|
Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, một trong những bệnh viện tiên phong trong việc ứng dụng bệnh viện thông minh vào khám chữa bệnh cho người dân của ngành y tế Đà Nẵng |
Bệnh án điện tử bây giờ ra sao?
Với mục tiêu xây dựng TP thông minh, thực hiện số hóa ngành y tế, từ năm 2017, UBND TP Đà Nẵng đã xây dựng để án Ứng dụng CNTT trong ngành y tế Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2025 nhằm xây dựng ngành y tế số hóa, minh bạch với các ứng dụng bệnh viện thông minh, y bạ điện từ góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
Để hiện thực mục tiêu đó, Đà Nẵng đã xây dựng lộ trình đề án theo 2 giai đoạn, từ 2017-2020 và từ 2020-2025. Mục tiêu cụ thể ở giai đoạn đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có 100% dịch vụ hành chính công y tế được cung cấp trực tuyến ở mức 3 trở lên; 100% cơ sở khám, chữa bệnh, dự phòng đều có hệ thống thông tin, phần mềm trong quản lý khám chữa bệnh cho người dân; có hệ thống phát số, đăng ký khám chữa bệnh điện tử, cho phép người dân đăng ký khám bệnh, chữa bệnh thông qua mạng; đồng thời áp dụng mô hình Y tế thông minh cho một số bệnh viện; mỗi người dân đều có hồ sơ y tế điện tử, có bệnh án điện tử liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh.
Ở giai đoạn 2 đến 2025, các ứng dụng, dịch vụ triển khai trong giai đoạn 1 sẽ hoàn thiện và bổ sung. Bên cạnh đó, các ứng dụng, đặc biệt là bệnh viện thông minh đã triển khai trong giai đoạn 1 sẽ được nhân rộng ra toàn TP. Và để thực hiện đề án, Đà Nẵng đã lên phương án tài chính đầu tư giai đoạn 1 (từ năm2017-2020) là 133,059 tỷ đồng; giai đoạn 2 (từ năm 2020-2025) là 99,91 tỷ đồng.
|
Từ tháng 4/2018, ngành y tế Đà Nẵng đã đưa ứng dụng đặt lịch khám qua mạng tại các cơ sở y tế trên địa bàn để phục vụ người dân
|
“Với đề án đó, Sở Y tế chủ trì triển khai một loạt các chương trình như: Xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe công dân, bệnh viện điện tử, bệnh viện thông minh (giai đoạn 1)… Đến nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận” – bác sỹ Nguyễn Tiên Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng – chia sẻ.
Theo bác sỹ Nguyễn Tiên Hồng, đến nay, Sở Y tế đã xây dựng xong khung kiến trúc nhằm làm cơ sở để xây dựng danh mục chương trình, dự án ứng dụng CNTT và kế hoạch triển khai của ngành y tế; hình thành một nền tảng dịch vụ dữ liệu mở để dựa trên đó, các doanh nghiệp CNTT tham gia triển khai đa dạng các dịch vụ, tiện ích ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế nhằm nâng cao trải nghiệm, mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế tại TP Đà Nẵng.
“Chúng tôi đã triển khai ứng dụng y tế xã phường điện tử tại 100% xã, phường - nơi xuất phát của phần lớn số liệu sử dụng trong công tác báo cáo thống kê thuộc lĩnh vực sức khỏe cộng đồng. Trạm y tế sử dụng các sổ ghi chép ban đầu và các mẫu báo cáo theo quy định của Bộ Y tế. Năm 2017, Sở Y tế đưa vào hệ thống quản lý y tế tuyến xã, phường nhằm tin học hóa hoạt động chuyên môn, quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn theo như mục tiêu đề án đề ra” – Bác sỹ Nguyễn Tiên Hồng cho biết.
