Bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng bằng hệ sinh thái lành mạnh

Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích xã hội, nhất là các doanh nghiệp tham gia xây dựng hệ sinh thái lành mạnh, các ứng dụng lành mạnh cho trẻ em vui chơi giải trí học tập ở trên môi trường mạng.

Nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một nội dung cơ bản trong Chiến lược con người đã và đang được Đảng, Nhà nước chú trọng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Sáng 7/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với một số bộ, ngành tiến hành phiên họp đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” giai đoạn 2020-2025.

Đề án này hướng tới mục tiêu hỗ trợ trẻ em tiếp cận, tương tác trên môi trường mạng một cách tích cực, nâng cao chất lượng học tập và giải trí của trẻ em thông qua công nghệ.

Dự kiến đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2020.

Nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một nội dung cơ bản trong Chiến lược con người đã và đang được Đảng, Nhà nước chú trọng.

Hiện nay, Việt Nam đã có hành lang pháp lý, quy định khung nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhưng chưa thực sự đầy đủ. Nhiều quy định, hướng dẫn cụ thể còn thiếu.

Theo thống kê, trong 15 năm qua, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã nhận được trên 4 triệu cuộc gọi đến và đã tư vấn hơn 307.000 trường hợp. Trong đó, tư vấn về xâm hại, bạo lực khoảng 3,4%; khó khăn của trẻ em trong quan hệ ứng xử với các thành viên trong gia đình chiếm 29,8%; liên quan đến sức khỏe thể chất của trẻ em khoảng 12,6%.

Ngoài ra, tổng đài tư vấn về tâm lý của trẻ em, sức khỏe sinh sản, pháp luật... Qua đó, hơn 4.900 trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, mua bán, trẻ bị lạc, bỏ rơi, trẻ cần hỗ trợ về tài chính... đã được các cơ quan chức năng liên quan can thiệp, giúp đỡ.

Ngày nay, trẻ em ngày càng có nhiều cơ hội tiếp xúc và học hỏi trên mạng Internet. Thời gian các em sử dụng mạng Internet có xu hướng gia tăng.

Trong khi đó, các em được xác định là nạn nhân dễ bị lừa nhất trên môi trường mạng, do đó cần có những chính sách đặc biệt để bảo vệ các em.

Thực tế cho thấy, việc bảo vệ trẻ em trong cuộc sống thực đang được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhưng trên môi trường mạng - cuộc sống “ảo” vẫn còn là vấn đề mới.

Trước thực trạng này, việc xây dựng và ban hành “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” với các giải pháp liên ngành là rất cần thiết và cấp bách.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, để triển khai đề án này một cách hiệu quả, Việt Nam cần rà soát, bổ sung thêm thông tin ở trong nước và quốc tế liên quan đến vấn đề này.

Các cơ quan chức năng tiếp tục củng cố khuôn khổ pháp lý đã có, đề xuất thêm nhiều biện pháp hữu hiệu, phù hợp với tình hình mới trong vấn đề thực thi pháp luật bảo vệ trẻ em...

Đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) kiến nghị, cần có giải pháp đột phá hơn nhằm giải quyết những tồn tại trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó, triển khai ứng dụng công nghệ là trọng tâm.

Việt Nam cần ứng dụng các nền tảng phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để phát hiện, cảnh báo nội dung gây nguy hại, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em trên môi trường mạng.

Dự thảo đề án cũng đề xuất hình thành Trung tâm tư vấn và Mạng lưới hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng nhằm hỗ trợ, giúp trẻ phục hồi tâm lý, thể chất và tinh thần khi bị xâm hại, xâm phạm trên môi trường mạng.

Mạng lưới hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng sẽ hối hợp với các đầu mối trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế để tiếp nhận thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoặc hỗ trợ ngăn chặn các vụ việc nguy hại, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em trên môi trường mạng.

Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập đến việc bảo vệ trẻ em cần tập trung vào những việc làm cụ thể như bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng.

Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cùng cần chung tay phát triển các ứng dụng, sản xuất nhiều nội dung bổ ích, giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích xã hội, nhất là các doanh nghiệp tham gia xây dựng hệ sinh thái lành mạnh, các ứng dụng lành mạnh cho trẻ em vui chơi giải trí học tập ở trên môi trường mạng.

Hạn chế các tác hại xấu trên không gian mạng đối với trẻ em cũng phải cân bằng với tăng cường các yếu tố tốt, hệ sinh thái phù hợp cho các em. Đồng thời, cần đổi mới phương thức giáo dục tuyên truyền, tăng cường nhận thức cho trẻ em trên môi trường mạng.

Những giải pháp nêu trên góp phần quan trọng trong phòng, chống xâm hại trẻ em trên mạng Internet, đồng thời góp phần phát triển kỹ năng thiết thực, bổ ích cho nguồn nhân lực số, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của đất nước trong giai đoạn mới./.

Theo TTXVN/Vietnam+