Bi kịch của một YouTuber và cuộc đấu tranh chống nạn tự sát ở Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cuộc khủng hoảng sức khoẻ tâm lý ở Hàn Quốc làm dấy lên nhiều quan ngại đối với Chính phủ, hiện đang thực thi kế hoạch ngăn chặn số lượng các vụ tự sát.

Khủng hoảng sức khoẻ tâm lý đang khiến số vụ tự sát ở Hàn Quốc tăng lên đáng kể (Ảnh: Getty)
Khủng hoảng sức khoẻ tâm lý đang khiến số vụ tự sát ở Hàn Quốc tăng lên đáng kể (Ảnh: Getty)

Youtuber Hàn Quốc Lim Ji-hye, nổi tiếng trên mạng với cái tên BJ Imvely, ngồi cô độc trong ngôi nhà của cô vào ngày 11/6, khóc nức nở trong lúc thổ lộ những cảm xúc của mình trước các follower trong một buổi livestream.

Đỉnh điểm xuất hiện khi cô xin lỗi gia đình, chia sẻ di chúc và rời khỏi khung hình. Sự im lặng tràn ngập trong suốt 20 phút cho đến khi nhân viên cứu hộ ập tới.

“Dùng cây kéo đi”, tiếng ai đó nói trước khi buổi livestream kết thúc. Lim, một cựu diễn viên kiêm người mẫu, đã được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, và qua đời vào ngày 12/6, ở tuổi 37. Một bản cáo phó được đăng tải trên tài khoản Instagram của cô, sau đó được thiết lập chế độ riêng tư.

Vào buổi tối trước buổi phát sóng, Lim xuất hiện trong một buổi livestream khác cùng với những người bạn streamer. Trong khi cả nhóm uống cạn ly rượu, Lim được trông thấy đang ẩu đả với một người phụ nữ trong bữa tiệc.

Lim trở về nhà sau đó và thực hiện một buổi livestream riêng đầy cảm xúc, dẫn đến hành động tự sát. Cảnh sát hiện đang điều tra để đưa ra cáo buộc hình sự đối với một số người tham dự bữa tiệc, theo truyền thông địa phương.

Khi thông tin về cái chết của Lim được lan truyền, nhiều người dùng mạng xã hội đã gửi lời chia buồn trên các tài khoản của cô.

“Tôi nghĩ điều này sẽ xảy ra, nhưng vẫn hy vọng đó là nói dối”, một bình luận đăng tải trên kênh YouTube của Lim, viết. “Thật đáng buồn và đau lòng”.

Những cái chết vì tự sát trong ngành công nghiệp K-pop

Cái chết của Lim chỉ là một trong số hàng loạt vụ tự sát đáng quan ngại trong giới nghệ sĩ Hàn Quốc – một xu hướng mà trong những năm gần đây đã làm dấy lên sự xem xét nghiêm túc về tác động đến sức khoẻ tâm lý mà ngành công nghiệp cực kỳ khắc nghiệt này gây ra.

Trong tháng 4, Moon Bin, 24 tuổi, cựu diễn viên nhí và là thành viên của nhóm nhạc K-pop Astro, được phát hiện trong tình trạng bất động trong nhà của mình, nghi là do tự sát. Và vào năm 2019, 3 vụ người nổi tiếng tự sát xảy ra liên tiếp đã làm rúng động cả đất nước Hàn Quốc.

Vụ nghệ sĩ chết do tự sát gần đây nhất là ca sĩ Choi Sung-bong, 33 tuổi, người từng hứng chỉ trích kịch liệt vào năm 2021 sau khi thừa nhận giả vờ mắc ung thư để nhận tiền quyên góp của người dân. Anh được phát hiện tử vong trong căn hộ ở Seoul trong sáng ngày 20/6.

Sự thương tiếc dành cho những ngôi sao K-pop này đã mang tới sự căng thẳng tâm lý đáng kể cho hàng nghìn fan hâm mộ trẻ tuổi, những người đã xây dựng nên cá tính của mình và tạo nên nhiều cộng đồng gắn kết xung quanh thần tượng yêu thích của họ.

“Mỗi khi tôi nghe thấy tên của Sulli được nhắc đến, tôi lại bật khóc”, một fan hâm mộ 18 tuổi nói với tờ SCMP vào thời điểm 1 tháng kể từ sau cái chết của ngôi sao này vào năm 2019.

Trong khi đó, các chuyên gia về sức khoẻ tâm lý chỉ ra rằng văn hoá cô lập vốn phổ biến trong giới nghệ sĩ K-pop – những người hiếm khi có được cuộc sống riêng tư trước con mắt của cộng đồng và khó có thời gian rảnh rỗi do lịch diễn dày đặc – là nguyên nhân.

Trong năm 2017, ngôi sao 27 tuổi Kim Jong-hyun đến từ nhóm nhạc SHINee đã qua đời sau khi để lại một bức thư tuyệt mệnh dài.

“Sự tuyệt vọng đang gặm nhấm tôi đã hoàn toàn nuốt chửng tôi, và tôi không thể chống lại nó”, một đoạn trong bức thư tuyệt mệnh, được công bố bởi một người bạn thân, có đoạn. “Tôi tồn tại đến giờ đã là một điều kỳ diệu rồi”.

Khủng hoảng sức khoẻ tâm lý ở Hàn Quốc

Mặc dù các vụ tự sát trong ngành giải trí thu hút được sự quan tâm của dư luận quốc tế, nhưng không chỉ những người nổi tiếng mới là nạn nhân của xu hướng này tại Hàn Quốc – quốc gia có tỷ lệ tự sát cao nhất trong số các nước phát triển trong vòng 20 năm qua. Theo dữ liệu của Chính phủ, 13.000 người chết vì tự sát trong năm 2021 ở Hàn Quốc.

Trong tháng 4, cảnh sát đã được báo tin về một cô gái tuổi teen đang livestream hành động tự sát của mình trên Instagram. Cô đã qua đời sau khi nhảy từ khỏi một toà nhà và được cho là mắc chứng trầm cảm nặng.

Trên toàn thế giới, các vụ tự sát được livestream ngày càng trở nên phổ biến hơn, làm dấy lên nhiều quan ngại về tác động tâm lý đối với người xem, cùng với rủi ro tiềm ẩn về nạn tự sát lan rộng – hiện tượng mà trong đó một hành động tự sát có thể làm tăng nguy cơ xảy ra hành vi tự sát ở những người khác.

Những yếu tố chung mà giới chuyên gia cho rằng đã gây ra tỷ lệ tự sát cao ở Hàn Quốc bao gồm sức ép mà những người trẻ tuổi phải gánh chịu ở trường học, thiếu sự bảo vệ của xã hội, và sự kỳ thị xung quanh những vấn đề về sức khoẻ tâm thần.

Các chuyên gia đã khuyến nghị người dân nên để ý những tín hiệu cảnh báo từ phía người thân và gia đình, như sự thay đổi hành vi và cảm xúc cực đoan, đồng thời khuyến khích họ tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp.

Chính phủ Hàn Quốc hiện đang tăng cường nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng sức khoẻ tâm lý. Theo đó, Bộ Y tế và An sinh xã hội nước này trong tháng tư đã tuyên bố rằng họ sẽ thực thi kế hoạch giảm số lượng các vụ tự sát 30% trong vòng 5 năm.

“Do việc bảo vệ sinh mạng của người dân là trách nhiệm quan trọng nhất của Nhà nước, Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ sinh mạng của người dân thông qua kế hoạch ngăn chặn tự sát”, Thủ tướng Han Duck-soo phát biểu trong lúc công bố kế hoạch./.

Theo Time