Bệnh nhi 14 tuổi bị động kinh 8 năm được điều trị khỏi sau ca phẫu thuật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một bệnh nhi bị động kinh đã 8 năm được điều trị thành công sau ca mổ của các bác sĩ hàng đầu về phẫu thuật thần kinh của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Đây thực sự là một điều kỳ diệu trong điều trị căn bệnh này.
Bệnh nhi N.T.D tập các bài tập vận động sau ca phẫu thuật theo hướng dẫn của bác sĩ
Bệnh nhi N.T.D tập các bài tập vận động sau ca phẫu thuật theo hướng dẫn của bác sĩ

Cháu N.T.D quê ở Nghệ An, bị bệnh động kinh đã 8 năm nay. Mỗi tuần, cháu xuất hiện 3-5 cơn động kinh, mỗi cơn kéo dài khoảng 1 phút. Vì thế, cuộc sống và việc học tập của cháu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cháu D. phải dùng rất nhiều loại thuốc chống động kinh với liều cao tối đa của trẻ.

Trước tình hình này, gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, với hy vọng sẽ tìm được phương pháp điều trị khác cho cháu.

Các chuyên gia ở Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lập tức thực hiện các chỉ định cận lâm sàng, kết hợp với thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại, kiểm tra tổn thương kín đáo tại vùng vận động cho cháu D. Cháu được kiểm tra trên máy cộng hưởng từ 3.0 Tesla, máy chụp cắt lớp vi tính 256 dãy, 512 lát cắt, rồi máy chụp PET/CT đánh giá chuyển hóa trong não giúp gợi ý tổn thương.

Nhiều cuộc hội chẩn đã diễn ra để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho cháu. ThS.BS Trần Đình Văn - Khoa Phẫu thuật Thần kinh 1- phẫu thuật viên trực tiếp mổ cho cháu D. - kể lại: “Vùng tổn thương của cháu D. nằm ở hồi sau trung tâm, cách vùng vận động chỉ vài mm, vì thế, trong quá trình phẫu thuật, chỉ cần 1 sơ suất nhỏ cũng có thể gây tổn thương vận động cho cháu và làm ảnh hưởng đến cả cuộc đời cháu”.

Vì thế, các bác sĩ thống nhất chỉ định phẫu thuật cho cháu kết hợp hàng loạt phương pháp phẫu thuật hiện đại nhất: Phương pháp cảnh báo sớm vùng vận động, phương pháp định vị thần kinh, phương pháp xây dựng bản đồ vỏ não trước mổ và phương pháp phẫu thuật vi phẫu cắt vùng tổn thương.

Sau nhiều giờ tiến hành, ca phẫu thuật đã thành công, tổn thương được cắt bỏ hoàn toàn.

Sau một tuần thực hiện ca mổ, sức khoẻ cháu D. đã ổn định, đặc biệt là không còn xuất hiện cơn động kinh nữa.

ThS.BS Trần Đình Văn - Khoa Phẫu thuật Thần kinh 1-Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức kiểm tra bệnh nhân D. sau ca phẫu thuật

Cũng theo ThS.BS Trần Đình Văn, hiện nay trên 60% bệnh nhân động kinh là trẻ em, trong đó, động kinh kháng thuốc từ 20-30%. Căn bệnh động kinh kháng thuốc do các tổn thương vùng vận động hoặc gần vùng vận động nên thực sự là thử thách lớn với các phẫu thuật viên trong các ca mổ thần kinh chức năng hiện nay, do rủi ro cao và có thể gây yếu liệt sau mổ cho bệnh nhân.

Tính đến nay, đã có hơn 100 trường hợp động kinh kháng thuốc được phẫu thuật thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và trở lại cuộc sống bình thường. Trong đó, có nhiều trường hợp trẻ động kinh kháng thuốc bị tổn thương ở vùng vận động hoặc gần vùng vận động.

Điều này đã khẳng định những tiến bộ y khoa của Việt Nam trong điều trị căn bệnh động kinh, đặc biệt là khẳng định tay nghề của các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong phẫu thuật thần kinh vốn cực kỳ phức tạp và khó khăn. Nhưng quan trọng hơn là thành công này đã mở ra cánh cửa hy vọng cho bệnh nhân mắc căn bệnh động kinh, nhất là những người đã thất bại trong điều trị nội khoa.