|
Hàng Trung Quốc giá rẻ thao túng thị trường Việt Nam nhiều năm |
Khi TQ liên tục phá giá đồng NDT lên tới 4,6% thì hàng hóa của nước này vốn đã rẻ nay còn rẻ hơn rất nhiều.
Lại thêm tâm lý người VN hám rẻ khiến không ít chuyên gia cho rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với việc các mặt hàng TQ đang dần từng bước bức tử hàng VN. Nếu chúng ta không thay đổi, công nghệ vẫn cứ lạc hậu, mà người tiêu dùng lại hám rẻ xài hàng TQ… chúng ta vẫn sẽ là đàn chim nhạn xếp hàng trên bầu trời mà thôi.
Tiếp cận công nghệ các nước khác ngoài Trung Quốc
Cho đến nay, đồng NDT của TQ đâu đó mất khoảng hơn 3%. Còn VN, Ngân hàng Nhà nước đã rất linh hoạt khi điều chỉnh biên độ tỉ giá hai lần là 2% cùng với một lần điều chỉnh tỉ giá tổng cộng cũng ứng 3%.
Điều đó cho thấy về mặt chính ngạch trong tương quan con số thì sự điều chỉnh đồng NDT hay VNĐ là ngang nhau. Không có gì đáng sợ trước việc hàng hóa TQ rẻ sẽ tràn vào VN nhiều hơn vì lý do TQ phá giá tiền. Vậy về thương mại chính ngạch, chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi cạnh tranh công bằng của thị trường. Nhưng hàng lậu, hàng nhãn VN nhưng ruột TQ hiện nay rất nhiều đang đè bẹp doanh nghiệp (DN) nội địa.
Tổng thể có ba vấn đề chính cần đặt ra. Thứ nhất, VN xuất khẩu sang thị trường TQ thì ít nhưng nhập khẩu từ thị trường này lại nhiều. Vì thế khoảng cách giữa xuất và nhập “dư” ra ấy sẽ tác động lên thị trường nội địa, nhất là khi đồng NDT phá giá.
Thứ hai, ngoài xuất khẩu qua con đường chính ngạch thì các mặt hàng hóa chạy qua con đường tiểu ngạch, chúng ta chưa thống kê được số lượng. Hàng buôn lậu, hàng nhái, hàng dỏm… giá rẻ vẫn tràn ngập trên thị trường mà phần lớn là hàng tiêu dùng chưa kiểm soát được. Thế nên DN nội khó khăn khi cạnh tranh về giá với hàng TQ.
Thứ ba, để thoát khỏi hàng TQ chúng ta không chỉ giải quyết bằng vấn đề tỉ giá hối đoái mà đây là vấn đề thuộc về trình độ phát triển cơ cấu kinh tế.
Giải pháp ở đây, theo tôi là cần phải có sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ, trình độ quản lý sản xuất, chọn lọc nguồn nhân lực mà trong đó phải biết tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TTP. Và hướng tới việc tiếp cận công nghệ nguồn của Nhật, Đức, Mỹ, giảm nhập khẩu công nghệ từ TQ. Đấy mới là làm thay đổi được thứ tự của đàn chim nhạn trên trời… Còn nếu chúng ta không thay đổi, thích xài hàng giá rẻ, dùng công nghệ lạc hậu, chúng ta vẫn sẽ là đàn chim nhạn xếp hàng trên bầu trời mà thôi.
Thiết bị, nguyên phụ liệu của Trung Quốc tại triển lãm ngành dệt may. Ảnh: HTD
Trái cây Trung Quốc tại TP Châu Đốc, An Giang. Ảnh: HTD
Hàng thực phẩm Trung Quốc bày bán tại chợ Bình Tây, TP.HCM. Ảnh: HTD
Chuyển giao công nghệ còn quá xa vời
Chúng ta đôi khi cũng phải chấp nhận một thực tế mang tính quy luật. Lao động rẻ của TQ sẽ chuyển sang VN. Cũng giống như tại các TP lớn, sau thời gian giá cả đắt đỏ từ giá đất tăng, giá nhân công tăng… nên những công nghệ lao động rẻ hơn được chuyển về tỉnh lân cận. Còn ở các TP lớn thì buộc phải sử dụng công nghệ cao hơn.
Trước tình huống này mình phải đi bằng hai cách: Vừa đón đầu công nghệ dựa vào lợi thế lao động giá rẻ ấy nhưng vừa phải tranh thủ tận dụng để đón đầu nguồn công nghệ bậc cao từ Nhật, Mỹ, Đức… Song song đó phải đi đầu tư vào công nghệ phụ trợ. Chẳng hạn, muốn sản xuất ô tô trước tiên chúng ta phải sản xuất được phụ tùng ô tô. Muốn sản xuất được điện thoại, ta phải sản xuất được linh kiện điện thoại cái đã rồi mới bàn đến việc sản xuất điện thoại.
