Phiên sơ thẩm vụ đánh bạc nghìn tỷ:

Bị cáo Phan Văn Vĩnh đề nghị không công khai trực tuyến bản án

VietTimes -- Trước khi kết thúc phần thủ tục, chủ tọa thông báo sẽ công khai bản án trên cổng thông tin của TAND tỉnh Phú Thọ, ngay lúc này, bị cáo Phan Văn Vĩnh có ý kiến đề nghị được từ chối quyền đưa bản án lên cổng thông tin của tòa.
Lực lượng cảnh sát dẫn giải ông Phan Văn Vĩnh vào xét xử.
Lực lượng cảnh sát dẫn giải ông Phan Văn Vĩnh vào xét xử.

Sáng nay, TAND tỉnh Phú Thọ đưa vụ án Sử dụng Internet chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ ra xét sơ thẩm. Do số lượng bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đông, dự kiến sẽ phải mất hơn 1 ngày để Hội đồng xét xử làm thủ tục. 

Trước khi kết thúc phần thủ tục, Vị chủ tọa cho biết, theo quy định của TAND tối cao, bản án sau này sẽ được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của tòa án. Nhưng các bị cáo có quyền từ chối công bố bản án.

Ngay lúc đó, bị cáo Phan Văn Vĩnh đứng lên có ý kiến: "Tôi là bị cáo Phan Văn Vĩnh xin được từ chối quyền đưa bản án lên cổng thông tin của tòa".

Vị thẩm phán, chủ tọa phiên tòa cho hay, chỉ cần một người từ chối, bản án sẽ không được công bố công khai trên cổng thông tin.

Tại tòa, có hơn 100 cơ quan báo chí tác nghiệp. Sau khi qua cửa an ninh, các phóng viên được dẫn vào phòng báo chí và khu vực tác nghiệp riêng.
Tại tòa, có hơn 100 cơ quan báo chí tác nghiệp. Sau khi qua cửa an ninh, các phóng viên được dẫn vào phòng báo chí và khu vực tác nghiệp riêng.

Theo đề nghị của luật sư bào chữa cho ông Phan Văn Vĩnh, tên là Nguyễn Thị Huyền Trang, trong suốt quá trình xét xử cho phép thân chủ của bà được ngồi vì lý do sức khỏe yếu. Ngoài ra, bà Trang cũng đề nghị HĐXX tạo điều kiện để các nhân viên hỗ trợ y tế cho ông Vĩnh. 

Cùng với đó, Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương cho hay, thân chủ mình đang bị kháng thuốc viêm gan C. Hiện bệnh lao phổi đang tiến triển nặng lên nên đề nghị HĐXX cho bị cáo ngồi khai báo.

Trong vụ án này, ông Phan Văn Vĩnh là bị cáo lớn tuổi nhất (63 tuổi). Hai bị cáo nhỏ tuổi nhất sinh năm 1997.

Trong phần khai báo, sau cựu tướng Phan Văn Vĩnh, ông Nguyễn Thanh Hóa đứng lên bục khai báo. Ông Hóa khai nghề nghiệp trước khi bị bắt là công an, đã bị tước quân tịch theo quyết định của Chủ tịch nước. Ông Hóa khai bị bắt tạm giam từ ngày 11/3/2018 cho đến nay.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khai báo tại tòa (ảnh chụp màn hình trực tuyến tại phòng báo chí)
 Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khai báo tại tòa (ảnh chụp màn hình trực tuyến tại phòng báo chí)

Trong số 91 bị cáo hầu tòa, có 76 người là nam, 16 nữ. 34 bị cáo quê ở Hà Nội; còn lại đến từ TP.HCM, Cao Bằng, Hà Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Gia Lai, Cần Thơ.

Được biết, phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” dự kiến kéo dài 15 ngày, do thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương làm chủ tọa. 

An ninh tại phiên tòa được thắt chặt ngay từ sáng sớm.
 An ninh tại phiên tòa được thắt chặt ngay từ sáng sớm.

Trước đó, theo bản kết luận điều tra số 829/ANĐT ngày 18/7/2018 của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ về vụ án trên, bị can Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch HĐQT VTC online), Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) và đồng phạm đã lợi dụng công nghệ cao, tổ chức 25 “đại lý cấp 1”, gần 6.000 “đại lý cấp 2” với gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài RikVip/Tip.Club, thu lời bất chính trên 9.800 tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an) và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50 - Bộ Công an) bị cáo buộc “lợi dụng chức vụ" tạo điều kiện cho đường dây đánh bạc nói trên do Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam cầm đầu.

Có 37 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa và Phan Sào Nam mời 3 luật sư bào chữa. Riêng ông Nguyễn Văn Dương mời 5 luật sư bào chữa.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa được dẫn giải vào vị trí.
 Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa được dẫn giải vào vị trí.

Theo cáo trạng, vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc"; "Đánh bạc"; "Mua bán trái phép hóa đơn"; "Rửa tiền"; "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành do Nguyễn Văn Dương và đồng phạm lợi dụng công nghệ cao, có sự trợ giúp của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa là những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan được Nhà nước giao đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Sau 28 tháng vận hành chương trình phần mềm và giải pháp công nghệ có tích hợp game bài Rikvip/Tip.Club, 23Zdo, Zon/Pen..., các đối tượng thuộc nhóm vận hành game đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng được một hệ thống gồm 25 “đại lý cấp 1”, 5.877 “đại lý cấp 2” để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại, theo đó đã lôi kéo được 42.950.805 tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến. Tổng thu lời bất chính thông qua hoạt động nạp tiền, thẻ vào dịch vụ tổ chức đánh bạc trái phép là gần 10.000 tỷ đồng nên đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.