Bất hạnh của Google không bao giờ đến một mình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một bên là cuộc điều tra chống độc quyền của Liên minh Châu Âu đối với hoạt động kinh doanh quảng cáo, một bên là vụ kiện theo dõi người dùng ở chế độ ẩn danh. Điều gì đang xảy ra với Google?
Chế độ ẩn danh của Google Chrome không hề riêng tư như bạn tưởng. Ảnh: iStock
Chế độ ẩn danh của Google Chrome không hề riêng tư như bạn tưởng. Ảnh: iStock

EU: Cuộc điều tra quy mô lớn về hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google

Theo Bloomberg News, ngày 12/3, Ủy viên Ủy ban Cạnh tranh Liên minh châu Âu, Margrethe Vestager, cho biết hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google sẽ phải đối mặt với một "cuộc điều tra quy mô lớn". Cuộc điều tra này có thể sẽ kéo dài đến mười năm.

Điều đáng chú ý là cuộc điều tra của Margrethe Vestager về "hệ sinh thái quảng cáo của Google" chỉ là một trong chuỗi các cuộc điều tra của Liên minh châu Âu đối với hàng loạt công ty công nghệ. Đơn cử là cuộc điều tra về Apple App Store và hệ thống thanh toán, thị trường Facebook và Điều tra dữ liệu, Amazon bị cáo buộc kiểm soát dữ liệu người bán.

Ủy viên Ủy ban Cạnh tranh Liên minh châu Âu Margrethe Vestager.
Ủy viên Ủy ban Cạnh tranh Liên minh châu Âu Margrethe Vestager.

Margrethe Vestager cho biết, đối với Ủy ban châu Âu, các công ty công nghệ luôn là tâm điểm điều tra.

Đồng thời, Margrethe Vestager cũng tuyên bố sẽ tận dụng tối đa mọi công cụ và thực hiện các hành động chống độc quyền cần thiết để đảm bảo rằng công bằng thị trường.

Vào tháng 1/2021, Liên minh châu Âu bắt đầu thu thập thông tin về các hoạt động của Google trong "chuỗi giá trị công nghệ quảng cáo" dựa trên các bảng câu hỏi được gửi đến các nhà xuất bản và công ty quảng cáo.

Đánh giá từ tuyên bố mới nhất của Margrethe Vestager, cuộc điều tra chống lại Google vẫn tiếp tục và phạm vi xem xét đã được mở rộng. Về vấn đề này, Google vẫn chưa đưa ra bình luận.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Google bị EU điều tra chống độc quyền, thậm chí trong các cuộc điều tra trước đó, Google đã 3 lần nhận án phạt tài chính của EU.

Lần thứ nhất, vào tháng 6/2017, Liên minh châu Âu phán quyết Google Mua sắm (Google Shopping) đã lạm dụng độc quyền tìm kiếm trên Internet để quảng cáo dịch vụ mua sắm trực tuyến và đưa ra khoản phạt lên tới 2,42 tỉ euro.

Lần thứ hai, vào tháng 7/2018, để đối phó với vụ kiện chống độc quyền Android, Liên minh Châu Âu đã tuyên bố phạt kỷ lục 4,34 tỉ euro đối với Google. Đồng thời, họ yêu cầu Google ngừng ràng buộc trình duyệt Chrome và ứng dụng tìm kiếm vào Android, cho phép các nhà sản xuất phát triển hệ thống của riêng họ.

Lần thứ ba, vào ngày 20/3/2019, Liên minh châu Âu đã phạt Google 1,49 tỉ euro vì cạnh tranh không lành mạnh với các đối thủ cùng lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.

Google bị cáo buộc theo dõi người dùng ngay khi người dùng chế độ ẩn danh và yêu cầu rút đơn kiện không thành

Ngoài việc bị Liên minh Châu Âu điều tra, Google cũng đang phải đối mặt với một vụ kiện tập thể do bị người dùng cáo buộc sử dụng các công cụ như Google Analytics, Google Ad Manager và plugin trang web để theo dõi và thu thập thông tin cá nhân của người dùng.

Google đã yêu cầu hủy bỏ các cáo buộc, nhưng yêu cầu này đã bị tòa án bác bỏ và vụ việc hiện sẽ được xét xử tại Tòa án thông qua một quy trình thông thường.

Vụ kiện tập thể này mà Google phải đối mặt đã được đệ trình vào tháng 6/2020. Vào thời điểm đó, một số người dùng đã cáo buộc Google có "hoạt động kinh doanh theo dõi dữ liệu tràn lan". Thậm chí, sau khi người dùng sử dụng các biện pháp để bảo vệ dữ liệu, chẳng hạn như sử dụng chế độ duyệt web ẩn danh thì cũng khó tránh khỏi.

Một số người dùng đã khởi xướng vụ kiện tập thể. Đơn khiếu nại cho biết: “Google biết bạn bè của bạn là ai, sở thích của bạn là gì, bạn thích ăn gì, bạn xem phim gì, bạn thích mua sắm ở đâu và khi nào, điểm đến trong kỳ nghỉ yêu thích của bạn, màu sắc yêu thích và thậm chí là nơi thân thiết nhất... những thứ có thể khiến bạn bối rối khi duyệt web trên internet - bất kể bạn có làm theo lời khuyên của Google để giữ các hoạt động của mình 'riêng tư' hay không.”

Chế độ ẩn danh của Google Chrome không hề riêng tư như bạn tưởng.

Chế độ ẩn danh của Google Chrome không hề riêng tư như bạn tưởng.

Tuy nhiên, Google không đồng ý với cáo buộc này và tìm cách bác bỏ vụ việc.

Google lập luận rằng, chế độ bảo mật của trình duyệt không có nghĩa là người dùng có thể "vô hình". Trong thời gian sử dụng chế độ duyệt web ẩn danh thì hoạt động của người dùng trong phiên đó có thể hiển thị với các trang web họ truy cập và bất kỳ dịch vụ phân tích hoặc quảng cáo nào của bên thứ ba mà các trang web đã truy cập sử dụng.

Nói cách khác, Google cho rằng chế độ duyệt web ẩn danh của Chrome chủ yếu phép người dùng lựa chọn duyệt Internet mà không lưu hoạt động vào trình duyệt hoặc thiết bị của họ, nhưng không có nghĩa là hành vi của người dùng sẽ không bị các trang web khác kết nối với thiết bị theo dõi.

Tòa án không chấp nhận lý do bào chữa của Google. Lucy Koh - Thẩm phán Quận San Jose, California - tuyên bố trong phán quyết: "Tòa án kết luận rằng Google đã không thông báo cho người dùng Google tham gia vào việc thu thập dữ liệu khi người dùng đang ở chế độ duyệt web riêng tư."

Kết quả là Google đã thất bại trong việc rút đơn kiện. Bước tiếp theo là quy trình xét xử thông thường và chấp nhận xét xử của tòa án.

Nhìn vào hai sự việc cùng nhau, cho dù đó là cuộc điều tra chống độc quyền từ Liên minh Châu Âu hay một vụ kiện tập thể từ người dùng, những vụ việc thực tế này đang cảnh báo Google. Sức mạnh của "gã khổng lồ" công nghệ không chỉ nằm ở quy mô, mà còn nằm ở trách nhiệm.

Theo Zhihu