Bệnh nhân là cháu L.M.Q. (9 tuổi, dân tộc Thái, quê ở Sơn La) được phát hiện có khối u hốc mắt từ nhỏ, nhưng do gia đình nghèo nên không có điều kiện chữa trị. Theo thời gian, khối u to dần che lấp toàn bộ mắt bên trái gây lồi mắt, xâm lấn da vùng mi trên, cung mày và trán trái, thỉnh thoảng, khối u còn bị chảy máu tại nhà.
Được sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện và các bệnh viện, bệnh nhân được nhập viện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để điều trị. Qua hội chẩn liên viện giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và các chuyên gia Bệnh viện Mắt Trung ương, các bác sĩ xác định đây là khối u lớn, xâm lấn toàn bộ da, tổ chức dưới da, nhãn cầu và tổ chức trong hốc mắt như thần kinh thị, hệ thống cơ vận nhãn… vì thế không còn khả năng bảo tồn mắt và tổ chức xung quanh, việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn.
TS.BS Vũ Trung Trực - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt-tạo hình-thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết: “Q. đã được tiến hành nút các mạch máu vào u và được phẫu thuật hai lần. Lần 1 cắt toàn bộ khối u và che phủ tạm thời. Lần 2 xoay vạt trán tạo hình mi trên và ghép niêm mạc miệng tạo hình ổ mắt. Hiện tại, Q. đã được lắp mắt giả, em có thể quay trở lại trường học và sinh hoạt bình thường. Với những trường hợp này, việc điều trị không chỉ là cắt bỏ khối u đơn thuần mà các bác sĩ phải luôn trăn trở, nghiên cứu phối hợp các chuyên khoa để vừa điều trị khối u, vừa phục hồi tối đa diện mạo cho người bệnh giúp họ tái hòa nhập với cộng đồng một cách tốt nhất, tránh các ảnh hưởng tâm lý sau này”.
“Tạo hình lại ổ mắt sau khi cắt bỏ khối u để có thể lắp mắt giả trong trường này là một thách thức không nhỏ đối với các bác sĩ. Chúng tôi đã cắt bỏ toàn bộ nhãn cầu cùng tổ chức xung quanh như mi trên, cung mày thậm chí cả vùng trán trái. Để lắp được mắt giả cần tạo hình lại mi trên bằng các vạt tổ chức, đồng thời phục hồi lại toàn bộ kết mạc ở đáy mắt và mặt trong mi trên, mi dưới. Sự phối hợp giữa chuyên khoa mắt và và chuyên khoa phẫu thuật tạo hình cũng như các chuyên khoa khác trong trường hợp này đã giúp tối ưu hóa kết quả điều trị” - TS.BS Nguyễn Quốc Anh - Bệnh viện Mắt Trung ương chia sẻ.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt-tạo hình-thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: “Kết quả xét nghiệm cho thấy đây là khối dị dạng mạch máu có tính chất lành tính, một loại bệnh lý khá thường gặp và có thể kiểm soát được nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Rất tiếc trường hợp này đến các cơ sở điều trị quá muộn nên không thể bảo tồn mắt cho người bệnh. Tuy nhiên nhờ sự phối hợp giữa nhiều chuyên khoa sâu ở trong bệnh viên và các bệnh viện khác nhau, ca phẫu thuật đã thành công. Chúng tôi đã không chỉ điều trị bệnh mà còn phục hồi lại tối đa hình dáng bên ngoài, nhờ đó giúp giảm thiểu các sang chấn tâm lý sau này, một vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt là với trẻ em".
TS.BS Vũ Trung Trực - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt-tạo hình-thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức khám cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật |
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà, ở Việt Nam hiện nay, việc chẩn đoán, phân loại và điều trị các bệnh lý bất thường mạch máu vẫn còn nhiều bất cập, bên cạnh đó nhiều người bệnh ở các vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn chưa có điều kiện để tiếp cận với các phương pháp điều trị hiện đại. Tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm, bệnh viên tiếp nhận hàng ngàn ca bệnh với các bệnh lý như u mạch máu trẻ em, bệnh lý tĩnh mạch, bệnh lý động mạch, mao mạch, mạch bạch huyết… Rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa người bệnh, gia đình, cộng đồng, xã hội… cũng như các nguồn lực kinh tế cùng với hệ thống y tế để quản lý loại bệnh lý này ngày một tốt hơn”.