Trong khuôn khổ họp báo công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 725 về chứng thực bản sao điện tử từ bản chính và một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia quý II/2020 do Văn phòng Chính phủ tổ chức, đại diện Cục CSGT cho biết, sau khi thí điểm nộp phạt trực tuyến tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Bình Thuận từ tháng 3/2020 thì bắt đầu từ hôm nay (1/7), việc nộp phạt theo hình thức này sẽ được áp dụng trong toàn quốc, thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG).
Theo đó, sau 7 ngày kể từ khi nhận quyết định xử phạt, người dân truy cập vào Cổng DVCQG (theo địa chỉ dichvucong.gov.vn) để nhập số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ và tên,… sẽ tìm ra quyết định, số tiền bị xử phạt. Sau đó, người dân thực hiện các bước thanh toán qua ngân hàng/trung tâm thanh toán, nhận biên lai. Căn cứ vào biên lai thu tiền phạt, CSGT sẽ trả giấy tờ cho người dân qua bưu điện mà người dân không phải đến các kho bạc, ngân hàng nộp tiền và đến trụ sở công an lấy lại giấy tờ.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, thời gian qua, số lượng người tra cứu để thực hiện nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này tương đối lớn với khoảng 16.000 lượt. CSGT đã cung cấp gần 11.000 dữ liệu về các trường hợp vi phạm hành chính để phục vụ tra cứu, nộp phạt trực tuyến.
Tuy nhiên, số lượng thực hiện nộp phạt vi phạm còn thấp do nhiều nguyên nhân như: Phạm vi thực hiện thí điểm còn hẹp, cơ sở hạ tầng của các đơn vị thực hiện dịch vụ còn hạn chế, tâm lý, thói quen của người dân còn e ngại khi thực hiện theo hình thức trực tuyến…
Do đó, để nâng cao chất lượng phục vụ, từ 1/7, việc nộp phạt trực tuyến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông trực tuyến sẽ được mở rộng phạm vi thực hiện trên toàn quốc đối với thẩm quyền xử phạt của thanh tra giao thông, của chỉ huy cấp đội trở lên thuộc phòng CSGT công an các địa phương và các đơn vị thuộc Cục CSGT (Bộ Công an).
Được biết, hiện CSGT đã nhập vào phần mềm khoảng 65% tổng số các biên bản vi phạm. Dự kiến đến hết năm nay sẽ triển khai đồng bộ, 100% biên bản và quyết định xử phạt của CSGT phải thực hiện trên phần mềm.