Bầu cử Đức: Chính phủ tiếp theo mềm mỏng hay cứng rắn với Trung Quốc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Kết quả bầu cử ở Đức đã dọn đường tới một giai đoạn mới khó đoán định, khi mà 2 nhân vật đang giành quyền kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel đều tuyên bố sẽ chiến thắng.
Vẫn chưa rõ ai sẽ là người kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel (Ảnh: AP)
Vẫn chưa rõ ai sẽ là người kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel (Ảnh: AP)

Trong khi liên minh CDU/CSU và đảng Dân chủ xã hội (SPD) đều đang tìm cách hình thành một liên minh trong cuộc đua giành quyền lực, nước Đức có thể sẽ trải qua vài tháng khó khăn.

Kết quả bầu cử sơ bộ cho thấy đảng SPD của Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz đã giành chiến thắng với 25,7% số phiếu, theo dữ liệu trên website của Ủy ban Bầu cử Đức. Liên minh CDU/CSU của Thủ tướng Merkel và ứng viên Armin Laschet của họ thu được 24,1% phiếu bầu, kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử 7 thập kỷ tồn tại của họ. Đảng Xanh đứng ở vị trí thứ 3 với 14,8%.

Ứng viên Scholz của SPD và Laschet của CDU/CSU đều tuyên bố rằng mình sẽ là người dẫn dắt chính phủ mới của Đức, điều này kích hoạt một cuộc chạy đua tranh giành các đối tác tiềm năng để thành lập liên minh.

Ông Laschet, 60 tuổi, và ông Scholz, 63 tuổi, đều tuyên bố rằng mục tiêu của họ là thành lập một chính phủ mới trước Giáng sinh năm nay.

Người dân “muốn có sự thay đổi trong chính phủ”, ông Scholz nói. Ứng viên này đã thực hiện một chiến dịch gần như hoàn thiện không tì vết, trong đó giúp mô tả ông như một “vòng tay an toàn”, trái ngược hẳn với chiến dịch tranh cử đầy những pha vạ miệng của ông Laschet.

Kết quả cuộc đua sát nút cùng đồng nghĩa với việc các vòng đàm phán thành lập liên minh sẽ diễn ra đầy “đau đớn” và có khả năng kéo theo cả các đảng nhỏ hơn như đảng Xanh và Dân chủ Tự do (FDP). Bà Merkel sẽ giữ chức vụ Thủ tướng tạm quyền cho đến khi một chính phủ mới được hình thành.

Tuy nhiên, lần đầu tiên trong vòng 16 năm, nước Đức sắp sửa có một nhà lãnh đạo mới. Việc bà Merkel ra đi sau hơn một thập kỷ đóng vai trò một tượng đài quyền lực trong chính trường châu Âu diễn ra ngay trong bối cảnh có sự thay đổi lớn về tình hình địa-chính trị.

Chính sách ngoại giao – bao gồm cả các vấn đề liên quan tới Trung Quốc – không được nhắc đến nhiều như các vấn đề trong nước trong chiến dịch tranh cử vừa qua ở Đức, nhưng việc bà Merkel thoái vị là lý do khiến Bắc Kinh lo ngại.

Trong suốt nhiệm kỳ của bà Merkel, quan hệ thương mại giữa Đức và Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và cho đến tận thời khắc cuối cùng của nhiệm kỳ, bà Merkel vẫn tiếp tục ủng hộ quan hệ hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh trong lĩnh vực thương mại.

Trong những năm gần đây, bà Merkel vẫn trụ vững trước sự phản kháng từ trong chính đảng của mình, cho rằng bà cần phải đưa ra quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh về những vấn đề như nhân quyền, cạnh tranh công nghệ và đe dọa kinh tế. Ngay cả Mỹ và nhiều nước ở châu Âu cũng coi cách tiếp cận của bà với Trung Quốc là lỗi thời.

Sau 3 nhiệm kỳ, bà Merkel vẫn có tỷ lệ tín nhiệm khá cao. Kết quả thăm dò của Gallup trong tuần qua cho thấy 71% người dân Đức ủng hộ bà trên cương vị Thủ tướng. Do sự vắng mặt của bà trong kỳ bầu cử này mà cuộc đua đã mở rộng phạm vi. Mặc dù chưa có một nhân vật kế nhiệm được nêu tên sau cuộc bầu cử tổ chức ngày 26/9, nhưng cử tri Đức sẽ quyết định thành phần của Quốc hội, và Quốc hội sau đó sẽ lựa chọn Thủ tướng.

