|
Ảnh: Nikkei Asia |
Các lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thung lũng Silicon đã đến thăm Bắc Kinh từ đầu năm nay, sau khi quốc gia này kết thúc các biện pháp kiểm soát COVID-19 và Trung Quốc dần mở cửa trở lại. Những căng thẳng giữa chính quyền Mỹ và Trung Quốc cũng không thể ngăn cản việc các lãnh đạo doanh nghiệp này tới Trung Quốc.
Vào tháng 6, ông Bill Gates, người đồng sáng lập tập đoàn công nghệ khổng lồ Microsoft của Hoa Kỳ, đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón tại Bắc Kinh – một ngoại lệ gần như chưa từng có đối với một nhà lãnh đạo doanh nghiệp. "Ông là người bạn Mỹ đầu tiên mà tôi gặp trong năm nay", Chủ tịch Trung Quốc nói với tỉ phú người Mỹ.
Cuối tháng 5, Elon Musk, đồng sáng lập công ty dẫn đầu về xe điện Tesla, cũng đã đến thăm Trung Quốc. Doanh nhân nổi tiếng này đã gặp gỡ các quan chức chính phủ Trung Quốc tại Bắc Kinh và sau đó đi thăm nhà máy Thượng Hải của Tesla. Vào tháng 4, Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger cũng đã đến thăm Bắc Kinh và gặp gỡ các quan chức Trung Quốc.
Vào tháng 3, ông Tim Cook, CEO của Apple và ông Cristiano Amon, CEO của Qualcomm, đã tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc được tổ chức tại Bắc Kinh, do chính phủ Trung Quốc tài trợ, cùng với các giám đốc điều hành từ các công ty toàn cầu khác. “Apple và Trung Quốc… cùng nhau phát triển và vì vậy đây là một mối quan hệ cộng sinh”, ông Cook nói trong chuyến đi đầu tiên tới Trung Quốc kể từ sau khi nước này đóng cửa vì Covid-19.
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã rơi vào khủng hoảng trong một thời gian ngắn sau vụ Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc vào tháng 2, nhưng ngay cả điều này cũng không thể làm xấu đi mối quan hệ của họ với các công ty công nghệ Mỹ. Vào tháng 6, sau chuyến thăm của ông Gates, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến Bắc Kinh để đàm phán nhằm làm dịu bớt tình hình căng thẳng hiện tại, tiếp theo là Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen vào tháng 7.
Sự chú ý của các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đối với Trung Quốc chứng tỏ tầm quan trọng thiết yếu của quốc gia này đối với một số công ty lớn nhất thế giới. “Câu hỏi lớn mà các giám đốc cấp cao phải đối mặt là làm thế nào để doanh nghiệp có thể phù hợp với nền kinh tế mới của Trung Quốc, nơi mà địa chính trị luôn ở vị trí hàng đầu và trung tâm”, Abishur Prakash, Giám đốc điều hành của The Geopolitan Business, một công ty tư vấn có trụ sở tại Toronto, cho biết.
"Thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên khó tiếp cận hơn và đây là lý do các giám đốc điều hành tới Trung Quốc để gặp gỡ các quan chức chính phủ, đánh giá xem môi trường hoạt động sẽ thay đổi như thế nào", ông Abishur Prakash nhận định.
Trong khi Mỹ thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao, thì các công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hàng nhập khẩu công nghệ của Trung Quốc và thị trường tỉ dân này.
Hoa Kỳ khó tách khỏi Trung Quốc
Năm 2018, Washington bắt đầu dần tách khỏi Trung Quốc dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump, áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu và đầu tư nhằm giảm khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ tiên tiến của Mỹ.
Washington đặc biệt muốn ngăn chặn dòng chảy công nghệ có thể được chuyển hướng sang sử dụng quân sự và giảm sự phụ thuộc quá mức vào chuỗi cung ứng đặt tại Trung Quốc.
Nhưng 5 năm sau, một phân tích dữ liệu tài chính của Nikkei Asia cho thấy các công ty công nghệ Mỹ vẫn chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc để đạt được phần lớn doanh số bán hàng của họ: Phân tích, sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu QUICK-FactSet, cho thấy 17 trong số 100 công ty quốc tế bán hàng ở Trung Quốc trong những năm gần đây đều là các doanh nghiệp công nghệ Mỹ.
Trong khi đó, sự phụ thuộc vào Trung Quốc, được đo bằng tỷ lệ doanh số hàng năm, đã tăng hoặc hầu như không thay đổi kể từ năm 2018 đối với nhiều thương hiệu công nghệ hàng đầu, chẳng hạn như Apple và Tesla. Ngay cả các công ty trong lĩnh vực bán dẫn, vốn là mục tiêu cụ thể của chính phủ Hoa Kỳ và gần đây là cả Trung Quốc, cũng nhận thấy rất ít thay đổi trong phần doanh thu của họ được tạo ra ở Trung Quốc.
