Các bác sĩ phối hợp chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng (Ảnh - Minh Thuý)
Các bác sĩ phối hợp chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng (Ảnh - Minh Thuý)

E-magazine Bảo vệ mạng sống bệnh nhân Covid-19 nặng: Nhiều bác sĩ Bv Nhiệt đới T.Ư. không có ngày nghỉ Tết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày Tết là dịp gia đình quây quần bên nhau sau một năm vất vả, song các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đều xác định trực xuyên Tết để chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 nặng.

Tập trung 100% sức lực cứu sống bệnh nhân

Bước chân vào Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương, âm thanh đầu tiên vang lên là những tiếng tít tít liên tục từ thiết bị cảnh báo được đặt tại giường bệnh của những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, nguy kịch. Rất nhanh sau đó là tiếng bước chân dồn dập, hối hả của các bác sĩ đến khu phòng bệnh để chăm sóc, hỗ trợ cho bệnh nhân. Trong giây phút đối diện sinh tử, người đồng hành cùng bệnh nhân chính là những “thiên thần áo trắng”.

Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân nặng (Ảnh - Minh Thuý)

Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân nặng (Ảnh - Minh Thuý)

Tâm sự về công việc hàng ngày của mình, BS. Đồng Phú Khiêm – Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – chia sẻ: “Khi tham gia chống dịch COVID-19 tại BV, tôi và các bác sĩ đều sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của bản thân, gia đình để tập trung hơn 100% sức lực cứu sống bệnh nhân. Khoa Hồi sức tích cực là một trong những nơi có tỷ lệ bệnh nhân COVID19 nguy kịch được cứu sống nhiều nhất ở Việt Nam tương đương nhiều trung tâm hồi sức lớn trên thế giới. Đến thời điểm hiện tại, khoảng 70% bệnh nhân nặng, nguy kịch vào Khoa đã được cứu sống, ổn định ra viện.”

BS. Đồng Phú Khiêm – Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

BS. Đồng Phú Khiêm – Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

Mỗi ngày, các bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực đều thực hiện rất nhiều công việc khác nhau chia theo ca từ sáng sớm đến đêm khuya. Làm việc trong điều kiện chống dịch, đối diện với nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch, BS. Khiêm cùng đồng nghiệp chịu khá nhiều áp lực.

“Áp lực lớn nhất là việc theo dõi, đánh giá, trăn trở, để cơ hội cứu sống bệnh nhân được lớn nhất và cứu được nhiều bệnh nhân nhất có thể. Không chỉ vậy các bác sĩ còn có nhiều áp lực khác đến từ gia đình, người thân bệnh nhân, lãnh đạo,…

"Đương nhiên khi làm việc thì rất áp lực, nhưng khi vào việc rồi thì ai cũng cố gắng hết mình. Với số lượng bệnh nhân đông, thời gian làm việc không giống như đi chi viện ở những nơi khác. Ví dụ thời gian đi chi viện ở những nơi khác có thể chia ca (làm 6-8 tiếng rồi nghỉ), có nhiều thời gian nghỉ hơn nhưng lại không có thời gian dành cho bệnh nhân. Còn ở Khoa Hồi sức chúng tôi, các bác sĩ gần như 24/24h ngay bên cạnh bệnh nhân, làm thông từ ngày này sang ngày khác không có khái niệm ngày thường hay ngày nghỉ, mặc dù vậy tinh thần anh em vẫn rất tích cực, không nề hà khó khăn, vất vả” – BS. Khiêm nói.

Không khí làm việc tất bật, trực 24/24 của các bác sĩ để cứu chữa người bệnh (Ảnh - Minh Thuý)

Không khí làm việc tất bật, trực 24/24 của các bác sĩ để cứu chữa người bệnh (Ảnh - Minh Thuý)

Hiện, Khoa Hồi sức tích cực có 5 bác sĩ chính phụ trách cho 2 khu điều trị bệnh nhân mắc bệnh nặng với khoảng 40 ca thở máy, 5-8 ca ECMO và hàng chục ca suy thận chạy thận và lọc máu mỗi ngày. Các bác sĩ phân chia thời gian trực, cứ khoảng 3 ngày thì trực 24/24, theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân. Sau khi kết thúc thời gian trực 24/24 thường các nơi sẽ được nghỉ, nhưng hầu như anh em ở đây vẫn duy trì làm việc cả ngày hôm sau (hôm nào quá mệt thì BS. Khiêm cùng đồng nghiệp tranh thủ nhờ nhau quán xuyến công việc rồi “trốn đi” để nghỉ ngơi khoảng 1-2 tiếng) sau đó tiếp tục ở bên bệnh nhân để chăm sóc, điều trị cho họ, ứng phó kịp thời khi bệnh nhân diễn biến nặng. Nhờ cách làm việc “team work” này nên các bác sĩ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Các bác sĩ phối hợp vận chuyển người bệnh (Ảnh - Minh Thuý)

Các bác sĩ phối hợp vận chuyển người bệnh (Ảnh - Minh Thuý)

Trong đợt Tết này, hơn 70 bác sĩ, điều dưỡng của Khoa ở lại để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Lãnh đạo BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tổ chức các hoạt động đón Tết đảm bảo quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế để tạo không khí quây quần, ấm áp gia đình cho các bác sĩ.