Nếu sử dụng công nghệ Đức, Mỹ hay Nhật thì giá rất cao và điều này làm giá thành hàng hóa đội lên. Nói một cách công bằng, đúng là có nghịch lý công nghệ của Mỹ hay các nước châu Âu có giá cao, nếu DN Việt mua về sản xuất hàng hóa cạnh tranh không nổi. Còn nếu nghiên cứu công nghệ giá rẻ thì chúng ta chưa làm được.
Nhưng TQ vốn là một thị trường quá năng động và phát triển công nghệ rất nhanh. Bất cứ công nghệ mới nào trên thế giới vừa ra đời, TQ cũng nhanh chóng chuyển giao biến thành của họ được. Nhưng còn VN thì hoàn toàn không như vậy, việc chuyển giao công nghệ với VN vẫn còn là điều quá xa vời. Tuy nhiên, nếu không bước thì không bao giờ đến đích. Nên ngoài việc phải đi bằng hai cách thì Chính phủ cần phải có chính sách phát triển công nghệ phụ trợ. DN phải có quỹ để thúc đẩy công nghệ phát triển. Hệ thống đào tạo nguồn nhân lực VN phải đào tạo tiếp cận thực tiễn với công nghệ. Nhưng cũng xin lưu ý rằng TQ họ cũng giống như ta, họ là những con chim nhạn đang bay trên bầu trời.
Từ nhiều năm nay chúng ta đã nhắc nhiều đến việc phải phát triển ngành công nghiệp phụ trợ… chứ chưa phải đến tận bây giờ. Chúng ta đã có những giải pháp và cả chính sách để “thoát Trung” về mặt thị trường nhưng không hiệu quả cho tới nay. Ví dụ ngành sản xuất ô tô của Nhật, tất cả phụ tùng của ô tô đều được sản xuất từ TQ. Đến điện thoại Samsung, Apple… mọi linh kiện đều sản xuất ở TQ. Điều đó cho thấy nền công nghiệp phụ trợ của TQ khá cao trong khi chẳng có gì làm ở VN.
TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính ngân hàng:
Nhập khẩu trang thiết bị Trung Quốc nhiều hơn cả hàng tiêu dùng
Đứng trước nguy cơ hàng TQ vừa rẻ vừa tốt tràn sang VN, mà điều đáng nói ở đây là thực tế hàng tiêu dùng đến từ TQ chưa hẳn đã nhiều bằng những mặt hàng điện tử, máy móc trang thiết bị. Việc nhìn thấy cái lợi trước mắt là hàng rẻ, rất rẻ, mua bán quá dễ dàng… mà DN đổ xô vào vì lợi nhuận nếu không khéo thì trở thành gậy ông đập lưng ông. Thế nên bản thân các DN phải thấy rõ những tác hại quá lớn ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước.
TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:
Phải cảnh báo doanh nghiệp Việt đừng hám rẻ lao đầu vào mua công nghệ lạc hậu
Việc phá giá đồng NDT trong ngắn hạn, người tiêu dùng được lợi khi chúng ta sẽ được hưởng thụ hàng hóa giá rẻ và DN sản xuất được lợi vì đầu vào rẻ. Nhưng về dài hạn, từ xưa tới nay VN nhập khẩu rất nhiều từ TQ. Trong khi đó nền kinh tế TQ trong tương lai dự kiến là xu hướng xấu đi và đang có dấu hiệu bất ổn. Khi chúng ta gia tăng nhập khẩu là tăng lệ thuộc vì thị trường này, giá ngày một rẻ nghĩa là chúng ta vì ham rẻ mà ôm lấy tức là ôm lấy cái bất ổn.
Chuyện TQ di chuyển cơ cấu là đến lúc họ phải làm. Và một khi muốn vươn lên cái mới thì phải thoát khỏi cái cũ, hoặc là phá hủy chôn cái cũ đi, hoặc bán rẻ di dời nó đi nơi khác đó là chuyện bình thường của chuyển dịch cơ cấu. VN tham rẻ thì mua cũng có thể có lời vì mua được với giá cực rẻ. Vấn đề là nếu ông đang muốn đi vào con đường công nghệ bậc cao thì không thể mua công nghệ cũ, lạc hậu được. Vậy nên chúng ta không nên đổ vấy cho TQ phá giá đồng NDT hay tại sao hàng giá rẻ mạt… Mà cần cảnh báo cho DN Việt đừng hám rẻ mà đi mua máy cũ, công nghệ cũ thì coi như là được cái lợi là rẻ nhưng lại mất đi vài chục năm phát triển. Nếu mua nhà máy xi măng công nghệ cũ là việc của ta, ta không mua thì thôi. TQ có quyền bán, quyền mua là của mình.
