Bê bối chạy điểm ở Mỹ: dân Trung Quốc chi hàng triệu USD mua điểm!

VietTimes -- Vụ bê bối chạy điểm vào các trường đại học danh tiếng qua đi song việc điều tra đã bất ngờ phát hiện: móc túi các phụ huynh thật dễ dàng, những người chi nhiều nhất đều là các đại gia đến từ Trung Quốc!
William Singer, kẻ cầm đầu đường dây chạy điểm vào đại học lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
William Singer, kẻ cầm đầu đường dây chạy điểm vào đại học lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Theo The Wall Street Journal (WSJ) ngày 26.4, cho đến nay trong số những kẻ đưa hối lộ trong vụ án chạy điểm vào các trường đại học lớn nhất lịch sử nước Mỹ này, hiện đã phát hiện có 2 gia đình Trung Quốc, trong đó có trường hợp chi tới 6,5 triệu USD cho William Singer để con được vào học trường danh tiếng hàng đầu mà báo chí râm ran cả tháng nay, trường hợp còn lại đã chi 1,2 triệu USD.

WSJ cho biết, trong vụ án này, mức chi bình quân của toàn bộ 33 gia đình đã bị phanh phui kia là từ 250 ngàn đến 400 nghìn USD, nhưng 2 gia đình Trung Quốc này đã “chơi trội”, “phá giá”. Trong vụ án này, các phụ huynh Trung Quốc bị coi là những người dễ moi tiền nhất. Hiện nay tên tuổi gia đình đưa hối lộ mức kỷ lục 6,5 triệu USD còn được giữ kín, còn tên tuổi sinh viên được cha mẹ chi 1,2 triệu USD để được vào đại học đã được công bố.

Công tố viên Andrew Lelling,người thụ lý vụ án gây chấn động này
Công tố viên Andrew Lelling,người thụ lý vụ án gây chấn động này

Đường dây dùng tiền chạy vào đại học gây chấn động

Hồi đầu tháng 3.2019, các công tố viên liên bang ở Massachusetts đã công bố danh sách 33 phụ huynh có tên trong đường dây “chạy tiền” vào các trường đại học thuộc top đầu ở Mỹ. Họ đã chi rất nhiều tiền để dàn xếp điểm thi và tạo thành tích ngoại khóa giả cho con cái được vào học ở những ngôi trường danh giá trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2018. Những người này đều là các CEO, chủ tịch của các công ty lớn hoặc thậm chí là diễn viên nổi tiếng. Trong số này đáng chú ý có Greg Abbot và vợ Marcia Abbot, nhà sáng lập của International Dispensing - công ty đóng gói các sản phẩm F&B; Gordon Caplan là đồng chủ tịch công ty luật Willkie Farr & Gallagher, nơi có 700 luật sư và 10 văn phòng đại diện ở 6 quốc gia có trụ sở tại New York; Douglas Hodge, cựu CEO công ty quản lý quỹ đầu tư Pimco; William McGlashan Jr., giám đốc điều hành TPG Capital...

Đặc biệt, có 2 diễn viên nổi tiếng ở Hollywood cũng dính vào vụ bê bối này là Felicity Huffman, ngôi sao của bộ phim truyền hình nổi tiếng “Những bà nội trợ kiểu Mỹ” và diễn viên Lori Loughlin. Được biết, Huffman đã chi 15.000 USD để con gái được vào đại học và dự định sẽ thực hiện việc tương tự với con gái thứ hai. Còn Lori Loughlin và chồng là nhà thiết kế thời trang danh tiếng Mossimo Giannulli bị cáo buộc hối lộ 500.000 USD để đưa hai con gái vào trường Đại học Nam California (USC) danh tiếng.

