Bệnh nhân bị tái phát sốt rét sau 20 năm ký sinh trùng "ngủ yên"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau 20 năm mắc sốt rét, bất ngờ anh B.V.Đ (37 tuổi, dân tộc Mông, ở tỉnh Hòa Bình) lại bị tái mắc sốt rét ác tính – thiếu máu nặng, phải cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

VT_ sot rét.jpg
Ký sinh trùng sốt rét p.vivax tồn tại trong cơ thể bệnh nhân suốt hai thập kỷ và nay "thức dậy" khiến anh Đ. phải cấp cứu

Gia đình cho biết trước khi nhập viện, anh Đ. bị sốt cao 39 đến 40 độ trong 5 ngày liên tiếp, kèm theo các cơn rét run, đau đầu, mệt mỏi, ăn uống kém, bụng trướng, gan to, vàng da và vàng mắt ngày càng nặng, đi tiểu ít và sẫm màu.

Anh được đưa đến cơ sở y tế và bác sĩ xác định là bị sốt rét P.vivax (+). Do tình trạng nặng nên tuyến dưới đã cho chuyển anh lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng suy hô hấp, tan máu nặng nề và suy giảm chức năng gan nghiêm trọng, do bệnh sốt rét ác tính.

Anh Đ. làm nghề khoan giếng nên thường xuyên đi đến nhiều nơi và trong những ngày này, anh bị nhiều cơn sốt không rõ nguyên nhân. Trước đó, vào năm 2002 tại Tây Nguyên và 2003 tại Hòa Bình, Đ đã từng mắc sốt rét do P.vivax.

Bác sĩ Trương Tư Thế Bảo (khoa Cấp Cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết: Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt rét ác tính, thiếu máu nặng, và suy gan cấp tính. Tình trạng tan máu nghiêm trọng đã dẫn đến bệnh nhân khó thở và suy hô hấp. Vì thế bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc đặc hiệu và truyền máu. Sau thời gian điều trị bệnh nhân đã ổn định, có thể thở mà không cần hỗ trợ oxy.

“Trường hợp của anh Đ. là lời cảnh báo về nguy cơ tái phát của bệnh sốt rét vivax sau nhiều năm. Ký sinh trùng sốt rét p.vivax vẫn còn tồn tại trong cơ thể anh suốt hai thập kỷ, và nay đã tái phát khi gặp điều kiện thích hợp.

Đây là trường hợp điển hình cho thấy sự nguy hiểm của ký sinh trùng sốt rét P.vivax, có khả năng "ngủ" trong gan và tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi. Vì vậy, những người từng mắc sốt rét, đặc biệt là khi sống hoặc làm việc trong các khu vực có nguy cơ cao, cần chú ý đến sức khỏe của mình và không nên chủ quan vì bệnh có thể tái phát…” Bác sĩ Bảo khuyến cáo.

Đáng lưu ý khi hiện nay, số ca mắc bệnh sốt rét đang tăng nhanh và diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, đặc biệt là ở tỉnh Khánh Hòa, khi đã có phát hiện gần 100 ca mắc.

Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế khuyến cáo: Bệnh sốt rét do muỗi truyền, khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.

Để phòng bệnh, cần ngủ màn kể cả ở nhà, nhà nương rẫy hoặc ngủ trong rừng. Diệt muỗi bằng phun tồn lưu và tẩm màn hoá chất diệt muỗi, xoa kem xua muỗi, phát quang bụi rậm và khơi thông cống rãnh quanh nhà, làm nhà xa rừng và xa nguồn nước, mặc quần áo dài buổi tối...

Phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được coi là biện pháp hữu hiệu nhất: Mỗi năm chỉ phun hoặc tẩm một lần vào trước mùa mưa (mùa truyền bệnh sốt rét), chỉ định phun hoặc tẩm màn tuỳ thuộc vào diễn biến sốt rét tại địa phương.

Cũng có thể dùng hương xua muỗi, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh quanh nhà, làm nhà xa rừng và xa nguồn nước, mặc quần áo dài buổi tối...

An toàn truyền máu phải được kiểm soát chặt chẽ đặc biệt với người có tiền sử sốt rét hoặc đã sống trong vùng sốt rét.