|
Chủ đầu tư các dự án bất động sản xung quanh sân bay Long Thành đang rất hy vọng vào cơ hội mà dự án xây dựng sân bay mang lại |
Theo chủ trương được Quốc hội thông qua, sân bay Long Thành có diện tích lên đến 5.000 ha, tổng vốn đầu tư khoảng hơn 16 tỉ USD. Những ngày qua, ở các xã Long An, Suối Trầu, Bình Sơn (thuộc H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai), không khí mua bán nhà đất khá sôi động. Trên các hàng rào, cột điện dọc nhiều tuyến đường treo nhan nhản tờ quảng cáo, băng rôn, tờ rơi rao bán nhà đất.
Giá đất tăng
Ông Trần Đức Phương, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Nam Tiến - một trong những doanh nghiệp triển khai rất nhiều dự án tại Long Thành thời gian qua, cho biết số lượng khách đến tham quan dự án tăng đột biến, mỗi ngày công ty đón khoảng 100 khách. “Từ đầu năm đến nay tôi mở bán dự án ở khu sân bay Long Thành khoảng 250 nền nhưng bán mãi không hết. Nhưng từ khi thông qua chủ trương đầu tư sân bay, số lượng sản phẩm bán ra tăng vọt. Hiện công ty đã bán gần hết số nền đất, giá cũng tăng từ 500.000 - 1 triệu đồng/m2”, ông Phương nói.
Giám đốc một công ty khác cho biết đang tăng tốc thực hiện các thủ tục dự án hơn 1.000 nền đất để “đón đầu”, dự kiến chậm nhất 2 - 3 tháng nữa sẽ mở bán sản phẩm. “Hiện khách Hà Nội và TP.HCM đến tìm mua đất ở đây khá nhiều. Đa phần đều kỳ vọng sẽ kiếm lời nhờ ăn theo sân bay. Người dân địa phương cũng xẻ ra bán với giá một nền 100 m2 khoảng 200 - 250 triệu đồng”, ông này cho biết.
“Cú hích sân bay” cũng lan đến H.Nhơn Trạch (Đồng Nai), thậm chí cả khu vực Q.9 (TP.HCM). Công ty chứng khoán FPT nhận định sự xuất hiện của dự án sân bay Long Thành đang giúp thị trường bất động sản Đồng Nai chuyển biến tích cực hơn. Nếu như trước đây, các sản phẩm trên địa bàn Đồng Nai chủ yếu là bất động sản công nghiệp và đất nền thì giờ đây đã thuận lợi hơn để phát triển nhiều loại hình kinh doanh như khu đô thị, khu dân cư, resort, trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp, golf… Một số dự án tại các huyện, thị của Đồng Nai gần TP.HCM và Bình Dương, như Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Biên Hòa, Thống Nhất… cũng bắt đầu bung hàng đón đầu cơ hội.
Tuy nhiên, ông Vương Khắc Huy, chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán FPT, lưu ý: “Sân bay Long Thành hiện mới chỉ được thông qua về mặt chủ trương, phải mất ít nhất vài năm nữa cơ sở hạ tầng xung quanh như đường sá, các dự án hay dịch vụ vệ tinh… mới hình thành. Trong thời gian đó, nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng có thể biến động khó lường, nhà đầu tư nên cân nhắc vấn đề này trước khi quyết định đầu tư vào khu vực này. Với các nhà đầu tư chứng khoán đang hướng sự chú ý vào các công ty bất động sản có dự án ở khu vực sân bay, cần đánh giá kỹ sức khỏe tài chính của từng doanh nghiệp, cân nhắc tác động của từng dự án trong tổng thể hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó trước khi ra quyết định giải ngân vào cổ phiếu nào”.
Cơ hội cho nhà thầu trong nước
Ông Nguyễn Minh Xuân, Tổng giám đốc Công ty CP kim khí TP.HCM, nhận định sân bay Long Thành là dự án rất lớn, sử dụng nhiều vật liệu, trong đó có lượng lớn thép, sẽ thúc đẩy tăng nguồn cầu, tác động vào sản xuất. Đây là cơ hội tốt cho các công ty sản xuất thép trong nước.
Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, cũng khẳng định Hòa Phát chắc chắn tham gia cuộc đua để cung ứng thép xây dựng sân bay Long Thành. “Nếu trúng thầu, Hòa Phát sẽ sản xuất thép ở Hải Dương rồi vận chuyển qua đường biển vào. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có thể sử dụng tổng kho ở Bình Dương để cung ứng thép cho dự án”, ông Dương nói. Tương tự, ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty xi măng VN (Vicem), khẳng định Vicem đủ khả năng cung ứng các loại xi măng cho các công trình, kể cả dự án sân bay Long Thành.
Các doanh nghiệp xây lắp cũng đang ráo riết chuẩn bị để đón cơ hội đến từ dự án “khủng” này. Theo ông Nguyễn Thiêm, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng VN, thông thường một dự án lớn như vậy sẽ được chia ra rất nhiều, hàng mấy trăm gói thầu. Như hệ thống đường băng, nhà ga, các trung tâm khai thác, dịch vụ. Ngay trong một nhà ga cũng có hàng trăm gói thầu như: làm móng, cọc, xây dựng, mái, điện, hệ thống lạnh...
Nếu chia nhỏ các gói thầu ra với giá trị mỗi gói khoảng 50 triệu USD thì các nhà thầu trong nước hoàn toàn đủ khả năng thực hiện. Ông Thiêm dẫn chứng dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất dù nhà thầu Nhật làm nhưng vẫn phải thuê lại các nhà thầu trong nước làm hết. Hay nhà ga T1, T2 ở Hà Nội, đường băng các sân bay ở các địa phương... cũng do các nhà thầu trong nước thi công.
Nên để nhà thầu Việt Nam làm tổng thầu
Theo ông Dương Văn Cận, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu VN, những dự án lớn như sân bay Long Thành sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế, theo quy định, nhà thầu nước ngoài sẽ phải liên danh với nhà thầu trong nước mới được trúng thầu. Ở nước ta, hiện có không ít nhà thầu đủ uy tín, vốn, kinh nghiệm sẵn sàng tham gia cùng với nhà thầu nước ngoài. Đặc biệt là ở các gói thầu về hạ tầng nền móng, bê tông, kết cấu thép... “Tuy nhiên, việc tham gia xây dựng sân bay ở mức độ nào của các nhà thầu trong nước còn phụ thuộc nhiều vào cách chia gói thầu của chủ đầu tư. Không thể chia các gói thầu quá nhỏ theo kiểu băm nát nhưng cũng không nên chia thành các gói lớn quá, năng lực nhà thầu nội khó đáp ứng. Còn ý kiến riêng của tôi là nên để cho nhà thầu VN làm tổng thầu, để từ đó thuê lại các nhà thầu ngoại triển khai thi công, như vậy mới là nâng cao chủ quyền của người Việt”, ông Cận nói.
Theo TN