Đây là một trong những cam kết của ông Đỗ Quang Hiển, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn T&T trong đơn gửi Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị được tham gia đầu tư chiến lược vào Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
“T&T sẽ duy trì sử dụng lao động hiện có, cải thiện thu nhập; nâng cao chất lượng các dịch vụ để phục vụ hành khách tốt hơn”, ông Hiển tiết lộ.Ông Hiển cam kết sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng sân bay này nhằm đảm bảo giao thương thuận lợi, là đầu mối vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa khu vực phía Nam với trong nước và quốc tế; không chuyển nhượng tài sản/quyền khai thác trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp phép.
Hai phương án đầu tư vào sân bay Phú Quốc mà bầu Hiển đề xuất là: mua toàn bộ tài sản sân bay hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động.
Như vậy, T&T là nhà đầu tiên chính thức công khai ý định đầu tư vào Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sau khi Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - ACV xây dựng phương án chuyển nhượng quyền khai thác cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Trong phần tự giới thiệu, ông Hiển cho biết sau 20 năm hoạt động, T&T đã trở thành tập đoàn đa quốc gia với mức vốn điều lệ đạt 2.500 tỷ đồng, hệ thống hoạt động gồm 9 công ty thành viên, 4 coomg ty liên kết và nổi bật là là cổ đông chiến lược của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) – một trong 6 ngân hàng TMCP có quy mô lớn nhất Việt Nam. NGoài ra, ông Đỗ Quang Hiển thường được gọi Bầu Hiển khi nắm đội bóng T&T Hà Nội.
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc chính thức đi vào hoạt động, thay thế sân bay cũ tại thị trấn Dương Đông từ tháng 12/2012 với nhà ga được xây dựng hiện đại, có công suất hơn 2,6 triệu hành khách/năm, có thể tiếp nhận được tàu bay thân rộng loại Boeing 747- 400 và tương đương. Ngoài các đường bay nội địa, Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất đang khai thác đường bay quốc tế, chặng Phú Quốc – Singapore.
Được biết, ngoài T&T còn có ít nhất 2 nhà đầu tư khác cũng rất quan tâm tới cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, trong đó có 1 nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ muốn mua đứt luôn sân bay này.
Hiện Cục Hàng không Việt Nam (ACV) đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 83/2007/NĐ – CP về quản lý, khai thác cảng hàng không, theo hướng bổ sung quy định về nhượng quyền kinh doanh cảng hàng không, về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng chuyển nhượng của Bộ Giao thông - Vận tải trên nguyên tắc chỉ bán, cho thuê, nhượng quyền khai thác trong phạm vi những quyền ACV đang quản lý, khai thác.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu ACV trong tháng 4/2015 trình Bộ Đề án cổ phần hóa của Tổng công ty, nghiên cứu lộ trình trước mắt nhà nước giữ 75% vốn điều lệ sau đó giảm xuống 65% vốn điều lệ để thu hút nhà đầu tư.
ACV cũng được yêu cầu xây dựng ngay phương án chuyển nhượng quyền khai thác cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; xây dựng phương án thí điểm nhượng quyền khai thác thương mại sảnh E và nhà ga T1 của cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho các nhà đầu tư; phương án nhượng quyền khai thác sân bay Đà Nẵng (cũ) để phục vụ hàng không giá rẻ; ây dựng kế hoạch cụ thể để đầu tư làm mới, mở rộng một số hạng mục tại các cảng hàng không, sân bay dưới nhiều hình thức đầu tư như: liên doanh, BOT, PPP (mà trọng tâm ở cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh...).
DNNN khai khác cảng hàng không phải khẩn trương phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ danh mục các công trình, dự án hàng không kêu gọi đầu tư xã hội hóa (theo phương châm xã hội hóa từ khâu chuẩn bị đến khâu thực hiện đầu tư). Giao Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư tham mưu công bố.
Theo: baodautu