Nữ minh tinh Felicity Huffman cùng chồng và các con
Nữ minh tinh Felicity Huffman cùng chồng và các con

Thủ phạm, kẻ đứng đầu đường dây chạy điểm này là William Singer, tự thành lập một tổ chức tư vấn đại học có tên Key Worldwwide Foundation và là CEO công ty mạng Edge College & Career Network, đã nhận tiền hối lộ của các vị phụ huynh muốn con đỗ vào các trường danh tiếng. Tổng cộng William Singer đã nhận 25 triệu USD dưới danh nghĩa khoản từ thiện đóng góp vào quỹ Key Worldwide Foundation để được gian lận tuyển sinh. William Singer đã dàn xếp điểm thi cho thí sinh bằng cách nhờ một người khác làm bài kiểm tra SAT hoặc ACT và số điểm này phải ấn tượng nhưng không gây nghi ngờ; thí sinh còn được yêu cầu nộp một bản chữ viết tay để người thi hộ bắt chước. Ông ta được phía cảnh sát đánh giá là kẻ chủ mưu chính cho đường dây chạy điểm chấn động, từ việc lên kế hoạch làm giả điểm thi đầu vào, tạo hồ sơ giả, dán ảnh mặt thí sinh lên thân hình các vận động viên để xin học bổng thể thao…

Các công tố viên cho biết, đường dây này hoạt động từ năm 2011 đến khi phát hiện tháng 2.2019, kẻ chủ mưu William Singer chỉ đạo đường dây gửi hồ sơ giả đến các trường và lo lót thông qua vòng xét loại, sau đó ban giám hiệu nhà trường được người này hối lộ để can thiệp kết quả bài thi. Theo cảnh sát, các bậc phụ huynh giàu có sẵn sàng chi trả từ 200.000 tới 6,5 triệu USD để chạy điểm cho con cái mình vào các trường danh giá. Sau khi bị bắt, Singer đã thừa nhận tội lỗi, ngoài ra, một số giáo sư của các trường đại học danh tiếng cũng dính líu đến vụ án khi nhận hàng triệu USD để giúp con các đại gia được nhập học.

Khác với nhiều quốc gia, Mỹ không có các kỳ thi đại học tập trung. Thay vào đó, các trường đại học Mỹ thường chú trọng vào sự toàn diện của các thí sinh trong hồ sơ. Ngoài điểm chuyên ngành cao khi theo học tại trường trung học, các đại học sẽ dựa trên điểm từ các kỳ thi chuẩn hóa như SAT hay ACT, các hoạt động ngoại khóa, năng khiếu… để lựa chọn ứng viên vào trường.

Trên thực tế, ngay cả những học sinh đạt thành tích cao trong 4 năm học tại các trường trung học chưa chắc đã có cơ hội vào những đại học danh tiếng của Mỹ. Theo Trung tâm Thống kê Giáo dục quốc gia Mỹ, chỉ khoảng 5% ứng viên đạt thành tích cao vào được Đại học Standford, 7% vào được Đại học Yale, 16% trúng tuyển Đại học California và 29% được Đại học Wake Forest chấp thuận.

Một trường hợp học sinh được thay mặt vào ảnh chụp nữ vận động viên khác để được tuyển sinh - tài liệu của viện công tố tại tòa án
Một trường hợp học sinh được thay mặt vào ảnh chụp nữ vận động viên khác để được tuyển sinh  - tài liệu của viện công tố tại tòa án

Thông thường, với nền giáo dục nổi tiếng và một hệ thống khảo thí chặt chẽ như tại Mỹ, việc làm sai lệch kết quả của SAT hay ACT dường như là điều không thể. Tuy nhiên, đường dây chạy vào đại học của William Singer đã biến “điều không thể” thành “có thể”. William Singer bị cáo buộc đã hướng dẫn các phụ huynh móc nối với các trung tâm y tế để đưa ra những tài liệu giả cho thấy con họ gặp vấn đề về sức khỏe và cần có thêm thời gian để chuẩn bị cho 2 kỳ thi SAT và ACT.