Nhiều công ty quốc tế không tiết lộ doanh thu tại Trung Quốc của họ. QUICK-FactSet ước tính nó từ các báo cáo hàng năm và các hồ sơ khác, sau đó sử dụng "thuật toán ước tính dựa trên trọng số tổng sản phẩm quốc nội và logic kế toán".
Rất khó để nói liệu Trung Quốc có phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ nhiều hơn các công ty công nghệ của Mỹ phụ thuộc vào thị trường và chuỗi cung ứng của Trung Quốc hay không. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, sự phụ thuộc của cả 2 bên đều không giảm kể từ những quyết định mang tính bước ngoặt của chính quyền Donald Trump vào năm 2018.
Thị trường “không thể thiếu”
Apple, công ty có giá trị nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường ở mức 3 nghìn tỉ USD, là công ty toàn cầu kiếm được nhiều doanh thu nhất ở Trung Quốc vào năm 2022, gần 70 tỉ USD, theo QUICK-FactSet. Qualcomm, một công ty chip lớn của Hoa Kỳ, phụ thuộc vào Trung Quốc với hơn 60% doanh số bán hàng. Tesla phụ thuộc vào Trung Quốc với hơn 20% doanh số bán hàng.
Tám trong số các công ty phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc để bán hàng thuộc lĩnh vực bán dẫn. Bất chấp áp lực chính trị gia tăng, đối với Qualcomm, Lam Research và bốn công ty khác của Mỹ trong ngành bán dẫn, Trung Quốc vẫn là nguồn doanh thu lớn nhất vào năm ngoái, vượt qua các thị trường lớn của Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
Trung Quốc hiện vẫn là một trung tâm sản xuất điện tử hàng đầu và nhiều công nghệ xuất khẩu sang Trung Quốc cuối cùng được tái xuất dưới dạng thành phẩm. Do đó, những con số cao không phản ánh nhu cầu nội địa của Trung Quốc. Nhiều công ty nhấn mạnh trong báo cáo hàng năm của họ rằng doanh thu theo vị trí địa lý, chẳng hạn như Trung Quốc, dựa trên thông tin vận chuyển và thanh toán thay vì khách hàng của người dùng cuối.
Tổng thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - đã đạt mức kỷ lục 690 tỉ USD vào năm ngoái, với xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc tăng 28% trong giai đoạn 2018 và 2022. Nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc vào năm 2022 đạt tổng cộng 536,3 tỉ USD.
Fu Fangjian, Phó Giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Lee Kong Chian, Đại học Quản lý Singapore, cho biết: “Trung Quốc đã trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu". Ông nói thêm rằng "Trong khi chính phủ Mỹ cố gắng ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao, các công ty công nghệ cao [ở Mỹ] lại không thể sống thiếu thị trường Trung Quốc".
Một số chuyên gia cảnh báo rằng việc phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về doanh thu là một vấn đề đáng báo động của các công ty công nghệ Mỹ.
"Rủi ro lớn nhất" đối với các công ty công nghệ Mỹ này "là lệnh cấm hoàn toàn và mất khả năng bán hoặc sản xuất tại Trung Quốc", Prakash của The Geopolitan Business cho biết.
Big Tech khó tách rời Trung Quốc
Sự phụ thuộc vào Trung Quốc này thay đổi rất ít mặc dù Hoa Kỳ đã triển khai nhiều biệp pháp nghiêm ngặt. Theo hồ sơ của Apple, tổng doanh số của Apple ở Trung Quốc chỉ giảm 0,74%, xuống 18,8% trong năm tài chính gần đây nhất, so với năm 2018.
Trung Quốc vẫn là nguồn doanh thu lớn thứ hai của Apple, sau thị trường tại quê nhà của công ty. Doanh thu của Apple tại Trung Quốc đã tăng 43% lên 74,2 tỉ USD trong năm 2022 từ 51,9 tỉ USD trong năm 2018.
Apple đã tập trung phát triển thị trường Trung Quốc từ khoảng năm 2014. Tại buổi họp báo thu nhập của công ty vào tháng 10 năm 2015, Cook cho biết ông "rất lạc quan" về thị trường Trung Quốc và công ty sẽ đầu tư vào Trung Quốc "trong nhiều thập kỷ tới", chia sẻ quan điểm của mình "rằng Trung Quốc sẽ là thị trường hàng đầu của Apple trên thế giới".
Đối với Tesla, doanh số bán hàng của hãng tại Trung Quốc đã tăng vọt, một phần lớn nhờ việc Trung Quốc nhanh chóng áp dụng công nghệ xe điện. Vào năm 2022, công ty đã kiếm được 22% tổng doanh số bán hàng tại Trung Quốc, tăng từ 8% vào năm 2018.
