Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là bệnh viện thứ 6 trên địa bàn TP bị COVID-19 xâm nhập, đã truy vết thần tốc, thực hiện ngay xét nghiệm RT – PCR cho toàn bộ nhân viên y tế, nhân viên dịch vụ, học viên, người bệnh, người chăm sóc. Tất cả kết quả đều âm tính sau 2 lần xét nghiệm.
Bệnh viện tổ chức tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 cho 3.080 nhân viên y tế trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật (ngày 19 và 20/6). Bệnh viện khuyến khích người bệnh, người nhà của người bệnh hợp tác và tuân thủ quy định khám, chữa bệnh của bệnh viện như: khai báo y tế chính xác, đầy đủ; ngay khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác, khứu giác; trước khi đến bệnh viện cần liên hệ chăm sóc khách hàng 19007178 hoặc hotline phòng chống dịch của bệnh viện (028) 3952 5031 để được hướng dẫn kịp thời.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM tiêm vaccine mũi 2 vào sáng 19-6 - Ảnh BVCC |
Cũng trong ngày 19/6, hơn 3.000 cán bộ y tế TP.HCM được tập huấn tiêm chủng vaccine COVID-19.
Chiều 19/6, Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC) và Đại học Y Dược TP.HCM đã phối hợp tổ chức tập huấn trực tuyến an toàn tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thành phố. Đây là hỗ trợ từ Bộ Y tế cho TP.HCM nhằm đảm bảo công tác tiêm chủng tại 1.000 điểm tiêm chủng cộng đồng được diễn ra đúng quy định, an toàn, hiệu quả.
TS.BS Nguyễn Huy Luân – Trưởng đơn vị tiêm chủng BV Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, trong chiến dịch lớn tiêm chủng cho cộng đồng này, các cơ sở tiêm chủng phải thực hiện kỹ khâu khám sàng lọc, phân loại các đối tượng tiêm chủng.
Theo Quyết định mới nhất của Bộ Y tế (Quyết định 2995, ngày 18/6/2021) về việc ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, những trường hợp chống chỉ định tiêm chủng gồm: Tiền sử phản vệ độ 2 với bất kỳ dị nguyên nào; trường hợp có bất kỳ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.
Những trường hợp cần trì hoãn tiêm chủng gồm: Người mắc các bệnh cấp tính; bệnh mãn tính đang tiến triển chưa kiểm soát; người suy giảm đáp ứng miễn dịch nặng; người bị xơ gan mất bù; ung thư giai đoạn cuối; người đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ…
Đề phòng có tình huống có người dân chưa từng đi khám sức khỏe, không biết được bản thân mắc bệnh gì, người khám sàng lọc cần hỏi kỹ về tiền sử bệnh. Nếu người bệnh có nhiễm trùng, tái phát nhiều lần, nhiễm nấm, thuỷ đậu lần 2… cần nghi ngờ có suy giảm miễn dịch. Lúc này cần chuyển đến khám tại các bệnh viện để khám xác định, có quyết định có tiêm chủng hoặc không.
Những người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc đang điều trị hoá trị, xạ trị thì cần đánh giá nguy cơ có suy giảm miễn dịch hay không. Nếu có, cần trì hoãn tiêm chủng.
Tiêm chủng gấp vaccine COVID-19 cho cán bộ nhân viên TP.HCM - Ảnh: BYT |
Các đối tượng phải thận trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 gồm: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên; những người có bệnh nền nặng; người bệnh mãn tính được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người trên 65 tuổi; người có tiền sử giảm tiểu cầu và/ hoặc rối loạn đông máu; người có bệnh mạn tính…
Nhân viên y tế khám sàng lọc cần hỏi kỹ hơn về những biểu hiện dị ứng với các nhóm thuốc, thức ăn. Những đối tượng trong nhóm thận trọng cần được khám sàng lọc kỹ, tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu… Bên cạnh việc trang bị đầy đủ trang thiết bị dụng cụ tiêm chủng, đúng tiêu chuẩn, dụng cụ sẵn sàng trong xử trí sốc, hồi sức cấp cứu, việc theo dõi và xử trí sau tiêm chủng cần thực hiện chặt chẽ.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Chính - Đại học Y Dược TP.HCM, các cơ ở tiêm chủng cần thực hiện nghiêm việc theo dõi phát hiện phản ứng; xử trí phản ứng nặng và báo cáo sau tiêm chủng. Cần bố trí vị trí thuận lợi để người tiêm chủng được lưu lại 30 phút tại điểm tiêm.
Sẵn sàng trang thiết bị, hộp thuốc chống sốc, nhân sự can thiệp khi phát hiện các phản ứng sau tiêm. Lưu ý các dấu hiệu khó chịu, buồn nôn, phát ban, sưng tại chỗ tiêm có thể là biểu hiện của phản ứng dị ứng. Dặn người dân tiếp tục theo dõi tại nhà trong vòng 7 ngày, không đắp bất cứ gì vào vị trí tiêm, theo dõi thân nhiệt. Nếu sốt có thể dùng thuốc hạ sốt đúng liều lượng. Nếu có bất cứ biểu hiện bất thường cần báo nhân viên y tế ngay để được hướng dẫn tiếp nhận xử trí. Các trường hợp giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch, đông máu xuất hiện từ 4-28 ngày sau tiêm cần được can thiệp, chuyển đến các tuyến được quy định.
Đại diện Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM cho biết: “TP.HCM đang triển khai chiến dịch tiêm chủng trong cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay, nên có nhiều điểm mới. Ngoài việc các đơn vị tiêm chủng cử lực lượng tinh nhuệ nhất để tham gia, thì việc tham gia tập huấn đầy đủ sẽ giúp lực lượng nắm vững mọi vấn đề kiến thức, kỹ năng để thực hiện tại hiện trường tốt nhất. Đồng thời, có sự phối hợp kịp thời giữa các bên, đảm bảo việc tiêm an toàn, chất lượng, hiệu quả. Được biết, bên cạnh các bài tập huấn về chuyên môn, các nhân viên y tế đã được hướng dẫn sử dụng hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia trong quản lý tiêm chủng vắc xin COVID-19”.