Địa điểm thi SAT và ACT sau đó chủ yếu được diễn ra ở Trung tâm kiểm tra Houston bang Texas và Trung tâm kiểm tra West Hollywood ở bang California. Tại đây, hai quản trị viên Niki Williams và Igor Dvorskiy sẽ sửa bài cho các thí sinh. Mỗi người được nhận khoảng 10.000 USD cho một bài nâng điểm. Có tới 17 viên chức, giáo viên, huấn luyện viên cũng bị cáo buộc trong vụ lừa đảo điểm thi lớn nhất lịch sử này.

Chưa hết, để vào được các trường danh tiếng của Mỹ, không chỉ có thành tích xuất sắc, việc biết chơi các môn thể thao phổ biến như điền kinh, bóng rổ, bóng chày…sẽ là lợi thế rất lớn đối với các ứng viên. Lợi dụng điều này, William Singer đã bỏ ra hàng trăm nghìn USD câu kết với các huấn luyện viên của các trường để tạo ra những hồ sơ đẹp cho các thí sinh dù các em chưa từng tham gia bất kỳ hoạt động nào.

Luật sư Andrew Lelling - công tố viên liên bang ở Boston cho biết, nhiều phụ huynh đã được hướng dẫn ghép ảnh mặt con cái họ với các vận động viên thực thụ rồi gửi cho huấn luyện viên để ngụy tạo bằng chứng thể thao giả.

Điển hình là vụ việc 2 con gái của diễn viên nổi tiếng Mỹ Lori Loughlin đều được nhận vào Đại học Nam California (USC) với tư cách vận động viên chèo thuyền dù cả hai đều chưa bao giờ chèo thuyền. Có ít nhất 9 huấn luyện viên các trường đại học tham gia vào vụ việc này.

Hiện William Singer đã đóng 500.000 USD để được bảo lãnh tại ngoại và tòa sẽ phán quyết vào ngày 19.6.2019, Singer có thể bị phạt tối đa 65 năm tù và phải nộp phạt 1 triệu USD. Tòa sẽ tuyên án đối với tất cả các đối tượng trên vào cùng ngày. Nữ diễn viên Lori Loughlin và 15 phụ huynh giàu có khác nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với tội rửa tiền, lừa đảo và phải ngồi tù. Hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm.

William Singer sẽ đối mặt với mức án 65 năm tù và mức phạt 1 triệu USD về những tội đã phạm phải
William Singer sẽ đối mặt với mức án 65 năm tù và mức phạt 1 triệu USD về những tội đã phạm phải

Các nhà giàu Trung Quốc vung tiền chạy trường cho con

Có tổng cộng 50 người bị buộc tội trong cuộc điều tra mang tên “Operation Varsity Blues”. Những người bị truy tố gồm có 2 người chuyên phụ trách tuyển dụng, một giám thị thi, 9 huấn luyện viên, một quan chức trường và 33 phụ huynh. Vấn đề khiến dư luận chú ý nhất chính là nhân thân của những phụ huynh này. Hàng chục phụ huynh học sinh hiện đang đối mặt với cáo buộc hình sự về tội đưa hối lộ từ hàng chục nghìn đến 6,5 triệu USD. Theo văn bản khởi tố, mức tiền cao nhất mà William Singer nhận của một phụ huynh là 6,5 triệu USD – một nhà giàu Trung Quốc hiện vẫn được giấu tên, nhưng tên tuổi một người khác đưa hối lộ tới 1,2 triệu USD thì đã được làm sáng tỏ.

The New York Times ngày 29.4 cho biết, một điều kỳ lạ của vụ án lừa đảo vào đại học quy mô lớn này là những gia đình chi số tiền khủng để hối lộ nhưng viện công tố cho biết hiện họ vẫn chưa bị cáo buộc tội lỗi. Trong số 33 phụ huynh liên đới đến vụ án này, đại đa số bị cáo buộc đã đưa hối lộ từ mấy chục ngàn đến mấy trăm nghìn USD để đổi lấy điểm giả, hối lộ các huấn luyện viên hoặc các quan chức hòng trúng tuyển vào các trường đại học. Thế nhưng, những kẻ chi số tiền lớn hơn nhiều lần thì lại không được công bố danh tính, cũng không bị cáo buộc. Hai trường hợp được phía viện công tố nhắc đến là một gia đình đã đưa cho William Singer 6,5 triệu USD để con họ được nhận vào đại học với tư cách vận động viên; một trường hợp khác đã chi cho William Singer 1,2 triệu USD để con gái được vào Đại học Yale danh tiếng.