Bên cạnh đó, ngành y tế TP đã triển khai ứng dụng quản lý bệnh án điện tử tại các Trung tâm y tế quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn; Sơn Trà; Cẩm Lệ; Hòa Vang; Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phổi; Bệnh viện Tâm thần; Bệnh viện Phục hồi chức năng; nâng cấp phần mềm tại Bệnh viện Ung bướu.
“Sở Y tế đã triển khai ứng dụng hồ sơ y tế điện tử và quản lý mã (ID) bệnh nhân tại tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn. Các trạm y tế xã, phường có trách nhiệm lập hồ sơ sức khỏe và tổ chức theo dõi quản lý sức khỏe đến từng người dân; các cơ sở điều trị thuộc Sở Y tế đã đồng bộ dữ liệu đến hệ thống hồ sơ sức khỏe công dân. Tính đến cuối năm 2019, ngành y tế TP đã lập gần 81% hồ sơ sức khỏe công dân”- bác sỹ Nguyễn Tiên Hồng chia sẻ.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên theo lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng, việc hiện thực hóa đề án còn gặp nhiều khó khăn. “Ai cũng rõ về lợi ích của việc số hóa dịch vụ y tế, nhất là việc này góp phần công khai minh bạch và góp phần như nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, nhưng việc triển khai ứng dụng CNTT trong y tế cần có nguồn kinh phí khá lớn và cần thời gian lâu dài”- bác sỹ Nguyễn Tiên Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng – cho biết.
Còn theo Sở TT&TT TP Đà Nẵng, thực trạng đầu tư hạ tầng trang thiết bị CNTT tại Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị trong ngành vẫn còn hạn chế; hạ tầng, đường truyền tại một số bệnh viện đã xuống cấp, số lượng không bảo đảm yêu cầu; công tác thiết lập trung tâm dữ liệu riêng hoặc thiết lập phân vùng dành riêng cho ngành Y tế chưa hoàn chỉnh; một số cơ sở y tế, đường truyền Internet chưa đảm bảo thông lượng, chỉ đường truyền riêng lẻ;
|
Ứng dụng định danh, tra cứu hồ sơ bệnh nhân ở Đà Nẵng đã từng bước áp dụng trong khám chữa bệnh cho người dân thông qua quét mã code trên thẻ bảo hiểm y tế
|
Các cơ sở y tế vẫn chưa thiết lập mạng riêng để kết nối với nhau; nhân lực chuyên trách CNTT còn kiêm nhiệm nhiều công tác khác; nhân sự CNTT quá mỏng nên chưa sẵn sàng để chủ động triển khai và vận hành các hệ thống thông tin của ngành; Chưa thiết lập được một nền tảng CSDL tập trung toàn ngành. Vì vậy công tác quản lý nhà nước, thống kê tổng hợp số liệu toàn ngành chưa thật sự hiệu quả, nhiều công đoạn tổng hợp số liệu vẫn còn thực hiện thủ công.
Bên cạnh đó, hồ sơ y tế điện tử, dữ liệu hồ sơ khám chữa bệnh của bệnh nhân còn nằm phân tán ở các cơ sở y tế hoặc trên trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp phần mềm. Thông tin bệnh nhân, bệnh án còn chưa liên thông, chưa có sự trao đổi giữa các cơ sở y tế. Các ứng dụng nâng cao phục vụ người dân, người bệnh như sổ y bạ điện tử, chăm sóc y tế từ xa... còn nhiều hạn chế.
“Nguồn nhân lực CNTT trong lĩnh vực y tế hiện nay đang thiếu, chưa sẵn sàng cho việc tiếp nhận, vận hành hệ thống y tế thông minh. Hơn nữa, ciệc ứng dụng CNTT chưa đưa vào giá thành khám chữa bệnh nên một số đơn vị chưa chủ động đầu tư cho CNTT nên khiến việc triển khai dự án gặp không ít khó khăn” - bác sỹ Nguyễn Tiên Hồng – cho biết thêm.
Kỳ 2: Khi nào người dân Đà Nẵng sẽ có bệnh án điện tử?