Kỳ 1: Thật, giả lẫn lộn
BĐS Đà Nẵng đang chứng kiến những hiện tượng được xem là chưa từng có, giá đất sốt liên tục dựa vào thông tin triển khai các dự án trọng điểm. Dự án Xây dựng Cảng Liên Chiểu, xây dựng Trung tâm hành chính (TTHC) quận Hải Châu mới,... là những "cú hích" khiến BĐS tăng giá. Và không chỉ vậy, trong những cú hích thật, đã bắt đầu xuất hiện những thông tin giả mạo khiến thị trường biến động bất thường.
Những “cú hích” thật
“Cú hích” đầu tiên có thể kể đến đó là chủ trương thu hồi diện tích hơn 3,7ha đất đã được cấp cho Trung tâm Biểu diễn xiếc và nghệ thuật tổng hợp quốc gia tại Công viên Thanh Niên (đường Cách Mạng Tháng 8, quận Hải Châu) để xây dựng TTHC mới của quận Hải Châu từ quý 2/2017. Dù chủ trương được công bố từ năm 2017, nhưng với những diễn biến trong thời gian sau đó đã “kích” thị trường BĐS Đà Nẵng đi lên. Cụ thể và rõ nhất là thị trường đất nền khu vực Nam Hòa Xuân, khu vực thị trường gần nhất với vị trí xây dựng TTHC quận Hải Châu mới này đã trở nên sôi động vào giai đoạn cuối năm 2017 và kéo dài mãi đến giữa đầu năm 2018.
Vị trí xây dựng TTHC quận Hải Châu nằm ngay cửa ngõ của “chợ đầu mối đất nền” - khu vực phía Nam cầu Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) - đã góp phần đẩy giá trị đất nền tại Hòa Xuân và “kéo” quận vùng ven Cẩm Lệ lại gần hơn với đất “quận nhất” - Hải Châu.
Một loạt các sàn giao dịch BĐS đưa tin, dân môi giới truyền tai nhau, cứ như vậy khiến giá đất không chỉ khu vực phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) tăng mạnh mà đất nền khu vực Nam Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), kéo dài đến cầu Trung Lương, đến Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) tăng giá đến chóng mặt.
Những lô đất mới toanh, hạ tầng chỉ mới cấp phối, đất nền còn là những hố sâu chưa san lấp của khu đô thị bên kia cầu Trung Lương đã nhanh chóng tăng giá từ 20-30% chỉ trong vài tuần lễ. Một lô đất có giá thị trường ở mức 600 - 800 triệu đồng đã nhanh chóng tăng lên từ 1,2-1,5 tỷ đồng/lô. Thậm chí, đỉnh điểm có lúc đã lên đến gần 2 tỷ đồng.
Những dự án trọng điểm tại khu vực cảng Liên Chiểu-phía bắc TP Đà Nẵng đang thúc đẩy thị thị trường BĐS Đà Nẵng sôi động
|
“Tôi còn nhớ, thời điểm đó, cứ thả ra là hết. Người ta tranh nhau mua, giá khu vực Trung Lương thời điểm ấy chỉ vài trăm triệu/lô nên ai ít thì 1-2 lô, nhiều thì 5-7 lô. Thậm chí có nhiều người máu mặt đất cát Đà Nẵng ôm cả mười mấy hai mươi lô. Và sau khi có thông tin dự án TTHC quận Hải Châu dời về đầu cầu Hòa Xuân thì đất tăng mạnh từ 20-30% chỉ sau 1 đêm. Và chỉ trong vòng 6 tháng, đất ở đây đã lên gấp đôi”- anh L. một môi giới giấu tên tại khu vực này cho biết.
“Hiện tại giá đất nền tại khu vực Nam Hòa Xuân, cầu Trung Lương đã lên rất cao và đang đi ngang, nhưng dự án TTHC quận Hải Châu cho đến nay thì vẫn chưa thấy đâu cũng đủ để thấy sức mạnh của thông tin này như thế nào. Người vui sướng cũng nhiều, mà dỡ khóc dỡ cười cũng không hiếm”- anh H.cho biết thêm.
Tiếp đó là thông tin khởi động Dự án khu tổ hợp công trình phục vụ Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng tại khu dân cư nam Trần Thị Lý (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn). Với Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỷ lệ 1/500, cụm dự án này đã nhanh chóng đẩy giá BĐS tại khu vực này cũng như khu vực lân cận lên vùng giá mới.
“Ngay sau khi Quyết định được phê duyệt và công bố chủ đầu tư, giá đất quanh nhà tôi lên chóng mặt. Tôi còn nhớ thời điểm đó, ngày nào cũng có thông tin tìm mua đất tại đây được đưa ra, giá thì lên từng ngày. Các lô đất trống tại khu vực đường Mỹ An 6, Mỹ An 8, Phan Hành Sơn, Chương Dương, An Dương Vương, thậm chí xa hơn như Hoài Thanh, Mỹ An 1,… lên giá từ gấp rưỡi đến gấp đôi. Hiện tại lên hơn 4 tỷ đồng/lô mà hỏi không ra, trong khi trước đó chỉ hơn 2 tỷ đồng/lô”- anh Thanh T., người dân tại khu vực cho biết.
Theo phê duyệt, tại khu vực này sẽ có 4 cao ốc căn hộ khách sạn (condotel) và thương mại dịch vụ, nhất 42 tầng và cao nhất 53 tầng, với tổng mức đầu tư lên đến cả nghìn tỷ đồng. Giống như thông tin xây dựng trụ sở TTHC quận Hải Châu, sau khi chủ đầu tư quay dựng hàng rào tại các khu đất này thì giá đất tại khu vực này, cả khu đô thị Nam Việt Á (quận Ngũ Hành Sơn) và xa hơn là khu vực cuối tuyến Trần Hưng Đạo, cầu Tuyên Sơn, và cả phía bên kia Hòa Xuân được đẩy giá lên cao.