Theo WSJ, tên tuổi của “Yale Applicant 1” này đã được xác định. Luật sư James Spertus cho biết, thân chủ của ông – cô gái trẻ Sherry Guo, một người Trung Quốc học ở một trường trung học Nam Cali đã được nhập học Đại học Yale vào năm ngoái. James Spertus nói, khoản tiền lớn này cho thấy Singer đã lợi dụng sự vô tri của gia đình cô gái trong quá trình làm thủ tục tuyển sinh vào đại học để moi tiền. “Qua số tiền này có thể thấy rằng, ông ta đang cướp đoạt những người Hoa”.

Tuy nhiên, luật sư James Spertus lại nói: “Khoản tiền này là gia đình Sherry Guo quyên để giúp đỡ các thanh niên nghèo. Họ không biết rằng, tiền đã bị huấn luyện viên bóng đá nữ Rudolph Meredith của Đại học Yale chiếm lấy. Họ không biết ông ta (Singer) sử dụng khoản tiền đó để đưa hối lộ. Tóm lại, không có chứng cứ để cáo buộc gia đình Sherry Guo tội đưa hối lộ”.

Được biết Sherry Guo đã bị Đại học Yale xóa tên hôm 22.4.2019, nhưng không biết số tiền 1,2 triệu USD mà cha mẹ cô giao cho người môi giới William Singer có được trả lại hay không?

Vụ việc bắt đầu từ 5 năm trước, Sherry Guo vào học một trường trung học Thiên Chúa giáo tư thục ở Nam Cali. Cô bé Sherry Guo muốn được vào học tại các trường danh tiếng như Đại học Oxford hoặc Đại học Columbia. Qua giới thiệu, cha mẹ cô quen biết William Singer, ông ta nói vào học trường Yale thì được. Văn bản của tòa án cho thấy, cha mẹ Sherry Guomuốn thông qua việc quyên góp tiền cho nhà trường để con gái được vào học.

William Singer đã biến Sherry Guo thành đội trưởng một đội bóng đá nữ rất nổi tiếng ở Nam California. Bản lý tịch tóm tắt của cô gái được gửi cho huấn luyện viên Meredith của đội bóng, sau đó, Singer chuyển cho Meredith chi phiếu 400.000 USD. Cha mẹ Sherry Guo đã lần lượt chuyển cho Singer 1,2 triệu USD, 900 ngàn USD trong số đó được chuyển vào tài khoản của một tổ chức phi doanh lợi do Singer lập ra để rửa tiền. Năm 2018, Sherry Guo được nhận vào học tại Đại học Yale với sở trường thể thao.

Đại học Nam California (USC), trường có nhiều sinh viên dính vào đường dây chạy điểm
Đại học Nam California (USC), trường có nhiều sinh viên dính vào đường dây chạy điểm

Huấn luyện viên đội bóng nữ Meredith cũng đã nhận tội. Luật sư James Spertus bảo vệ cho Sherry Guo nói cha mẹ cô không biết số tiền 1,2 triệu của họ đã được dùng để hối lộ cho Meredith và bản thân cô gái cũng không hề biết gì về quá trình tuyển sinh của Đại học Yale.

Một phụ huynh người Trung Quốc khác đã chi tới 6,5 triệu USD cho William Singer nhưng chưa được nêu tên, vụ việc còn đang được điều tra. Điều kỳ là mặc dù vụ việc của Sherry Guo đã được làm rõ nhưng cả cảnh sát, công tố viên và luật sư đều từ chối tiết lộ tên tuổi và nghề nghiệp của phụ huynh cô.