|
Giàn máy tính IBM 360 -40 thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Sài Gòn |
Cuối tháng 3/1975, sau khi Đà Nẵng được giải phóng, đoàn cán bộ kỹ thuật của Bộ Quốc phòng do Đại tá Hoàng Đình Phu Viện trưởng Viện KTQS dẫn đầu lên đường vào nam tiếp quản các cơ sở khoa học của chính quyền Thiệu.
Sáng ngày 30/4, bám sát các đơn vị bộ binh, đoàn hướng về Sài Gòn thực hiện nhiệm vụ tiếp quản hệ thống máy tính mà quân đội Sài Gòn đang sử dụng. Chiều 2/5, họ đã phát hiện được dàn máy IBM 360/20 của Trung tâm Điện toán ở 63 đường Gia Long.
Trung tâm này được lập từ tháng 7.1973 nhằm điện toán hoá lương bổng và phụ cấp cho toàn bộ quân đội của Thiệu, theo dõi ngân sách quốc phòng,... Để khôi phục lại hoạt động của máy, các anh đã cho gọi 5 sĩ quan và nhân viên cũ đến cộng tác, đồng thời yêu cầu họ dẫn đến các nơi đặt máy tính ở Sài Gòn.
Dàn máy IBM 360 40 của Bộ TTM quân đội Sài Gòn
Dưới sự chỉ dẫn của các nhân viên máy tính chế độ cũ, đoàn cán bộ kỹ thuật đã tiếp cận Trung Tâm Điện Toán thuộc Bộ Tổng tham mưu của Quân đội Việt Nam cộng hòa. Tại đây, hãng IBM lắp đặt máy tính IBM 360/40, đảm trách thống kê, quản lý quân số, thiết lập danh sách và lệnh gọi nhập ngũ.
Trước đó, sáng 30/4, Tiểu đội biệt động của Nguyễn Minh Hòa thuộc Phân đội Z8 Lữ đoàn biệt động 316 được lệnh chiếm Trung tâm này. Lúc các anh vào đến nơi thì có một người khoảng 40 tuổi mặc thường phục, nói rành rọt, như đang báo cáo với thượng cấp: "Tôi là Chu Văn Hồ, đại tá, Chỉ huy trưởng Trung tâm Khai thác an bài điện tử Bộ Tổng tham mưu, đang chờ lực lượng cách mạng để bàn giao".
Rồi ông ta dẫn quân cách mạng đến từng phòng lắp điều hòa mát rượi, có những máy giàn máy đồ sộ, đèn xanh đỏ không ngừng nhấp nháy, giới thiệu:
"Đây là hệ thống máy tính IBM360/40 do hãng IBM Hoa Kỳ chế tạo, hiện đại nhất Đông Nam Á, nó quản lý toàn bộ nhân sự, khí tài, quân dụng, quân trang của 1,2 triệu sĩ quan và binh lính Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Mong phía Giải phóng giữ gìn và bảo vệ để sử dụng lâu dài".
Nhóm biệt động chiếm giữ Trung tâm Điện toán Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa sáng 30/4/1975.
Dù không hiểu biết về giá trị của cỗ máy, nhưng đơn vị biệt động vẫn ra lệnh canh phòng cẩn mật, còn đại tá Hồ được cho về, khi cần sẽ triệu tập. Sau này mới biết Trung tướng Đồng Văn Khuyên, quyền Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn đã ra lệnh cho Đại tá Chu Văn Hồ đặt mìn phá hủy Trung tâm Điện toán, nhưng ông đã chống lệnh. Ông và người con trai đã nằm suốt đêm 29/4 để chờ quân giải phóng vào bàn giao.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lãm, khi đó là Đại úy kể: Khi được gọi, ông Hồ có mặt và tỏ ta vui mừng khi thấy các cỗ máy vẫn an toàn, máy lạnh không bị tắt "để tiết kiệm điện". Về sau, ông Hồ tâm sự: sở dĩ ông không di tản bởi hệ thống quản lý quân số này là thành quả cả đời ông. Ông muốn giao nó lại đầy đủ cho cách mạng, bởi ông sợ khi không trực tiếp quản lý nó sẽ không nguyên vẹn. Được sự chỉ dẫn của Chu Văn Hồ, đoàn cán bộ kỹ thuật tiếp cận Trung Tâm Điện Toán Tiếp Vận của quân đội Sài Gòn ở sân bay Tân Sơn Nhất, nơi sử dụng máy IBM 360/50 là máy tính lớn nhất Sài Gòn lúc ấy.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng, khi đó là thiếu úy của Trung Tâm Toán – Máy Tính, Bộ Quốc Phòng, kể rằng: Máy tính IBM360/ 50 rất lớn, chiếm khoảng 600 mét vuông. Nó sử dụng một bộ vi xử lý trung tâm (CPU) to bằng hai cái tủ đựng quần áo ba buồng. Các ổ đĩa từ và băng từ dùng cho máy tính này cũng rất cồng kềnh, mỗi ổ băng từ to bằng tủ lạnh lớn hiện nay. Ngoài ra, chiếc máy này cần tới 80 máy đục lỗ để làm phương tiện viết chương trình.
Tiếp đến là kho lưu trữ về băng từ cũng rất rộng. Đây là cỗ máy tính có năng lực lớn nhất miền Nam lúc bấy giờ. Nói rộng ra thì ở miền Nam vào thời điểm đó có một trình độ ứng dụng tin học cao hơn tất cả các quốc gia khác trong khu vực và máy IBM360/50 cũng là máy có năng lực lớn nhất khu vực. Tuy vậy, nó dùng hệ điều hành OS/360, khá giống với máy tính Minsk của Liên Xô và sử dụng ngôn ngữ lập trình Cobol. Chúng tôi đã tiếp xúc tài liệu về ngôn ngữ này qua bản tiếng Nga nên mọi người nắm bắt khá dễ dàng. Lại được ông Hồ và nhân viên cũ hướng dẫn, nên chỉ sau khoảng một tháng đã cho nó đã hoạt động bình thường.
Sau khi khai thác thành công, chúng tôi đã cung cấp số liệu nhân lực, danh mục hàng hóa còn lại trong các kho của quân đội Sài Gòn cho các cơ quan quản lý. Những cỗ máy này còn tiếp tục sử dụng đến những năm 1980, phục vụ cho tính toán các công trình kinh tế như dầu khí, thủy điện Trị An, quản lý đảng viên, tuyển sinh đại học,...
Nhờ có sự tiếp nhận kịp thời của các cán bộ kỹ thuật nên chúng ta đã vận hành hiệu quả các máy tính hiện đại ở Sài Gòn. Những người tham gia vào công tác đó, sau trở thành các chuyên gia gạo cội của làng CNTT Việt Nam như Trần Thế Nam, Lê Tự Thành, Nguyễn Trọng, Nguyễn Quang Bắc, Hoàng Minh Châu , Ngô Vi Đồng, Lê Trường Tùng...