|
TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chủ trì cuộc họp |
Chỉ gần một tháng qua, đã có hơn 1.400 ca mắc Adenovirus đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Số ca mắc bệnh này cũng tăng đột biến ở Bệnh viện Bạch Mai và số bệnh viện của Hà Nội. Con số này được đưa ra tại cuộc họp vào chiều tối qua, 23/9, do TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh chủ trì.
Trước tình hình số mắc Adenovirus ngày càng tăng cao, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức cuộc họp khẩn về công tác khám và điều trị bệnh nhi mắc Adenovirus, với sự tham dự của Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế Hà Nội cùng một số bệnh viện có khoa Nhi trên địa bàn Hà Nội.
Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong thời gian qua, số bệnh nhân viêm đường hô hấp đến khám được phát hiện mắc Adenovirus chiếm nhiều nhất trong các cơ sở khám, chữa bệnh tại Hà Nội. Riêng từ cuối tháng 8/2022 đến nay, số ca bệnh mắc Adenovirus tăng cao với hơn 1.400 ca.
Đặc biệt, trong 2 tuần từ ngày 12/9 đến 21/9, tỷ lệ các ca được phát hiện mắc Adenovirus chiếm 10% tổng các ca đến khám tại bệnh viện. Trong số ca nhiễm có 80% là bệnh nhi tại các quận, huyện của Hà Nội. Đã có 7 trường hợp tử vong là các bệnh nhân mắc các bệnh lý nền, đồng nhiễm Adenovirus.
Cũng theo Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ riêng trong ngày 22/9, bệnh viện đã phát hiện 150 ca, trong đó một nửa số bệnh nhân này cần nhập viện.
Tại Bệnh viện Bạch Mai và số bệnh viện của Hà Nội cũng đã ghi nhận các ca bệnh tăng đột biến với gần 100 ca/ngày được phát hiện mắc Adenovirus.
Tại cuộc họp, đại diện các bệnh viện cũng cho biết, tháng 9 là thời điểm nhập học và thời tiết giao mùa nên số trẻ mắc các bệnh hô hấp chiếm 60%-70% số bệnh nhi đến khám, chính vì vậy đã dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ tại một số thời điểm trong ngày, trong tuần.
Để đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đã bố trí 300 giường bệnh để khám và điều trị bệnh nhi nhiễm Adeno nhập viện theo nhóm bệnh nhẹ, bệnh có tổn thương hô hấp đơn thuần hoặc kết hợp với bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lo ngại về tình trạng lây lan của bệnh, nhất là các bệnh nhi mắc các bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng nếu đồng thời nhiễm Adenovirus.
Đại diện Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện chưa ghi nhận các ổ dịch Adenovirus trong cộng đồng, tuy nhiên, y tế công cộng cần quan tâm cần chú ý khi tình trạng nhiều trẻ mắc Adenovirus.
|
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đang khám cho bệnh nhân |
“Đây là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, nên nếu bệnh nhi đã mắc các bệnh lý nặng, phức tạp hoặc phải can thiệp phẫu thuật mắc thêm Adenovirus sẽ có nguy cơ tử vong cao. Trước mắt, các bệnh viện cần bố trí buồng riêng cho bệnh hô hấp không nằm chung bệnh khác, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như đeo khẩu trang, khử khuẩn…. không để lây lan dịch bệnh.
"Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần tăng cường công tác truyền thông không gây hoang mang trong cộng đồng”- TS Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Khoa, Bộ Y tế sẽ cập nhật và ban hành hướng dẫn điều trị bệnh Adeno trong đó sẽ xây dựng tiêu chuẩn nhập viện đối với các ca mắc Adenovirus làm căn cứ cho các bác sỹ khi khám, chẩn đoán.
Để đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế Hà Nội lên kế hoạch và có phương án nếu bệnh nhân gia tăng thì có giải pháp để phân tuyến, thu dung, điều trị phù hợp, cần chủ động, theo dõi chặt diễn biến, theo dõi báo cáo hàng ngày và báo cáo Bộ và có phương án chuẩn bị các khu hồi sức cho bệnh nhân nặng.
Virus Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm với những triệu chứng rất thông thường.
Adenovirus có thể ảnh hưởng xấu đến nhiều cơ quan khác nhau như: đường hô hấp, mắt, đường tiêu hóa và một số cơ quan khác. Adenovirus nhóm B là nhóm virus có khả năng gây bệnh thường gặp nhất. Sau khi tấn công cơ thể Adenovirus có thể tồn tại nhiều năm ở hạch hạnh nhân. Adenovirus hiện là tác nhân được các nhà khoa học nghi ngờ nhiều nhất gây bệnh viêm gan bí ẩn.
Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng có triệu chứng xảy ra ở trẻ bị viêm đường hô hấp trên, bao gồm sốt, viêm họng, viêm tai giữa, viêm amidan. Một số bệnh lý do Adenovirus hiếm gặp hơn là viêm kết mạc mắt và viêm dạ dày ruột.
Viêm kết mạc mắt do Adenovirus thường biểu hiện đột ngột bằng đỏ mắt, ra gỉ mắt nhiều, đau họng. Còn viêm dạ dày ruột thường có biểu hiện đi ngoài nhiều nước kéo dài 7 ngày, kèm theo buồn nôn, sốt, các dấu hiệu viêm đường hô hấp và viêm kết mạc.
Hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa có vaccine Adenovirus, vì thế công tác phòng bệnh vẫn cần được ưu tiên hàng đầu.