. Đội ngũ kiến trúc sư và thiết kế đã xây dựng nhà hát này dựa trên tầm nhìn mà Steve Jobs từng truyền đạt theo phong cách iPhone, biến những thứ trông phức tạp trở nên rõ ràng và đơn giản.
Khi nhìn vào toàn bộ công trình từ bên ngoài, người xem sẽ chỉ thấy một sự đơn giản. Hoàn toàn không có gì bên trong, không có khung, đường ống, dây hoặc bất kỳ chiếc loa nào.
Trên thực tế mọi thứ vẫn ở đó, nhưng đều được giấu đi. Mái nhà bằng sợi các-bon được hỗ trợ bởi khung kính. Dây diện và các đường ống được che khuất tầm mắt người nhìn. Một hệ thống phun nước cũng được ẩn dưới các vòng tròn trên trần, bên trong các khớp nối từng bộ phận là dây dẫn điện, dây truyền dữ liệu, hệ thống âm thanh.
Đúng như tên gọi nhà hát của mình, cả khối kiến trúc được thiết kế để có thể hấp thụ âm thanh một cách triệt để. Lance Ulanoff cho biết ông đã rất chú ý tới âm thanh được phát ra tại đây nhưng không nhìn thấy chiếc loa nào. Bởi toàn bộ hệ thống được đặt trên mái, với một lỗ thủng gần như không thể phát hiện để âm thanh đi qua.
Ở khu vực sự kiện, tuy cũng khá trống trải, nhưng Ulanoff nhận thấy gần như không có tiếng vang tạo ra trong suốt thời gian diễn ra buổi lễ. Lý giải cho điều này, một số người cho rằng bản thân con người cũng là một dạng vật liệu hấp thụ âm thanh tự nhiên, hoặc Apple đã sử dụng các vật liệu hấp thụ âm thanh tốt để làm tường.
Không chỉ vậy, hệ thống ăng-ten phục vụ cho liên lạc nội bộ cũng được thiết kế gần hệ thống đèn, khiến chúng gần như biến mất trước con mắt của mọi người. Ý tưởng này được đội ngũ thiết kế hé lộ rằng họ đã học hỏi từ cách làm ăng-ten trên iPhone.
Vững chắc như một tảng đá
Nhiều người nhìn vào thiết kế bằng kính của kiến trúc này và cảm thấy nó rất mỏng manh, yếu ớt. Ít ai biết rằng Steve Jobs Theater được thiết kế để chịu được cả những trận động đất hơn 8 độ Richter. Các bộ phận từ phần sân thượng, kính, mái nhà... được kết nối khéo léo và sẽ vận hành giống như một quả lắc hay vòng bi, tức là bất động trong khi mặt đất rung chuyển. Thậm chí, vòng tròn đá làm bằng chất liệu terrazzo trắng đặt ở bên trong sảnh sẽ tự trượt trên mặt sàn trong trường hợp các bức tường có xu hướng di chuyển lao về phía chúng.
Apple cũng tuyên bố rằng nhà hát được xây dựng để đứng vững ngay cả khi nó mất đi tất cả 44 tấm kính xung quanh. Đội ngũ xây dựng đã thử nghiệm các rung động địa chấn một cách cẩn thận trong quá trình thiết kế và thi công tòa nhà này.
Trong khi Steve Jobs chỉ đưa ra một cái nhìn ban đầu cho Apple Park, Jony Ive là người hoàn thiện và bổ sung các chi tiết còn lại. Nhân viên thiết kế chính của Apple đã làm việc với đơn vị thi công Foster & Partners trên mọi khía cạnh xây dựng. Với kinh nghiệm thiết kế các sản phẩm của Apple, ông đã nhấn mạnh và đòi hỏi mọi thứ phải tinh tế và tinh tế hơn nữa. Rất nhiều cánh cửa không có tay cầm, thay vào đó người dùng sẽ tự biết đặt tay vào phần đường cong trên cửa khi tiến gần tới chúng.
Chủ nghĩa tối giản (Minimalism) thậm chí còn được ứng dụng trong thang máy thủy tinh đưa khách từ sảnh đợi tới tiền sảnh. Buồng thang được đẩy lên và hạ xuống trên một cái piston và có thiết kế bên ngoài dạng xoáy rất bắt mắt, đồng thời tạo hiệu ứng đẹp khi đứng ở bên trong. Thông thường, với các thang máy hai cửa, người dùng sẽ phải quay người lại để đi ra hướng cùng với chiều vào. Còn thang máy ở Steve Jobs Theater tự xoay trong quá trình di chuyển và người dùng chỉ cần đứng yên và nhìn ngắm xung quanh.
Không gian rộng lớn
Toàn bộ tòa nhà rộng 15.000 mét vuông, được thiết kế khéo léo để mang tới cho mọi người cảm giác rằng ánh sáng được truyền xuống trực tiếp từ tiền sảnh. Người xem thậm chí có thể nhìn thấy tấm kính và bầu trời xanh xuyên qua chúng từ bên dưới. Phía trên đầu mọi người lúc nào cũng luôn là các vòng tròn đồng tâm đan vào nhau.
Lance Ulanoff nói rằng phải mất một lúc ông mới nhận ra rằng không gian bên trên nơi mà CEO Tim Cook của Apple giới thiệu iPhone X là phần được đào vào ngọn đồi ở bên cạnh tòa nhà. Và trên bức tường đá vôi ở phía lối khu vực sân khấu có khắc dòng chữ "Steve Jobs Theater". Đây là nơi duy nhất trong toàn bộ tòa nhà có tên của người sáng lập hãng Apple.
Khu vực khán phòng bên trong được Ulanoff mô tả với bầu không khí đậm mùi gỗ và da. "Tôi không nhận thấy điều đó khi xung quanh tràn ngập mọi người, nhưng bây giờ, đặc biệt là mùi gỗ, rất nổi bật, nhắc nhở tôi về sự mới mẻ của không gian này".
Jony Ive đã chọn những vật liệu như da Italy, gỗ sồi trắng để trang trí nội thất cho khu vực khán phòng. Nhiều khán giả cũng đã thử đếm số chỗ ngồi để xem chúng có đủ 1.000 ghế như tuyên bố của Apple không và kết quả là chỉ có 921 chỗ. Trên thực tế, đây vẫn được xem là một sự thành công bởi cảm giác mang lại là khá thân mật cho một khán phòng với lượng người đông đảo như thế này.