Trang tin Sina Trung Quốc ngày 29/10 đăng bài bình luận cho rằng nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye từng được rất nhiều người kỳ vọng.
Người Trung Quốc thích bà, từng hy vọng bà Park Geun-hye sẽ trở thành một nhà lãnh đạo "thân Trung Quốc" ở Hàn Quốc, bởi vì bà từng du học Bắc Kinh, thông thạo tiếng Trung.
Còn người dân Hàn Quốc mong muốn bà có thể đem đến một làn gió mát cho chính trường Hàn Quốc.
Cha mẹ bà Park Geun-hye chết sớm, không có anh chị em, đến nay bà một thân một mình, nên không có bận tâm gì. Họ tin rằng với hoàn cảnh như vậy sẽ giúp bà có thể quét sạch căn bệnh "ung thư" tham nhũng đã "giày vò" chính trị Hàn Quốc trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng hiện nay mà bà Park Geun-hye gặp phải hoàn toàn không khác về bản chất so với các câu chuyện từng xảy ra với những người tiền nhiệm, hơn nữa cũng đủ để khiến cho bà Park Geun-hye mất đi tiền đồ chính trị.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, tỷ lệ ủng hộ bà Park Geun-hye đã giảm xuống chỉ còn 26%, là mức thấp nhất kể từ khi bà nhậm chức Tổng thống vào tháng 2/2013 đến nay.
Điều này một mặt cho thấy ngay cả một người phụ nữ đơn thân như bà Park Geun-hye cũng có thể dính dáng đến bê bối chính trị và lạm dụng quyền lực.
Người bạn thân của bà Park Geun-hye là bà Choi Soon-sil, năm nay 64 tuổi, là người phụ nữ không có chức vụ gì, nhưng lại có thể có được các văn kiện cơ mật nhất liên quan đến an ninh quốc gia, biết trước bản thảo các bài phát biểu quan trọng của Tổng thống, thậm chí tự tay chỉnh sửa, đồng thời tận dụng quan hệ cá nhân với Tổng thống, kiếm chác rất nhiều lợi ích không chính đáng cho mình và người thân.
Nhưng, bà Choi Soon-sil rốt cuộc là ai? Ngoài một số thông tin cơ bản nhất do báo chí tiết lộ, đối với hầu hết người Hàn Quốc, bà đến nay vẫn giống như một người chẳng ai biết đến, thậm chí phần lớn nghị sĩ đảng cầm quyền Hàn Quốc của bà Park Geun-hye cũng không biết có sự tồn tại của một người như bà Choi Soon-sil.
Mỗi người đều có anh em, bạn bè, phần lớn trong cuộc đời của người bình thường đều sẽ có bạn thân có quan hệ cá nhân cực kỳ thân thiết, nhà lãnh đạo đất nước cũng không ngoại lệ.
Hơn nữa, khi thúc đẩy một quan điểm chính trị hay biện pháp chính sách của mình, nhà lãnh đạo đất nước chịu ảnh hưởng bởi những người bạn bè thân thiết quanh họ - đây là điều khó có thể tránh khỏi. Đó là lẽ thường tình đối với mỗi người.
Vấn đề thực sự ở chỗ, sự ảnh hưởng của cái "phi chính quy" này có tính chất gì? "Những người xung quanh" nhà lãnh đạo lại nhận được gì từ sự ảnh hưởng của nhà lãnh đạo?