Bầu Hiển thâu tóm “đất vàng” giá bèo?

Các công ty có liên quan đến Bầu Hiển rất tích cực tham gia mua cổ phần chi phối nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cổ phần hoá, thoái vốn. Đích ngắm phải chăng là quỹ đất đai rộng lớn, có vị trí đắc địa tại thành phố lớn, hứa hẹn đem lại những khoản lợi nhuận “kếch xù”?
Đích ngắm của Bầu Hiển khi ráo riết thâu tóm các DNNN phải chăng là quỹ đất vàng rộng lớn?

Quá trình cổ phần hoá DNNN đã và đang tạo ra cơ hội cho các ông chủ tư nhân đặt chân dễ dàng và nắm quyền lực chi phối tại DN. Nổi tiếng ở lĩnh vực kinh doanh bóng đá và ngân hàng, ông Đỗ Quang Hiển (thường gọi là Bầu Hiển) – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội, Chủ tịch công ty T&T Group – gần đây đặc biệt gây chú ý khi thực hiện hàng loạt thương vụ thâu tóm “chóng vánh” những DNNN được cổ phần hoá, thoái vốn.

Đại gia BĐS cũng “choáng”

Mới đây, công ty mẹ – Tổng công ty Vật tư Nông Nghiệp (Vigecam) thông báo ngày 19/7 tới đây sẽ tiến hành bán đấu giá lần đầu (IPO) hơn 6,35 triệu cổ phần, chiếm 28,87% vốn điều lệ. Mức giá khởi điểm cũng khá thấp, chỉ 10.100 đồng/CP.

Được biết, Vigecam hiện có vốn điều lệ 220 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước sẽ thoái gần như toàn bộ vốn lên tới 98,87% vốn cho nhà đầu tư bên ngoài.

Đây là cơ hội hiếm có cho các nhà đầu tư có thể sở hữu, thâu tóm DNNN lớn trong ngành nông nghiệp này. Đặc biệt, Vigecam sẽ bán tới 70% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược ngay sau phiên IPO. Với giá chào bán 10.100 đồng, nhà đầu tư chiến lược cần bỏ ra tối thiểu khoảng 1.555 tỷ đồng để nắm quyền chi phối DN này.

Nhiều năm qua, Vigecam hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ triền miên, đơn cử, công ty báo lỗ tới 59,7 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2015. Lỗ luỹ kế đến hết tháng 6/2015 là 57,6 tỷ đồng, nếu khắc phục được thì hết năm 2015 vẫn còn lỗ 1,5 tỷ đồng. Vigecam cũng phải gánh công nợ khó đòi 61,7 tỷ đồng.

Dù làm ăn bết bát song Vigecam hiện quản lý, sử dụng quỹ đất thuê của Nhà nước với tổng diện tích 114.794m2. Trong đó, có 6 khu đất rộng lớn tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng.

Đáng chú ý, khu đất 23.000m2 tại quận Đống Đa (Hà Nội) là dự án khu vui chơi giải trí, đang được chuyển đổi chủ đầu tư… Quỹ đất đai này được xem là “miếng bánh màu mỡ” nhất mà các đại gia bất động sản nhòm ngó, muốn thâu tóm từ lâu mà chưa có cơ hội.

Cùng thời điểm IPO, Vigecam cũng đã hé lộ danh tính hai công ty được phê duyệt mua cổ phần chiến lược, gồm: tổng công ty rau quả, nông sản – CTCP (Vegetexco) mua 45% và công ty CP Bảo hiểm Hàng không (VNAinsurance) mua 25%. Ngoài ra, còn có công ty CP Cảng Quảng Ninh đăng ký mua nhưng đã bị loại vì không đủ điều kiện.