Mới nhất, dịch về phía Bắc TP Đà Nẵng, khi chủ trương triển khai xây dựng Dự án Cảng biển Liên Chiểu (quận Liên Chiểu) được công bố cuối năm 2017 đã khiến giá BĐS tại khu vực này tăng mạnh.
Nhiều môi giới và sàn BĐS thông tin mua hết đất tại các dự án khu vực Tây Bắc Đà Nẵng như Golden Hill, Phương Trang, khu dân cư Nguyễn Sinh Sắc,… nếu khách hàng “thả ra” cũng cho thấy sức mạnh đến từ chủ trương này. “Không làm gì cho bằng buôn đất, chỉ mới năm ngoái, 1 lô đất tại khu vực chỉ giá tầm hơn 1 tỷ đồng, nhưng từ khi có thông tin xây dựng Cảng biển Liên Chiểu, giá đất đã tăng từng ngày, và đến nay đã ngót nghét trên 3 tỷ đồng/lô”- anh Văn Trương, một người dân tại khu vực cho hay.
Theo các nhà đầu tư, việc triển khai các dự án còn trải qua khá nhiều thủ tục và khá lâu mới có thể hình thành, nhưng đã khiến thị trường BĐS dịch chuyển cũng là một quy luật. “Dự án chưa thấy đâu, khi nào hoàn thành thì chưa rõ, nhưng giá đất tại khu vực thì cứ vậy mà tăng là thực tế. Đó là xu hướng nhưng tất cả cần cẩn trọng xem xét đâu là đầu tư dài hạn, đâu là lướt sóng” – một nhà đầu tư đất nền chia sẻ.
Giả cũng không thiếu
Bên cạnh những thông tin chính thống đem lại những biến động tích cực đối với thị trường thì cũng cần nhìn thẳng vào sự thật liên quan đến tình trạng thao túng, thổi phồng, đánh lận thông tin hòng trục lợi trong năm qua.
Có lẽ sự kiện sốt đất bất thường tại khu vực Hòa Liên (quận Liên Chiểu) là một hiện tượng chưa từng có ở Đà Nẵng.
Chỉ trong 1 tuần lễ, các diễn biến thị trường tại đây trở nên “bùng nổ” khi tin đồn các Nhà máy thép gây ô nhiễm bị di dời và nhường đất cho quy hoạch khu dân cư được tung ra. Thông tin khiến giá đất lên hàng giờ, tình trạng "bẻ cọc" liên tiếp xảy ra cùng những lời nài nỉ của môi giới chấp nhận bù cọc cho người bán và trả thêm lãi hàng trăm triệu/lô, miễn là được mua lại lô đất nền,... diễn ra liên tiếp.
Hiện trường cơn sốt đất Hòa Liên được xem là chưa từng có đối với thị trường BĐS Đà Nẵng trong thời gian qua chỉ từ tin đồn
|
Môi giới, người mua là vậy, còn dân địa phương thì bàng hoàng, khi chứng kiến dòng người từ các nơi đổ về, xe cộ rồng rắn đến Hòa Liên để mua đất bất chấp hàng loạt bài báo cảnh tỉnh được đăng tải. Nhưng trong cơn lốc, những giao dịch tiền tỷ vẫn liên tiếp diễn ra nhanh chóng và chóng vánh bên những ly cà phê vỉa hè. Người mua nhiều, môi giới tung tin tốt khiến giá đất nền cũng theo đó mà nhảy múa lên cao.
“Chưa từng có sự kiện nào như vậy, dòng người ồ ạt đổ về, xe người kẹt cứng, kéo dài hàng cây số. Cưới xin, ma chay gì cũng bị trễ nải vì kẹt đường. Rồi đến nay thì im lìm cũng cho thấy đây rõ ràng là chiêu thổi giá mà người mua toàn ở đâu, chứ dân địa phương thì không có mấy”- anh Văn Tuân (trú thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên) nói.
Cũng với kịch bản của sự việc ở Hòa Liên, gần nhất là việc các môi giới tung văn bản giả mạo công văn của UBND TP Đà Nẵng về việc xây dựng cầu Bùi Tá Hán nối liền quận Ngũ Hành Sơn với quận Cẩm Lệ khiến thị trường đất nền khu vực Nam Hòa Xuân “lên cơn” cũng được xem là “chiêu trò” thổi giá của một nhóm môi giới.
Chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, nhưng văn bản giả này đã làm thị trường đất nền tại khu vực này "sốt xình xịch". “Chỉ trong 1 đêm, 1 lô đất đã tăng giá đến gần 400 triệu đồng là không thể, ấy vậy mà chuyện đó đã xảy ra. Nhiều người đã nhanh chóng chốt hạ kiếm lời, nhưng cũng có không ít người mua giá cao đang ngậm đắng chờ tăng giá trở lại” - anh Toàn, một môi giới chia sẻ.
Văn bản giả mạo liên quan đến dự án xây dựng cầu Bùi Tá Hán khiến thị trường đất nền tại Hòa Xuân "lên cơn"
|
Và cũng không khác mấy so với vụ sốt đất ở Hòa Liên, cơn sốt đất tại khu vực quanh dự án cầu Bùi Tá Hán nhanh chóng trở lại vị trí ban đầu ngay khi thông tin về việc xây dựng cầu Bùi Tá Hán được công bố giả mạo, cơ quan chức năng vào cuộc nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận điều tra.
Kỳ 2 - Được mất và hệ lụy khó lường