Qualcomm, công ty phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, trong năm ngoái công ty đã kiếm được 63,6% doanh số bán hàng tại Trung Quốc và Hồng Kông. Tỷ lệ này là 67% trong năm 2018, theo hồ sơ của công ty.
Ngành công nghệ ngày nay đang phải vật lộn với các điều kiện kinh tế suy yếu và nhu cầu thị trường yếu đi. Theo Nikkei Asia, lĩnh vực công nghệ của Mỹ có thể dễ bị tổn thương trước các hạn chế tiếp theo của quốc gia này.
Nỗ lực loại bỏ rủi ro
Để giảm thiểu rủi ro địa chính trị, một số công ty trong ngành công nghệ Mỹ đã bắt đầu tổ chức lại hoạt động của họ tại Trung Quốc nhằm nỗ lực ngăn chặn bất kỳ thiệt hại tiềm tàng nào từ các lệnh trừng phạt.
Vào cuối tháng 5, Hewlett Packard Enterprise đã công bố kế hoạch bán cổ phần của công ty công nghệ Trung Quốc H3C với giá 3,5 tỉ USD.
H3C bán phần cứng HPE tại Trung Quốc. HPE đang giảm dần tỷ lệ sở hữu tại H3C nhưng có kế hoạch bán 49% cổ phần còn lại trong giao dịch tiếp theo.
"Đây là kết quả tốt nhất cho khách hàng, nhân viên và cổ đông bởi vì rõ ràng, hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc ngày càng trở nên phức tạp hơn", Giám đốc điều hành HPE, ông Antonio Neri, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei.
HPE "về cơ bản sẽ chỉ có một sự hiện diện trực tiếp rất nhỏ ở Trung Quốc để hỗ trợ các khách hàng đa quốc gia của chúng tôi ở Trung Quốc và sẽ tiếp tục bán lại các dịch vụ HPE của chúng tôi thông qua tổ chức H3C, nhưng chúng tôi sẽ không sở hữu bất kỳ cổ phần nào", ông Neri nói.
Về quyết định chia tách, vị giám đốc điều hành HPE cho biết, "địa chính trị đóng một vai trò quan trọng vì không biết điều gì sẽ xảy ra trong 3 đến 5 năm tới và giá trị của những cổ phần đó có thể là bao nhiêu".
Đầu tháng 6, công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu của Mỹ Sequoia Capital tuyên bố họ đã quyết định tách bộ phận Trung Quốc.
Được biết đến như một nhà đầu tư ban đầu vào các công ty sau này trở thành gã khổng lồ công nghệ - Apple, Cisco, Oracle, Nvidia và Google - Sequoia Capital cũng đã thành công khi sớm thâm nhập thị trường Trung Quốc vào năm 2005. Các công ty trong danh mục đầu tư bao gồm Tập đoàn Alibaba , ByteDance, công ty mẹ của TikTok và gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com.
Chưa tới hồi kết
Cuộc đối đầu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cả hai bên, những hạn chế từ cả Bắc Kinh và Washington đang bắt đầu gây tổn hại cho ngành công nghiệp chủ chốt của Mỹ.
Qualcomm cho biết trong báo cáo thường niên rằng "một phần đáng kể hoạt động kinh doanh của chúng tôi tập trung ở Trung Quốc và rủi ro của sự tập trung đó càng trầm trọng hơn do căng thẳng thương mại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ/Trung Quốc"
Apple lưu ý rằng "căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã dẫn đến một loạt thuế quan do Hoa Kỳ áp đặt đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục, cũng như các hạn chế kinh doanh khác. Thuế quan làm tăng giá thành sản phẩm của công ty cũng như các thành phần và nguyên liệu thô trong quá trình sản xuất. Những chi phí gia tăng này có thể ảnh hưởng xấu đến tỷ suất lợi nhuận gộp mà công ty kiếm được từ các sản phẩm của mình".
Akira Minamikawa, Giám đốc tư vấn cấp cao của công ty nghiên cứu Omdia có trụ sở tại Vương quốc Anh, nói rằng "các cơ sở sản xuất thiết bị điện tử như điện thoại thông minh và máy tính cá nhân tập trung nhiều ở Trung Quốc, và do đó, sự phụ thuộc của ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ vào Trung Quốc vẫn còn cao". Tuy nhiên, ông nói thêm, "sự phụ thuộc của ngành công nghệ Mỹ vào Trung Quốc sẽ giảm dần".
“Không có câu trả lời dễ dàng nào cho các công ty phải đối phó với sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc”, Prakash của The Geopolitan Business cho biết. "Các công ty này đã quen với việc truy cập toàn thế giới không giới hạn. Các giám đốc cấp cao phải chấp nhận rằng một hiện trạng mới đang hình thành".
Theo Business Insider