Cả ba công ty muốn mua cổ phần Vigecam đều là công ty con của T&T Group, có quỹ đất đai rộng lớn và được thâu tóm thông qua con đường mua cổ phần nhà nước thoái vốn trước đây. Cụ thể, hai công ty của Bầu Hiển gồm T&T Group và Bảo hiểm Sài Gòn- Hà Nội nắm 50% vốn điều lệ Vegetexco.

Tháng 4/2015, T&T Group cũng thâu tóm xong 98% cổ phần của Cảng Quảng Ninh từ tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines). Từ đây, tập đoàn này đã đưa người vào nắm quyền tại DN, tiếp tục quản lý khai thác vài chục hecta kho bãi, nhà xưởng nằm dọc tuyến cảng biển mà tương lai rất có thể trở thành “khu đô thị cảng biển”.

Chi nghìn tỷ thâu tóm DN

Tốc độ thâu tóm DNNN một cách “nhanh – gọn” của bầu Hiển khiến giới đầu tư cũng phải “ngả mũ kính nể”. Lâu nay, các DNNN thực hiện cổ phần hoá rất chậm chạp, có nhiều vướng mắc, tranh chấp phức tạp khiến nhiều nhà đầu tư dè chừng, lấn cấn vì tốn nhiều công sức theo đuổi trường kỳ…

Thế nhưng, từ năm 2015 đến nay, các thương mua vụ cổ phần DNNN của T&T Group diễn ra rất nhanh chóng, suôn sẻ đến mức giới đầu tư cũng ngạc nhiên vì sao ông bầu bóng đá lại có thể “một đập ăn quan” tại các DNNN lớn đầu ngành như vậy.

Thực tế, T&T Group đã và đang thực hiện hàng loạt thương vụ thâu tóm DNNN lớn, như: Bệnh viện Giao thông Vận tải (nắm 51,43% vốn điều lệ), Bia Việt Hà, Cảng Quảng Ninh, Vegetexco, Vigecam, tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor)…

Trong đó, Vinafor có vốn điều lệ lên tới 3.500 tỷ đồng, đã tiến hành IPO lần đầu thành công 6,95% cổ phần hôm 21/4/2016. Công ty này cũng đang quản lý quỹ đất lên tới 43.500 ha tại nhiều tỉnh thành lớn.

T&T Group cũng xin mua 140 triệu cổ phần chiến lược, chiếm 40% vốn điều lệ. Căn cứ theo giá đấu bình quân khi IPO là 10.114 đồng/CP, T&T Group dự chi ra 1.416 tỷ đồng để sở hữu chi phối 40% vốn tại Vinafor.

Giai đoạn 2015-2016, bầu Hiển đã và sẽ phải chi ra hàng nghìn tỷ đồng cho những thương vụ thâu tóm DNNN, cụ thể, Vinafor (chi tối thiểu 1.416 tỷ đồng), Vigecam (chi 1.555 tỷ đồng), Vegetexco (chi 430 tỷ đồng), Bệnh viện GTVT (chia 119 tỷ đồng), Cảng Quảng Ninh (chi tối thiểu 490 tỷ đồng)…

Tổng số tiền chi mua cổ phần DNNN nêu trên lên tới hơn 4.000 tỷ đồng, vượt số vốn điều lệ của T&T Group (năm 2015 tăng vốn đạt 3.000 tỷ đồng). Câu hỏi đặt ra là, bầu Hiển và T&T Group đã huy động vốn ở đâu để có tiền thâu tóm hàng loạt DNNN lớn vừa qua?

Không chỉ mua nhanh, bầu Hiển còn mua cổ phần DN với giá khá bèo, chỉ nhỉnh hơn mệnh giá 10.000 đồng/CP. Do các DNNN làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, nợ lớn… nên giá trị doanh nghiệp được định giá khá thấp so với tiềm năng, lợi thế, tài sản vốn có. Vì thế, giá cổ phần khi chào bán cũng được định giá khá thấp, khiến cho giá trúng đấu giá khi IPO và giá bán cho nhà đầu tư khá “bèo”.

Theo TBKD 

Theo TBKD