Do kỳ bầu cử quá sít sao nên chính sách về Trung Quốc của Đức sẽ phụ thuộc vào một liên minh giữa 3 đảng (rất có khả năng) và cả người sẽ trở thành Thủ tướng.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Laschet liên tục thúc đẩy giữ nguyên trạng về chính sách đối với Trung Quốc, giống như thời Merkel. Ông Scholz, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính, thì không nói nhiều về Trung Quốc, nhưng các quan chức trong đảng SPD từng nói rằng không nên kỳ vọng có nhiều sự thay đổi nếu ông làm Thủ tướng.

Họ sẽ cần có sự ủng hộ của các đảng nhỏ hơn mới có thể thành lập một chính phủ liên minh, có nghĩa rằng đảng Xanh và FDP sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong chính quyền sắp tới của Đức. Trong số tất cả các đảng lớn, 2 đảng này là có quan điểm cứng rắn nhất đối với Trung Quốc.

Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Đức, không có một đảng nào được dự kiến giành trên 1/3 số phiếu bầu. Theo kết quả ở thời điểm hiện tại, có 4 nhóm có khả năng sẽ nắm giữ thế đa số trong Quốc hội.

Đó là các nhóm “đèn giao thông” – kết hợp giữa đảng SPD (đỏ), đảng Xanh (xanh) và FDP (vàng); nhóm “Jamaica” – kết hợp giữa liên minh CDU/CSU (đen), FDP và đảng Xanh; nhóm “đỏ-đỏ-xanh” – liên minh giữa SPD, đảng Xanh và đảng Cánh tả; và một nhóm lớn với sự kết hợp giữa CDU/CSU-SPD giống như chính phủ liên minh đã nắm quyền lực ở Đức kể từ năm 2013.

2 nhóm đầu được cho là có khả năng nhất, có nghĩa rằng đảng Xanh và FDP sẽ là người “kiến tạo nhà vua”. Cả hai đảng này đều muốn có sự thay đổi trong chính sách của nước Đức, từ chỗ ưu tiên kinh tế đơn thuần sang hướng tiếp cận thiên về nhân quyền hơn. Họ ủng hộ quan điểm cứng rắn hơn trước các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, Trung Quốc và vấn đề dân chủ Hong Kong.

Và kể cả quan điểm của ông Scholz và Laschet về Trung Quốc có như thế nào, thì đảng Xanh và FDP vẫn sẽ tìm kiếm các đồng minh có những phe phái ở SPD và CDU tin rằng cần phải cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Phát ngôn viên về chính sách ngoại giao của SPD, Nils Schmid, từng nói rằng: “Đối với bất cứ chính phủ nào trong tương lai ở nước Đức, họ sẽ không giữ hiện trạng như vậy. Bất kỳ vị Thủ tướng nào,, dù là liên minh mới nào cũng sẽ phải thay đổi thái độ với Trung Quốc, bởi Trung Quốc cũng đã thay đổi”.

Một số nhà phân tích cho rằng có sự đồng thuận chung trong các ngành công nghiệp, dịch vụ công, nhiều bộ ngành và cả cộng đồng tình báo ở Đức đều cho rằng cần hướng tiếp cận khác với Trung Quốc, và Thủ tướng mới khó có thể kháng cự được sự đồng tình đó.

Liên hiệp Các ngành Công nghiệp Đức là một ví dụ. Đây là một nhóm vận động hành lang có tiếng, vốn có quan điểm ủng hộ áp lệnh trừng phạt nhằm vào giới chức Trung Quốc – một ý tưởng mà chỉ cách đây vài năm khó có ai tin là có thể được đưa ra.

Mặc dù vậy, Trung Quốc cũng chỉ là một phần trong chính sách ngoại giao mà người Đức quan tâm, trong khi ưu tiên hàng đầu vẫn là chính sách về biến đổi khí hậu, và vấn đề tài chính.