Từ đầu năm 2015 tới nay, Chủ tịch T&T Group Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) thể hiện mong muốn đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cảng Quảng Ninh, sân bay Phú Quốc, ga Hà Nội, bệnh viện Giao thông vận tải…
Trong khi các thương vụ trên đều không có thông tin cụ thể thì bầu Hiển đã “âm thầm” chốt xong việc trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty Rau quả Nông sản – Vegetexco. Theo đó, 2 công ty do bầu Hiển làm chủ tịch là T&T Group và Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) sẽ trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 50%. Một công ty ít nhiều liên quan đến BSH là Art Export cũng mua 10% cổ phần.
Với mức giá tối thiểu là 10.051 đồng/cp thì ba công ty sẽ phải bỏ ra ít nhất là 430 tỷ. Vậy điều gì ở Vegetexco hấp dẫn bầu Hiển đến vậy?
Vegetexco là công ty 100% vốn Nhà nước, hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu rau quả, nông sản, tổng hợp, đồng thời sản xuất và chế biến nông sản. Các sản phẩm của Vegetexco bao gồm hạt giống các loại rau củ quả, hoa, gia vị, đồ đông lạnh, sản phẩm chế biến sẵn…. Nổi bật nhất trong các sản phẩm của Vegetexco là điều nhân. Tính theo đơn vị sản phẩm này, sản lượng sản xuất 6 tháng đầu năm 2015 của công ty đạt 361 tấn. Năm 2014, sản lượng quy điều của Vegetexco đạt 650 tấn, giảm 20,5% so với năm 2013.
Kết quả kinh doanh khiêm tốn
Quan sát lợi nhuận và quy mô tài sản của công ty mẹ Vegetexco những năm gần đây, có thể thấy sự tăng trưởng không thực sự rõ rệt. Biến động trồi sụt của lợi nhuận không tạo nên sức hấp dẫn đáng kể cho Vegetexco.
6 tháng đầu năm 2015, Vegetexco lãi ròng 19,6 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Sau nhiều năm không ghi nhận, cuối tháng 6 năm nay, Vegetexco chính thức có số dư lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 19,7 tỷ đồng, là toàn bộ lợi nhuận có được trong nửa đầu năm 2015.
Theo đánh giá lại, tổng giá trị doanh nghiệp của Vegetexco tại thời điểm cuối năm 2013 là 815,6 tỷ đồng. Sau khi trừ số nợ thực tế phải trả, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 713,18 tỷ đồng. Đó là nguồn gốc con số vốn điều lệ 713 tỷ đồng của Vegetexco khi tiến hành cổ phần hóa.
Biến động LNST, Tổng tài sản của Vegetexco (đơn vị: Tỷ đồng)
Cũng lưu ý, khoản tiền thuê đất tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Phường Bình Hưng Hòa B, Quận Tân Bình, Tp.HCM có diện tích 11 nghìn m2, thời hạn thuê đến năm 2053 đã trả tiền thuê 1 lần, giá trị thuê đất đối với thời gian còn lại trong 40 năm là 14,7 tỷ đồng chưa tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Tài sản này do vậy vẫn hoàn toàn thuộc về Nhà nước và do Nhà nước toàn quyền quyết định, không phải là tài sản chuyển sang công ty cổ phần.
Dù kết quả kinh doanh không mấy đặc sặc thì Vegetexco vẫn có điểm hấp dẫn đó là việc nhà nước sẽ thoái toàn bộ vốn sau cổ phần hóa. Bên cạnh 60% cổ phần bán cho nhà đầu chiến lược, Vegetexco thực hiện đấu giá công khai 38,8% cổ phần, phần còn lại bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên.
Với tỷ lệ sở hữu lên tới 60%, nhóm nhà đầu tư chiến lược sẽ nắm quyền quyết định đối với toàn bộ hoạt động của Vegetexco sau khi hoàn tất cổ phần hóa.
Đất đai và các dự án bất động sản trong tương lai
Một trong các vấn đề tồn tại mà Vegetexco đang cần tiếp tục giải quyết là việc hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ về đất đai và tài sản gắn liền với đất tại các cơ sở Nhà đất của Tổng công ty.
Theo phương án sử dụng đất, Vegetexco tiếp tục quản lý và sử dụng các địa điểm đất theo hình thức thuê đất, trả tiền hàng năm đối với 9 mảnh đất thuộc 4 tỉnh thành trên cả nước. Ngoài mảnh đất 11.000 m2 tại Tp.HCM vẫn được tính thuộc sở hữu Nhà nước, còn lại tổng diện tích 9 mảnh đất lên tới 160.000 m2.
Với vai trò cổ đông chiến lược, T&T và BSH được kỳ vọng sẽ tiếp sức cho hoạt động kinh doanh chính của Vegetexco là giống, rau, thực phẩm, hoa.
Quỹ đất hiện có của Vegetexco
Đáng lưu ý là kế hoạch doanh thu từ văn phòng năm 2015 được đặt ra 160 tỷ đồng, các năm tiếp theo dự kiến tăng trưởng từ 10 – 12% mỗi năm, trong đó dự kiến nửa cuối năm 2016 sẽ đưa công trình khách sạn tại 58 Lý Thái Tổ vào hoạt động. Được biết, dự án nâng cấp cải tạo trụ sở 58 Lý Thái Tổ thành khách sạn tương đương 3 sao đã được duyệt và đang triển khai thực hiện.
Rõ ràng, rẽ bước sang mảng kinh doanh khách sạn là một hoạt động tương đối lạ lẫm, và được trông đợi nhiều ở Vegetexco. So sánh con số 160 tỷ đồng doanh thu từ mảng này với 302 tỷ đồng doanh thu bán hàng năm 2014, có thể thấy tầm quan trọng của hoạt động mới mẻ này đối với Vegetexco.
Bên cạnh đó là 2 dự án đầu tư mới trên 2 lô đất tại Phạm Ngọc Thạch và Hoàng Mai (Hà Nội). Dự kiến công ty sẽ xây dựng tòa nhà hỗn hợp bao gồm trung tâm thương mại văn phòng cho thuê với quy mô 9 tầng tại Phạm Ngọc Thạch và xây dựng chung cư Cầu Tiên 15 tầng tại Hoàng Mai.
Trong xu hướng các tập đoàn tư nhân đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, việc đầu tư vào Vegetexco có thể giúp bầu Hiển thâm nhập vào lĩnh vực giàu tiềm năng này. Bên cạnh đó, với thế mạnh về tài chính, bất động sản của bầu Hiển, Vegetexco sẽ không đơn thuần là một doanh nghiệp kinh doanh nông sản nữa. Các dự án bất động sản đã, đang và sẽ được triển khai, rất có thể, mới là sức hút đích thực tại Vegetexco.
Theo Trí thức trẻ