PGS.TS. Nguyễn Quang - Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết: Bé trai V.T.Đ. (14 tuổi) sống ở Hưng Yên nhập viện trong tình trạng hoại tử tinh hoàn trái do xoắn ngày thứ 13.
Người nhà bé cho biết, bé bị đau tinh hoàn, được một bệnh viện huyện ở Hưng Yên chẩn đoán viêm tinh hoàn và điều trị theo hướng viêm tinh hoàn không kết quả. Tại đây, các bác sĩ đã khám cho bé và phát hiện tinh hoàn trái treo cao, sưng, không đau; siêu âm thấy mất tinh hoàn tín hiệu mạch của tinh hoàn trái.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bé vì một bên tinh hoàn trái của bé đã tím đen hoại tử. Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt tinh hoàn trái, cố định tinh hoàn phải.
Sau 2 ngày phẫu thuật, hiện tại tình trạng người bệnh ổn định và đang được điều trị phục hồi tại Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Theo PGS.TS. Nguyễn Quang xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa tối cấp thường gặp nếu không được cấp cứu kịp thời có thể phải cắt tinh hoàn và gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. Nguyên nhân gây bệnh thường do bất thường của dây chằng bìu tinh hoàn.
BS. Nguyễn Duy Khánh - Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức- cho hay, xoắn tinh hoàn thường làm bệnh nhân bị đánh thức trong giấc ngủ bởi một cơn đau chói ở bìu bệnh nhân thường nhớ rõ thời điểm đau. Khi khám lâm sàng tinh hoàn bên xoắn treo cao hơn bên đối diện. Siêu âm Doppler đánh giá phổ mạch tinh hoàn rất có giá trị để chẩn đoán xoắn tinh hoàn với dấu hiệu xoáy nước điển hình.
Bệnh thường hay chẩn đoán nhầm với viêm tinh hoàn, đó là nguyên nhân dẫn đến sự chẩn đoán chậm trễ và phải cắt tinh hoàn. Đứng trước 1 trường hợp đau tinh hoàn, cần nghĩ tới bệnh lý xoắn tinh hoàn trước tiên, tránh chẩn đoán nhầm với viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, sỏi niệu quản,… và phải cắt bỏ tinh hoàn.
Với bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn, "thời gian vàng" điều trị bệnh là 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Nếu đến trước 6h và được xử trí đúng đắn, kịp thời thì tỷ lệ bệnh nhân được cứu tinh hoàn có thể đạt được 100%. Đến trong khoảng 6-12h thì khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50% và trong khoảng 12-24h thì chỉ còn 20% được cứu. Trên 24h sẽ không cứu được tinh hoàn.
Điều đáng lưu ý là có nhiều trẻ đến bệnh viện khi tinh hoàn đã bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ. Trẻ bị cắt bỏ một tinh hoàn sẽ giảm 50% khả năng sinh con. Đặc biệt khi lớn, chuyện chỉ còn một tinh hoàn trong bìu sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ.
Chính vì thế, PGS.TS. Nguyễn Quang khuyến cáo nam giới cần đi khám ngay khi có các triệu chứng đau đột ngột ở vùng bìu.