Bệnh nhân 19 trở về nhà sau gần 3 tháng chống chọi với COVID-19

VietTimes – Sau gần 3 tháng chống chọi với COVID-19, bệnh nhân 19 (bác gái bệnh nhân 17, bệnh nhân nặng nhất trong số các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) đã được xuất viện và trở về với gia đình tại TP. Hồ Chí Minh vào sáng nay (3/6).
Bệnh nhân 19 chụp ảnh cùng các bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực trong ngày xuất viện trở về nhà. Ảnh: Đặng Thanh

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân 19 mắc COVID-19 có diễn biến rất nặng, thậm chí có lúc nguy kịch, phải can thiệp thở máy, sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo), từng ngừng tim, ngừng tuần hoàn, phải cấp cứu liên tục suốt 40 phút.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế và sự tận tình của các y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân đã hồi phục một cách kỳ diệu.

Bệnh nhân 19 chuẩn bị đồ đạc trong sáng nay để trở về nhà. Ảnh: Đặng Thanh 

Đến hôm nay, bệnh nhân 19 đã có thể tự đi lại bình thường, bắt tay, trò chuyện với các bác sĩ. Sức khỏe của bà đã đủ điều kiện đi máy bay và được trở về với gia đình tại TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, bệnh nhân 19 ra Hà Nội từ 28 Tết và không may mắc COVID-19.

Bệnh nhân 19 (đội mũ đeo kính đen) khỏe mạnh trong ngày chính thức được xuất viện trở về nhà . Ảnh: Đặng Thanh 

Trong ngày được công bố khỏi bệnh, bệnh nhân 19 chia sẻ: "Tôi đã hồi phục được khoảng 70-80%. Nhờ có các y, bác sĩ trong Bệnh viện cùng tất cả mọi người đã tận tình giúp đỡ tôi. Tôi rất cảm kích vì đã được cứu sống lần thứ 2. Thực ra khi được các bác sĩ cấp cứu trong hơn 40 phút tôi không nhớ rõ. Đến ngày hôm nay khi đã khỏi bệnh tôi cảm thấy rất hạnh phúc". 

Bệnh nhân 19 trong ngày được công bố khỏi bệnh. Ảnh: Hoàng Anh

Theo TS. BS. Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ông cùng tất cả nhân viên y tế của Bệnh đều vui mừng với khi các bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Riêng bệnh nhân 19 là bệnh nhân rất đặc biệt, bệnh nhân nặng nhất với diễn biến bệnh nặng từng nhiều lần khiến các y, bác sĩ rất vất vả.

“Bệnh nhân 19 đã từng phải can thiệp thở máy xâm nhập, ECMO, bệnh nhân đã từng ngừng tim lúc gần 1h đêm,… nhiều lần dọa tử vong. Trong hơn 2 tháng chăm sóc cho bệnh nhân, các y, bác sĩ của chúng tôi đã rất vất vả và nỗ lực, theo dõi 24/24h, vệ sinh, chăm sóc chống loét do nằm điều trị dài ngày cho người bệnh. Việc cứu chữa thành công ca bệnh này đã khẳng định được sự quyết tâm chiến thắng dịch bệnh và trình độ của y học Việt Nam có thể điều trị, cứu sống các ca mắc COVID-19 nặng” - BS. Thạch nói.

Sau hơn 80 ngày điều trị tích cực, đến nay bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, không khó thở, tự thở khí phòng, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Tim đều, phổi không rales. Xét nghiệm 7 lần cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ về quá trình điều trị cho bệnh nhân 19, ThS. BS. Đồng Phú Khiêm – Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết: Bệnh nhân 20 mắc COVID-19 nặng rất đặc biệt khi tuổi cao, có bệnh huyết áp, tiền đình.

ThS. BS. Đồng Phú Khiêm – Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy

Sau khi nhập viện và điều trị tại Khoa Cấp cứu khoảng 1 tuần, bệnh nhân xuất hiện tổn thương phổi nặng tiến triển dần cần phải thở máy hỗ trợ và được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực.

Virus SARS-CoV-2 khiến phổi của bệnh nhân bị tổn thương nặng, không chỉ làm giảm oxy hóa máu, mà còn có thể gây ra các biến chứng khác như tràn khí màng phổi. Ở bệnh nhân này cũng vậy, đêm ngày 18/3 (tức là sau thở máy khoảng hơn 3 ngày), bệnh nhân xuất hiện tràn khí, oxy hóa máu tụt rất nhanh và thở máy tối ưu không thể đảm bảo được tình trạng oxy máu cho bệnh nhân. Thời điểm đó, kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) là cách duy nhất để giữ mạng sống bệnh nhân.

Trước tình trạng cấp cứu tối khẩn cấp của bệnh nhân, các bác sĩ đã báo cáo tình hình của bệnh nhân lên Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, đồng thời, ê-kíp bác sĩ tốt nhất được huy động để giúp bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. May mắn, sau khi thực hiện ECMO, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân đã tạm thời ổn định. 

Trao đổi với PV VietTimes, GS. TS. Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – chia sẻ: Mặc dù đã 3 lần ngừng tim nhưng bệnh nhân 20 mắc COVID-19 nặng vẫn vượt qua. Trong kíp trực hôm ấy, tất cả các bác sĩ đều thức trắng đêm để cứu bệnh nhân. Khi thấy bệnh nhân sống sót vượt qua cửa tử, tôi cũng như các bác sĩ cảm thấy vô cùng vui mừng và sung sướng.

Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân 19. Ảnh: Minh Thúy 

ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cho hay: Với những bệnh nhân mắc COVID-19 có diễn biến nặng thì tình trạng bệnh xấu đi rất nhanh. Khi bệnh nhân 20 bắt đầu hồi phục, chúng tôi hết sức vui mừng, bởi tất cả mọi người đã nỗ lực hết sức để cứu sống bệnh nhân.

BS. Cấp cho biết thêm: Về cơ bản, phác đồ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 của Việt Nam so với các nước trên thế giới không khác nhau, nhưng cách thức triển khai thì khác nhau.

Thành công lớn nhất trong việc chống dịch COVID-19 đến thời điểm hiện tại chính là công tác dự phòng.“Vì chúng ta dự phòng tốt nên số lượng bệnh nhân không nhiều, nằm trong khả năng đáp ứng của các bệnh viện. Bên cạnh đó nhờ sự ủng hộ của người dân nên dịch bệnh đã được khống chế, không có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.” – BS. Cấp nói.

Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h sáng nay (ngày 3/6), đã tròn 48 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Cả nước có tổng cộng 188 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 8.169 người, trong đó: 103 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 7.104 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 962 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú. 

Theo Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 5 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 5 ca.

Về tình hình nam phi công người Anh mắc COVID-19 nặng (bệnh nhân 91) đang được điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh, bệnh nhân sẽ tiếp tục được sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng của vi khuẩn Burkholderia Cepacia và phòng ngừa những nguy cơ có thể nhiễm khuẩn mới.

Cùng với đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục được tập vật lý trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp; đảm bảo dinh dưỡng để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục, đồng thời, cân bằng đầy đủ rối loạn nước điện giải nhằm tránh nguy cơ tổn thương thận có thể tái phát trở lại.