Bệnh nhân tên T.T.M. (sinh năm 1955, trú tại Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội), nhập viện Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vào ngày 16/12, trong tình trạng co giật, nôn liên tục, đau nhiều vùng trán. Ngay khi tiếp nhận, bệnh nhân được chỉ định chụp CT, phim chụp cho thấy hình ảnh vùng xoang bướm có xuất hiện u nhầy quá to, choán chỗ và xâm lấn ăn mòn một phần thành xoang, đè đẩy thùy thái dương.
Theo lời bệnh nhân, 10 năm trước bà đi khám và được chẩn đoán viêm xoang bướm trái nhẹ chưa có chỉ định can thiệp, cho đơn về nhà tự uống. Từ đó đến nay, bệnh nhân vẫn xuất hiện tình trạng đau đầu, mất ngủ, nhức mắt, tụt cân phải nghỉ việc.
Khoảng 2 năm gần đây, bệnh nhân cảm thấy đau nhức mắt tăng lên, đau đầu và thị lực kém dần xuất hiện, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, thường xuyên phải có người túc trực giúp đỡ. Cách 10 ngày, bệnh nhân lên cơn đau đầu dữ dội, nôn, co giật rồi mất ý thức, được người nhà đưa vào bệnh viện.
Qua chẩn đoán hình ảnh, khối u được xác định có kích thước lớn 32x32x38 mm (bằng quả trứng gà), lấp đầy thành xoang bướm xâm lấn nội soi chèn ép hố yên. Hội chẩn liên khoa, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy u nhầy để tránh tình trạng u lớn chèn ép hốc mắt nhiều hơn, gây suy giảm thị lực, chèn ép nội sọ gây nguy hiểm tới tính mạng.
Ê-kíp phẫu thuật do bác sĩ BS.CKII Cung Đình Hoàn – Trưởng khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cùng kíp gây mê tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
Trong quá trình phẫu thuật, ê-kíp bác sĩ phát hiện toàn bộ lòng xoang bướm đầy mủ đặc phải hút sạch mủ, khi hút đến đáy xoang bướm thì phát hiện tại khu vực sát hố yên có khối mềm nát như đất sét lổn nhổn lẫn tổ chức xám đen... Trước diễn biến này, ê-kíp phẫu thuật buộc phải mở rộng lỗ thông xoang bướm, hút bơm rửa sạch bệnh tích. Ca mổ thực hiện thành công, an toàn sau 45 phút.
Cũng theo bác sĩ Hoàn, u nhầy xoang bướm là một trong những loại u lành tính mũi xoang, chủ yếu gặp ở người lớn, nếu kích thước nhỏ không có chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh cần được theo dõi định kỳ, nếu có xu hướng phát triển, với bản chất tì đè làm ăn mòn làm tiêu xương ra các hướng xung quanh sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt, nếu u nhày phát triển lên trên não như trường hợp này đã chèn ép hố yên, nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Phim chụp khối u nhầy xoang bướm ở bệnh nhân |
"Nguyên nhân gây u nhầy xoang bướm hiện chưa được xác định, ở trường hợp bệnh nhân này: tiền sử viêm xoang bướm nhưng bệnh nhân chủ quan không kiểm tra nên để khối u phát triển quá to kích thước 3,2x3,2x3,8cm, bên trong lòng xoang lại có tổ chức nấm và mủ nên triệu chứng đau đầu, nôn rầm rộ của bệnh nhân là khá điển hình. Khó khăn của ca mổ là bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh lý nền kèm theo, khối u lại quá to, xâm lấn nội sọ, chỉ cần thao tác hoặc để chảy máu sẽ có nguy cơ lạc đường tổn thương vùng hố yên, rách màng não gây chảy dịch não tủy rất nguy hiểm"- bác sĩ Hoàn chia sẻ.
Bác sĩ Hoàn khuyến cáo, khi bệnh nhân có triệu chứng viêm mũi xoang có kèm đau đầu, việc đầu tiên nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám, đánh giá điều trị, cần thiết chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ để có một cách nhìn chuẩn xác nhất. Riêng đối với bệnh nhân có hình ảnh u nhày xoang phải có lịch khám và chụp kiểm tra định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần để đánh giá sự phát triển của khối u, can thiệp kịp thời nếu khối u có xu hướng phát triển, không để quá to gây biến chứng nguy hiểm và khó hồi phục về sau.