Cho đến nay nhìn lại nền công nghiệp trong nước trình độ thấp, tỉ lệ % công nghệ cao ngành chế biến thấp, hàng tiêu dùng có tới 80% là nhập từ TQ hoặc là nhập khẩu nguyên liệu từ TQ. Vậy nên muốn thay đổi cần định hướng chiến lược dài hạn ở tầm quốc gia, tái cơ cấu căn bản mới làm được.
TS NGUYỄN TÚ ANH, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:
Doanh nghiệp Việt Nam thiếu tính liên kết
Chúng ta đã có nhiều chính sách, như phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng kết nối DN trong nước với DN FDI,… Tuy nhiên, các chính sách này hiện nay vẫn chưa có được kết quả đáng kể. Nguyên nhân cơ bản đó là các DN VN chủ yếu là sản xuất quy mô nhỏ và thiếu tính liên kết, do đó hầu như chúng ta không thể cạnh tranh được với các DN từ TQ sản xuất với quy mô lớn, tính liên kết cao và linh hoạt trong việc thay đổi mẫu mã kiểu dáng. DN VN phải cạnh tranh được với các DN từ TQ đang hiện hữu trong chuỗi cung ứng giá trị đa quốc gia. Một nguyên nhân khác nữa là các DN VN trong thời gian dài chưa tập trung nhiều vào đầu tư sản xuất ra sản phẩm cụ thể mà chủ yếu tập trung vào các hoạt động có khả năng quay vòng vốn nhanh như thương mại và đầu cơ. Do đó năng lực sản xuất của các DN VN là khá yếu so với các đối thủ từ TQ.
Về lâu dài, chúng ta cần phải tăng cường khai thác được thị trường nội địa của TQ, tức là cần trở thành nhà xuất khẩu sản phẩm cuối cùng vào TQ chứ không chỉ xuất sang các nước khác. Điều này đặc biệt quan trọng khi TQ đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào đầu tư sang mô hình dựa vào tiêu dùng. Các hãng khác tận dụng được lợi thế của VN và TQ thì các DN từ TQ và VN cũng có thể tận dụng lợi thế này. TQ tiếp tục cung cấp đầu vào cho VN và VN làm ra thành phẩm để xuất sang TQ. Khi quy mô của việc sản xuất thành phẩm tăng lên (ví dụ như Samsung hiện nay) thì nhu cầu về hàng đầu vào tăng, sẽ là điều kiện quan trọng để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại VN. Khi chưa có quy mô sản xuất hàng đầu vào lớn thì công nghiệp hỗ trợ vẫn còn thiếu điều kiện để phát triển.
Ông NGUYỄN VI KHẢI, Viện Nghiên cứu những vấn đề phát triển (VIDS), nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng:
Không ít công nghệ lạc hậu của Trung Quốc tuồn sang Việt Nam như một bãi thải
Tôi cho rằng ôm lấy TQ không chỉ là ôm lấy bất ổn, mà còn là một hiểm họa khôn lường. VN cạnh TQ nên nếu TQ có bất ổn, chắc chắn VN không thể không “chia sẻ”
Cần lưu ý nguy cơ kép tụt hậu và phụ thuộc kinh tế. Điển hình là dự án đường sắt trên cao ở Cát Linh - Hà Đông tại Hà Nội. VN không thể không mua đầu tàu của TQ... Dự án chậm tiến độ hàng năm trời gây ách tắc, tai nạn giao thông... Chúng ta chỉ có thể “kêu gọi” và chờ đợi... Tính phụ thuộc này còn nguy hiểm ở chỗ không ít công trình dự án trong sản xuất, thương mại xuất nhập khẩu. Chúng ta phụ thuộc vào cả nguyên liệu, nhiên liệu, công nghệ. Thực tế không ít công nghệ lạc hậu của TQ đã được tuồn sang VN như một bãi thải thuận tiện nhất của TQ.
Ở góc độ triết lý phát triển, tôi cho rằng tổng kết 30 năm đổi mới, 40 năm thống nhất đất nước… kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Chúng ta bị động, phụ thuộc trước tình hình TQ biến động nhiều mặt, ảnh hưởng không nhỏ cho khu vực và VN. Để đứng vững trước các biến động bất ổn của TQ, cần phải khơi dậy nội lực của 90 triệu dân VN. 30 năm, 40 năm nhiều nước đã cất cánh với thu nhập đầu người lên tới hàng chục ngàn USD nhưng VN mới chỉ đạt khoảng 2.000 USD. Chúng ta không chỉ so sánh với chính mình cách đây 40 năm thời bao cấp nếu không sẽ lệch lạc về phương pháp luận khi “định vị” chỗ đứng - điểm xuất phát của VN.
Theo PLTP