Hơn 20 bệnh nhân nhiễm giun rồng ở Việt Nam được phát hiện trong hơn 3 năm qua. Tuy nhiên, trên thế giới, căn bệnh này đang tiến đến ngưỡng bị xóa sổ hoàn toàn.
Vào những năm 1980, Trung tâm Y tế Carter (Carter Center) ở Mỹ đã khởi xướng một chương trình thanh toán bệnh giun rồng có sự tham gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC).
Năm 1984, US CDC trở thành Trung tâm Hợp tác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để nghiên cứu, đào tạo và thanh toán giun rồng. Trung tâm tập trung vào việc tuyên truyền cho người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng hiểu biết về bệnh, các triệu chứng, biến chứng, cách điều trị và phòng bệnh.
Chiến dịch thanh toán căn bệnh này trên toàn cầu đã có những tiến bộ vững chắc. Theo WHO, đến năm 1986, ước tính trên thế giới có 3,5 triệu ca bệnh được phát hiện tại 20 quốc gia. Các năm tiếp theo, số lượng các ca bệnh được thống kê đã giảm dần.
Trong năm 1989, có 892.055 trường hợp được báo cáo ở 15 trong số 20 quốc gia, trừ Cộng hòa Chad, Cộng hòa Trung Phi, Senegal, Nam Sudan và Sudan.
Tới năm 2012, căn bệnh này chỉ còn tại 4 quốc gia: Cộng hòa Chad, Ethiopia, Mali và Nam Sudan với tổng số 542 trường hợp. Trong đó, Nam Sudan 521 trường hợp, gồm 273 phụ nữ và 201 trẻ em dưới 15 tuổi, chiếm 96% tổng số vụ toàn cầu. Cộng hòa Chad ghi nhận 10 trường hợp, Ethiopia 4 trường hợp, Mali 4 trường hợp và Niger 3 trường hợp.
Vào cuối năm 2012, có 192 quốc gia, vùng lãnh thổ và các khu vực đã được chứng nhận hết bệnh giun rồng. Năm 2013 có 148 trường hợp đã được báo cáo ở các nước Cộng hòa Chad, Ethiopia, Mali và Nam Sudan.
Năm 2014, chỉ có 126 trường hợp đã được báo cáo, giảm 15% so với năm 2013. Trong năm 2015, chỉ có 22 trường hợp đã được báo cáo trên toàn thế giới, giảm 83% so với năm 2014. Tại thời điểm này, việc loại trừ giun rồng trên toàn cầu đã trong tầm với.
Tuy nhiên đến năm 2018, có 28 trường hợp mắc bệnh giun rồng được báo cáo, trong đó ở Angola có 1 trường hợp, Cộng hòa Chad 17 trường hợp và Nam Sudan 10 trường hợp.
Năm 2019 có tổng cộng 54 trường hợp bệnh tại 4 nước, Angola 1 trường hợp, Cộng hòa Chad 48 trường hợp, Nam Sudan 4 và Cameroon 1 trường hợp.
Tính đến tháng 2/2018, WHO đã chứng nhận 199 quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực không ghi nhận báo cáo các trường hợp mắc bệnh, trong đó Việt Nam đã nhận chứng nhận của WHO từ năm 1998.
Từ năm 2012, các trường hợp động vật nhiễm giun rồng đã được báo cáo từ các nước Cộng hòa Chad, Ethiopia và Mali, trong đó đa số là chó nhà bị nhiễm.
Năm 2018, Chad báo cáo 1.040 chó và 25 mèo nhiễm bệnh; trong khi Ethiopia báo cáo 11 chó nhà, 5 mèo và 1 khỉ bị bệnh; và Mali phát hiện 18 chó, 2 mèo bị nhiễm bệnh.
Số lượng vật nuôi nhiễm bệnh tăng lên sẽ là một mối đe dọa cho việc phát tán mầm bệnh ra môi trường dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn cho con người và đe doạ trực tiếp đến Chiến dịch thanh toán bệnh giun rồng của WHO trên toàn cầu.
Năm 2023, trên thế giới chỉ còn 13 bệnh nhân mắc giun rồng. Đây là con số nhiễm bệnh giun rồng trên người hàng năm thấp nhất từng được báo cáo, sau 13 trường hợp vào năm 2022 và 15 trường hợp vào năm 2021.
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Carter, 9 trong số 13 trường hợp tạm thời ở người được báo cáo vào năm 2023 xảy ra ở Cộng hoà Chad, 2 trường hợp ở Nam Sudan và một trường hợp ở Cameroon và Mali. Ethiopia báo cáo không có trường hợp nào ở người. Một mẫu vật năm 2023 từ Cộng hòa Trung Phi đang được điều tra và yêu cầu xét nghiệm, đây là quy trình dành cho tất cả các mẫu vật đến từ người.
Giun rồng lây nhiễm cho động vật cùng loài với loài giun lây nhiễm cho người; do đó, việc loại trừ đòi hỏi phải ngăn chặn sự lây nhiễm ở cả hai.
Trong khi tỷ lệ nhiễm giun rồng ở động vật tăng 4% trên toàn cầu trong năm 2023, thì Cộng hoà Chad đã giảm 22% tỷ lệ nhiễm giun rồng ở chó, năm thứ tư liên tiếp đạt được tiến bộ. Trong năm 2023, Chad đã báo cáo có 494 loài động vật bị nhiễm bệnh, Mali báo cáo có 47 con, Cameroon 97, Angola 73, Ethiopia 1 con và Nam Sudan 1 con.
Số ca nhiễm giun rồng được báo cáo ở động vật tăng khiêm tốn, từ 685 ca vào năm 2022 lên 713 ca trong năm 2023. Adam Weiss, giám đốc Chương trình diệt trừ giun rồng của Trung tâm, cho biết có sự gia tăng này là do việc mở rộng giám sát và báo cáo ở Angola và Cameroon.
Cũng như những năm trước, trong năm 2023, người dân ở các quốc gia có dịch bệnh đã nhận được phần thưởng bằng tiền mặt khi báo cáo về những trường hợp nghi mắc bệnh giun rồng. Các nhân viên y tế đã điều tra tỉ mỉ tất cả những trường hợp tiềm năng này, đây là chìa khóa để tìm ra các trường hợp nhiễm thực tế.
Jason Carter, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Carter và cháu trai cả của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, cho biết: “Xóa bỏ bệnh giun Guinea và những đau khổ mà nó gây ra từ lâu đã là giấc mơ của ông bà tôi và họ đã làm việc vô cùng chăm chỉ để biến nó thành hiện thực”.
Giun rồng có thể trở thành căn bệnh thứ hai trong lịch sử nhân loại bị xóa sổ, sau bệnh đậu mùa. Nó cũng có thể trở thành căn bệnh ký sinh trùng đầu tiên và căn bệnh đầu tiên không có thuốc hay vắc xin bị xoá sổ. Sự thay đổi hành vi sáng tạo và huy động nguồn lực của cộng đồng chính là động lực chính dẫn đến sự thành công.