Từng chứng kiến quá tải bệnh nhân đến hoảng loạn ở BV Nhi Trung ương trong dịch sởi năm 2014 và hơn một trăm cháu bé tử vong có nguyên nhân do lây chéo ở BV, nên năm nay, chúng tôi lại có mặt ở "tâm dịch" này khi bệnh đang bùng phát.
Khác trước, khu khám bệnh của BV Nhi Trung ương không bị quá tải, nhờ việc phân luồng, phân tuyến khoa học. Các phòng điều trị cũng không phải nằm ghép. Chỉ bệnh nhân nặng mới điều trị nội trú, nên các bé được tập trung điều trị cả về thuốc men lẫn trang thiết bị, giảm thiểu nguy cơ tử vong.
Thiết lập quy trình sàng lọc chặt chẽ
Trao đổi với VietTimes, TS Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương – cho biết số mắc sởi tại BV Nhi TW tăng đột biến, với khoảng 1.894 ca trong 3 tháng qua, gấp đôi tổng số ca năm 2024. Số nhập viện chỉ chiếm 25% số mắc đã phát hiện, nhiều trường hợp biến chứng nặng và đã có hơn 10 cháu tử vong.

“Hiểu rất rõ nguy cơ lây lan của bệnh sởi, nên ngay khi TP.HCM công bố dịch, tháng 6/2024, BV Nhi Trung ương đã thiết lập quy trình sàng lọc chặt chẽ. Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được giao cho một Phó Giám đốc BV phụ trách” – TS Cao Việt Tùng chia sẻ.
Tại phòng khám của BV, có bộ câu hỏi để sàng lọc. Nếu trẻ có dấu hiệu mắc sởi, sẽ có lối đi riêng đưa đến Trung tâm bệnh Nhiệt đới để phân loại: Trẻ mới sốt 2-4 ngày được làm xét nghiệm PCR để phát hiện virus sớm. Khi bệnh nhân có phát ban, xét nghiệm Elisa được xem là phương pháp đặc hiệu chẩn đoán cho những trường hợp đã phát ban 4 ngày. Trường hợp trẻ tới muộn khi đã phát ban, nếu kết quả xét nghiệm Elisa âm tính, sẽ được làm thêm PCR để khẳng định.
Bệnh nhân dương tính sẽ được bác sĩ tư vấn nằm viện hay điều trị ngoại trú. Các bệnh nhân có nguy cơ phơi nhiễm được kiểm soát, tư vấn tiêm vắc xin.
Chuyển đổi mô hình điều trị sởi
Trước tình hình phức tạp của dịch sởi, BV Nhi TW chủ động thực hiện chiến lược chuyển đổi mô hình điều trị: Dành riêng Trung tâm Bệnh Nhiệt đới làm nơi thu dung bệnh nhân sởi. Các khoa, phòng giám sát dịch tễ chặt chẽ. BV cập nhật các ca mắc lên hệ thống và quản lý tốt đối tượng phơi nhiễm, dự phòng lây thành sởi.

BV còn chủ động tiêm vắc xin sởi cho bệnh nhi 6-8 tháng tuổi và sử dụng thuốc tăng cường miễn dịch do BHYT chi trả để giảm nguy cơ mắc sởi, đồng thời, điều trị tốt các bệnh nền, tư vấn sử dụng dinh dưỡng cho bệnh nhân.
Rút kinh nghiệm từ dịch SARS, BV quy định bắt buộc việc thông khí các phòng bệnh sởi (mở cửa sổ hoặc mở cửa theo giờ), đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và bề mặt, quản lý ca bệnh… Hàng tuần, BV đánh giá việc thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn; phân tích các ca nhiễm để tư vấn sử dụng thuốc phù hợp.
Phác đồ điều trị sởi của Bộ Y tế được BV cập nhật từ tháng 10/2024. Nhiệm vụ quan trọng được BV quan tâm là không để thiếu thuốc điều trị. Sởi thường gây suy giảm miễn dịch, biến chứng loét giác mạc và mù mắt, nên BV chuẩn bị đủ vitamin A liều cao, thuốc hạ sốt, thuốc tăng cường miễn dịch …
Mặc dù bệnh nhân sởi tăng liên tục nhiều tháng qua ở BV Nhi Trung ương, số biến chứng nặng rất nhiều, nhưng tỷ lệ tử vong chỉ dưới 1%, cho thấy các biện pháp phòng, chống dịch rất hiệu quả. Tỷ lệ nhiễm khuẩn BV giảm ở mức thấp: 0,27% năm 2024 so với 0,33% năm 2023, nhờ hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn hiệu quả.

Vắc xin – lá chắn quan trọng
Theo TS Cao Việt Tùng, số ca sởi gia tăng ca chủ yếu do khoảng trống miễn dịch trong cộng đồng. Trước đây, sởi thường gặp ở trẻ 3-5 tuổi, nhưng nay tới 33% ca mắc dưới 9 tháng tuổi, trong đó 14% ca dưới 6 tháng. Ngoài biến chứng về mắt, viêm phổi, trẻ mắc sởi còn gặp biến chứng về viêm não, viêm tim, tiêu chảy, tiêu hóa.
Vì thế, từ cuối năm 2024, Bộ Y tế đã mở rộng lịch tiêm vắc xin sởi, khuyến cáo tiêm mũi đầu tiên cho trẻ từ 6 tháng tuổi, thay vì 9 tháng như trước.
Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương lưu ý các phụ huynh nếu con đã được 6 tháng tuổi, cần cho tiêm phòng để có miễn dịch chủ động.
“Trẻ mắc sởi nhẹ có thể điều trị tại nhà, nhưng cần theo dõi sát các dấu hiệu nặng như khó thở, co giật, viêm loét giác mạc… để đưa đến BV kịp thời. – TS Tùng khuyến cáo.
Khi chăm sóc trẻ bị sởi nhẹ tại nhà, phụ huynh cần chú ý cách chăm sóc trẻ như vệ sinh mắt, mũi, miệng để tránh viêm kết mạc, tránh lây lan; bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, vệ sinh cá nhân, tắm rửa hàng ngày với nước ấm để chống nhiễm khuẩn.

Cha mẹ "thách thức" số phận con trẻ: Không cho tiêm phòng sởi, nhiều cháu biến chứng nặng

Giải pháp nào để sớm ngăn chặn dịch sởi?
