Bắt đáy hậu Brexit - Canh bạc rủi ro

Sau khi kết quả trưng cầu dân ý cho thấy nước Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), thị trường tài chính toàn cầu bắt đầu rơi vào hoảng loạn. Cổ phiếu toàn cầu rớt giá mạnh đã thúc đẩy một lượng không nhỏ nhà đầu tư “bắt đáy hậu Brexit”.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Lý lẽ bắt đáy

Lý lẽ của giới đầu tư thực hiện bắt đáy chủ yếu là thị trường rớt mạnh tạo ra cơ hội mua vào với giá rẻ. Họ cho rằng, phản ứng tiêu cực với tin xấu đã tạm xong, thị trường sẽ quay đầu trở lại, ít nhất là trong ngắn hạn. Tin xấu xong thì tin tốt phải tới!

Trên kênh CNBC (Mỹ), một số nhà phân tích cho rằng, các chính phủ Nhật Bản, Anh, thậm chí cả Mỹ sẵn sàng can thiệp vào thị trường để tránh nguy cơ khủng hoảng. Ngoài ra, ở nước Anh, nhiều người bắt đầu nói tới khả năng nước này có thể không cần phải tuân thủ kết quả trưng cầu dân ý, hoặc sẽ tiến hành trưng cầu dân ý lần 2.

Giới bắt dao rơi hy vọng, Brexit sẽ chỉ có tác động nhất thời. Bất ổn có thể còn đó, nhưng giới đầu tư quốc tế sẽ bình tĩnh lại và chờ đợi diễn biến hậu Brexit.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, diễn biến phiên chiều 24/6 cũng cho thấy động thái bắt đáy khi VN-Index đóng cửa chỉ giảm 1,82% so với mức giảm thấp nhất trong phiên là 5,55%. Phiên đầu tuần này (27/6), VN-Index cuối phiên tăng 0,08%, trong khi trong phiên có lúc giảm trên 2%. 

Tin xấu có thể còn nhiều, nhà đầu tư có thể chưa bán xong

Đây là kịch bản mà người viết e ngại có thể xảy ra. Brexit không phải là một sự kiện có tính nhất thời và đơn giản như sự kiện sai sót về hệ thống khiến thị trường chứng khoán Mỹ rơi tự do rồi bật lại nhanh. Brexit là một sự kiện phức tạp mà phần đông giới đầu tư chưa hiểu hết (bởi vì chính ở nơi xảy ra sự kiện đó, người dân lẫn giới chính trị gia tỏ ra lúng túng với những biến đổi khó lường hậu Brexit). Nói như một số nhà kinh doanh tiền tệ, những vị thế đầu tư vào sự tăng giá của đồng Bảng Anh có thể chưa thanh lý xong sau ngày 24/6. Lệnh bán có thể sẽ còn tiếp tục.

"Brexit là một sự kiện phức tạp mà phần đông giới đầu tư chưa hiểu hết".

Đáng chú ý, trả lời CNBC, một số nhà phân tích nêu lên một khả năng mà giới học thuật sẽ tán thành, đó là tin xấu có tính dắt dây. Một tổng kết có tính thống kê của giới nghiên cứu tài chính và truyền thông cho thấy, khi một tin xấu lớn xuất hiện, nó thường kéo theo một loạt thông tin xấu khác xuất hiện trong thời gian ngắn, với cường độ lớn và tít báo của giới truyền thông thường là tiêu cực. Về mặt thực tế, một bộ phận giới đầu tư tin rằng, khi châu Âu đưa ra các tuyên bố tiếp theo về Brexit, phần lớn sẽ là tin xấu. Thị trường chứng khoán vì vậy có thể tiếp tục giảm điểm.

Người viết e ngại rằng, khả năng xảy ra điều này là không nhỏ. Dự kiến, các chính trị gia EU sẽ đưa ra nhiều tuyên bố mới về cách mà họ hy vọng giải quyết với Anh trong vấn đề về di dân, quyền tiếp cận thị trường và điều kiện để đàm phán. Ở giai đoạn đầu của tiến trình này, dự báo EU sẽ đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ và bất lợi với Anh. Sự cứng rắn đó sẽ được thị trường diễn giải theo hướng tiêu cực, vì nó đồng nghĩa là những bất ổn sẽ kéo dài vì nước Anh khó có thể chấp nhận thế yếu.

Bắt đáy hậu Brexit - Canh bạc rủi ro ảnh 1

Xét về tổng thể, tác động của việc mạnh tay dứt áo với EU của Anh sẽ tác động xấu đến đa số nước thành viên đang có nền kinh tế trên bờ vực suy thoái hay tái khủng hoảng hơn là Anh. Quan điểm hai bên càng cứng rắn thì thương thảo càng kéo dài và bất ổn càng lớn. Nhà đầu tư sẽ chuyển dòng tiền từ cổ phiếu sang các kênh an toàn như vàng, trái phiếu chính phủ, đồng Yên Nhật.

Hiệu ứng tháo chạy vào các kênh an toàn đồng nghĩa là cổ phiếu sẽ không được ưa chuộng cho đến khi tình hình bất ổn dịu bớt. Diễn biến trên thị trường giao sau cho thấy, nhiều nhà đầu tư chưa hết lo sợ và đang dự đoán, xu thế rớt giá dài hạn có thể mới chỉ bắt đầu. Chỉ số giao sau của S&P 500 cho tháng 9 và tháng 12 năm nay (phản ánh phần nào dự đoán của giới đầu tư về tình hình 3 tháng và 6 tháng tới) đều rớt mạnh và mức thấp nhất đã xuống dưới mốc 2.000 điểm. Một ngày trước sự kiện Brexit, các chỉ số này hướng tới những mốc trên 2.100 điểm. Ở Mỹ là nơi xa tâm chấn Brexit mà còn vậy, thì châu Âu và Anh có lẽ không cần phải nói tới.

Đáng ngại hơn, tỷ suất sinh lợi trái phiếu Chính phủ Đức đã rớt xuống mức âm, nghĩa là giới đầu tư chấp nhận trả tiền để được cho Chính phủ Đức vay nhằm đảm bảo an toàn. Giới giao dịch trái phiếu đang lo ngại, nếu lợi suất của trái phiếu Đức tiếp tục giảm (tức giá trái phiếu tăng), thì giới đầu tư sẽ tăng mua trái phiếu Chính phủ Đức và bán trái phiếu những nước khác, đẩy lợi suất trái phiếu các nước khác lên. Với lợi suất trái phiếu Hy Lạp và Bồ Đào Nha đang lần lượt là 8,31% và 3,30%, lợi suất này tăng nữa thì mối lo về khủng hoảng nợ châu Âu sẽ bùng phát vì các chính phủ này khó có thể chịu nổi mặt bằng lãi suất cao hơn.

Đây là điển hình của một dạng tin xấu tiềm ẩn có thể bất ngờ xuất hiện trong bối cảnh Brexit. Còn rất nhiều loại tin xấu tiềm ẩn và không thể lường trước kiểu như vậy. Vì thế, giới đầu tư bắt dao rơi có vẻ đang đặt cược vào một canh bạc đầy rủi ro.

Theo Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh

ĐTCK