|
Cảnh nham nhở tại Dự án 131 Thái Hà gây mất mỹ quan đô thị tại trung tâm Hà Nội |
Chây ỳ hoàn thiện
Được khởi công từ năm 2009 tại vị trí đắc địa ngay trung tâm quận Đống Đa, dự kiến hoàn thành năm 2011, Dự án Tổ hợp 198B Tây Sơn của chủ đầu tư Công ty TNHH Liên doanh Đầu tư tài chính Hòa Bình được kỳ vọng sẽ trở thành tổ hợp siêu thị văn phòng cho thuê cao cấp bậc nhất ở của ngõ phía Tây Thủ đô. Thế nhưng, nhưng sau 7 năm triển khai, tòa tháp mới xây xong thô rồi bị bỏ hoang từ 2 năm nay.
Bị chậm tiến độ và bỏ hoang quá lâu, năm 2015, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản yêu cầu thu hồi hoặc chuyển chủ đầu tư với dự án này. Tuy nhiên, 1 năm sau kiến nghị của Thành phố, Dự án 198B Tây Sơn vẫn chưa bị thu hồi hay chuyển chủ đầu tư và tiếp tục bị bỏ hoang.
Tại Hà Nội, những dự án bị chậm tiến độ, bị kiến nghị thu hồi, hoặc chuyển chủ đầu tư như Dự án tổ hợp 198B Tây Sơn không phải là hiếm. Trong danh sách các dự án bị TP. Hà Nội kiến nghị thu hồi, chuyển chủ đầu tư còn có Dự án 131 Thái Hà.
Dự án này được triển khai từ năm 2005, với thiết kế được duyệt ban đầu gồm 16 tầng. Năm 2010, sau 5 năm triển khai, dự án mới xây thô đến tầng thứ 14 và bị ngừng thi công từ đó đến nay. Giữa năm 2015, Hà Nội kiến nghị thu hồi hoặc chuyển chủ đầu tư dự án 131 Thái Hà cho đơn vị khác tiếp tục triển khai, vì dự án chậm tiến độ, gây mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, cũng giống như Dự án 198B Tây Sơn, dự án dở dang tại 131 Thái Hà vẫn không bị thu hồi, hay chuyển chủ để hoàn thiện. Thay vào đó, chủ đầu tư tiến hành cải tạo cho thuê mặt bằng tầng 1 làm siêu thị, đồng thời cải tạo sử dụng tạm bợ các tầng 4 - 7, khiến dự án càng trở nên nham nhở.
Khách hàng chịu thiệt
Trong số các dự án từng bị Hà Nội kiến nghị thu hồi hoặc chuyển chủ đầu tư trong năm 2015, Dự án Sky Garden (Định Công, quận Hoàng Mai) là dự án gây bức xúc nhất cho khách hàng. Bởi chủ đầu tư dự án này từng huy động vốn từ nhiều khách hàng trước khi chính thức khởi công.
Năm 2011, dự án này được triển khai và bán hàng rầm rộ. Tuy nhiên, khi mới xây đến tầng 8 trên tổng số 28 tầng, thì dự án bị dừng thi công. Việc dự án bị dừng thi công đột ngột, trong khi đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư “mất tích”, khiến hàng trăm khách hàng đã đóng hàng tỷ đồng cho chủ đầu tư đứng ngồi không yên.
Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và cải thiện bộ mặt mỹ quan đô thị, năm 2015, UBND TP. Hà Nội đã kiến nghị thu hồi hoặc chuyển chủ đầu tư Dự án Sky Garden, nhưng cũng tương tự các dự án trên, dự án này hiện vẫn “án binh bất động”.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, đơn vị từng phân phối bán căn hộ tại Dự án Sky Garden cho biết, đây là dự án đầu tiên và duy nhất từ trước đến nay, Đất Xanh Miền Bắc bán hàng bị dính bê bối, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.
Theo ông Quyết, Dự án Sky Garden có giấy tờ pháp lý đảm bảo, có vị trí tốt, nên nếu Hà Nội tiến hành thu hồi và chuyển chủ đầu tư, sẽ có nhiều doanh nghiệp muốn tiếp tục triển khai dự án. Vấn đề hiện nay, theo ông Quyết, có thể là do cơ chế, khiến việc thu hồi, chuyển chủ đầu tư chưa thể thực hiện được.
Về cơ chế này, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một đại diện Tổng cục Đất đai (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cho biết, theo Luật Đất đai 2013, các dự án chậm tiến độ sẽ được gia hạn thêm 24 tháng. Trong thời gian gia hạn, nếu doanh nghiệp không triển khai được dự án, cũng không tự thanh lý được tài sản, Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi dự án mà không phải bồi thường thiệt hại, hay bồi thường tài sản gắn liền với đất cho doanh nghiệp.
Như vậy, phải sau ít nhất 1 năm nữa, nếu các dự án bị kiến nghị thu hồi trên không tiếp tục được triển khai, Hà Nội mới đủ cơ sở để thu hồi, chuyển chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, một khó khăn mới có thể phát sinh là trong thời gian này, nếu các doanh nghiệp tiếp tục xin điều chỉnh quy hoạch để xin gia hạn dự án, việc thu hồi dự án sẽ kéo dài hơn. Chẳng hạn như tại dự án 131 Thái Hà, thời gian qua, doanh nghiệp đã xin tăng thêm tầng. Việc xin thay đổi quy mô dự án kéo dài, khiến việc thu hồi dự án này trong tương lại khó có thể thực hiện.
Theo ĐTCK