Ở những nước Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia và Thái Lan, khi dịch bệnh hoành hành khiến các chính phủ phải ban hành một số biện pháp hạn chế giao thương thì thương mại điện tử chính là vị cứu tinh cho những người nông dân và ngư dân nơi đây.
Ở Malaysia, chính phủ nước này đã ban hành Lệnh Hạn chế Di chuyển (MCO), áp dụng từ tháng 3 và gần đây được gia hạn đến ngày 9 tháng 6.
Ông Steve Teoh là chủ sở hữu của đồn điền Deoness chuyên trồng ngô và hoa ở vùng Cameron Highlands, cách thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia 200km về phía bắc. Ông Teoh cho biết: “Khi chính phủ ban hành MCO, tôi đã tính đến việc phải vứt bỏ đi những bông hoa đã thu hoạch vì các cửa hàng bán hoa buộc phải đóng cửa”.
Rất may, nền tảng thương mại điện tử Lazada có trụ sở tại Singapore đã giúp ông Teoh kết nối với các khách hàng mới qua môi trường trực tuyến. Nền tảng này cũng giúp những người nông dân khác - những người có hàng tấn trái cây và rau quả tươi mà họ không thể bán theo cách truyền thống – tiêu thụ được nông sản của mình. Ngay trong tuần lễ giãn cách xã hội đầu tiên, hơn 1,5 tấn rau củ đã đươc bán, theo Lazada.
“Nếu không có kênh thương mại trực tuyến này, tôi đã phải vứt đi số hoa mình trồng”, ông Teoh nói.
Audrey Goo là chủ của MyFishmen – một công ty dịch vụ giao hàng hải sản tươi sống ở Malaysia. Cô cũng phải đối mặt với tình trạng không thể kinh doanh khi lệnh hạn chế di chuyển được ban hành.
"Việc kinh doanh của chúng tôi đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19 do chúng tôi không thể cung cấp hải sản cho các nhà hàng, chợ cá bán buôn, cửa hàng tạp hóa hoặc cửa hàng cà phê vì hầu hết phải đóng cửa, nhưng việc bán hàng trực tuyến đã giúp chúng tôi duy trì kinh doanh, "cô Goo cho biết.
Thậm chí, trong 2 tuần đầu tiên khi Malaysia áp dụng lệnh MCO, doanh số của MyFishmen đã tăng 150% do mọi người muốn dự trữ thực phẩm tại nhà.
Các ngư dân được nền tảng thương mại điện tử hỗ trợ tiêu thụ hải sản
|
Lazada cho biết từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 5, đơn đặt hàng sản phẩm tươi ở khu vực Đông Nam Á đã tăng hơn hai lần.
“Các thương nhân ở mọi ngành nghề và khu vực, trong đó có ngành nông nghiệp, đang sử dụng nền tảng trực tuyến để tìm kiếm những cơ hội kinh doanh từ các nhu cầu mới phát sinh của khách hàng”, ông Pierre Poignant, Giám đốc nhóm của Lazada cho biết.
Tại Indonesia, hợp tác xã nông nghiệp Rumah Sayur Group đã mở kênh trực tuyến để giúp 2.500 nông dân từ 89 ngôi làng bán các sản phẩm nông nghiệp tươi sạch. Trước đây, hợp tác xã này chỉ bán hàng trực tiếp cho các siêu thị, khách sạn, nhà hàng và quán cafe ở khu vực Greater Jakarta.
Khi đại dịch xuất hiện, doanh số của hợp tác xã đã bị giảm hơn 60%. Vì thế họ đã tìm đến thương mại điện tử.
Nông dân Pak Opik (Indonesia) chủ yếu bán các loại rau củ ngoại lai như cải bắp tím và dưa chuột Nhật Bản ở các khu chợ truyền thống ở khu vực Jakarta và thành phố Bandung của Tây Javan. "Tình hình đại dịch hiện nay là rất khó khăn đối với nông dân chúng tôi, vì chúng tôi đã quen bán sản phẩm của mình thông qua các kênh truyền thống", ông nói.
Một nông dân ở Indonesia đăng tải ảnh rau củ thu hoạch để bán trực tuyến
|
"Nhưng thông qua thương mại điện tử, thu hoạch của chúng tôi vẫn có thể đến tay người tiêu dùng trên toàn quốc, đặc biệt là trong tình hình hiện tại khi mọi người không thể đi chợ như trước đây".
Tại Thái Lan, Lazada đang hợp tác với chính phủ để giúp những người nông dân địa phương xuất khẩu trái cây tìm được người mua mới. Chính phủ Thái Lan và Lazada đang tìm cách đưa lên nền tảng thương mại điện tử khoảng 50 hộ bán trái cây trong chiến dịch "Tháng Trái cây Vàng" của đất nước vào tháng 6.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đã mở ra nền tảng Taobao Live cho nông dân miễn phí cùng với kênh Foodie Livestream để kết nối nông dân trên khắp Trung Quốc với 41 triệu người theo dõi. Công ty công nghệ do Jack Ma thành lập cho biết 15 triệu kilogram sản phẩm đã được bán trong ba ngày đầu tiên phát trực tiếp.