Bên cạnh các bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân thì điều dưỡng là lực lượng không thể thiếu. Khoa có 60 điều dưỡng tham gia chăm sóc bệnh nhân. Trong 2 năm qua, nhiều cán bộ từ các khoa, phòng khác đã hỗ trợ Khoa Hồi sức tích cực, mặc dù nhiều người còn chưa từng làm hồi sức.

Ấn tượng lớn nhất của BS. Khiêm về những đồng nghiệp của mình chính là khi làm việc tại Khoa, các bác sĩ, điều dưỡng không phân biệt khoa nào hay BV nào, mà đều lăn xả vào làm việc với tinh thần nhiệt tình, cháy hết mình, không nề hà bất cứ việc gì.

Bàn làm việc của các bác sĩ la liệt bệnh án cùng camera theo dõi tình hình người bệnh (Ảnh - Minh Thuý)

Bàn làm việc của các bác sĩ la liệt bệnh án cùng camera theo dõi tình hình người bệnh (Ảnh - Minh Thuý)

“Ví dụ như BS. Toả đang học cao học tại bộ môn truyền nhiễm tại Trường ĐH Y Hà Nội, nhưng đến Khoa Hồi sức tích cực thì làm không khác gì nhân viên của Khoa, tham gia tất cả các công việc điều trị, lăn lộn ngày đêm ở BV như nhân viên chính. Đây chính là tinh thần của một BS đích thực. Nhờ những BS như thế mà chúng tôi có đủ sức để duy trì được đơn nguyên điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng trong thời gian dài” – BS. Khiêm chia sẻ.

Làm việc gấp 2-3 lần người bình thường

Thông tin về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19, BS. Đoàn Duy Thành – công tác tại Khoa Hồi sức tích cực – cho hay: Khoa đang điều trị cho 36 bệnh nhân nặng, 6 ca can thiệp ECMO, đa phần bệnh nhân phải dùng máy xâm nhập, một số người mới được cai máy thở, rút ống, còn yếu cần thở mặt nạ oxy, gọng kính oxy. Mỗi ngày có 10-12 bệnh nhân chạy thận chu kỳ. Ban ngày bệnh nhân chạy thận ở khoa, phòng khác nhưng đến ngày lọc máu thì bệnh nhân chuyển đến khoa chúng tôi.

Bác sĩ khám cho người bệnh (Ảnh - Minh Thuý)

Bác sĩ khám cho người bệnh (Ảnh - Minh Thuý)

Chia sẻ về công việc hàng ngày, BS. Thành tâm sự: Khối lượng công việc của các bác sĩ, điều dưỡng rất lớn. Bình thường một bệnh nhân thở máy cần chăm sóc toàn diện (ăn, uống, thở máy, tắm, thay bỉm,…) đều thực hiện trên giường bệnh, nên điều dưỡng vô cùng vất vả. Quy định tiêu chuẩn là 1 điều dưỡng chăm sóc 1 bệnh nhân. Tuy nhiên, số bệnh nhân nặng tăng nên khối lượng công việc cũng tăng gấp 2-3 lần người bình thường.

Mỗi ngày trôi qua, các bác sĩ đều mệt mỏi nhưng vì công việc, vì bệnh nhân lại cố gắng nhiều hơn nữa. Với những bệnh nhân mang bầu mắc COVID-19 nặng, không chỉ các bác sĩ cố gắng làm hết sức, ngày đêm trăn trở, suy nghĩ mà lãnh đạo BV còn trực tiếp đến phòng bệnh để xem xét tình trạng bệnh nhân.

Trong những ngày nghỉ Tết, các bác sĩ vẫn làm việc liên tục, không ngừng nghỉ (Ảnh - Minh Thuý)

Trong những ngày nghỉ Tết, các bác sĩ vẫn làm việc liên tục, không ngừng nghỉ (Ảnh - Minh Thuý)

Tuy nhiên, áp lực là điều không thể tránh khỏi. Áp lực khi đối mặt với các ca bệnh nhân tử vong gây ảnh hưởng rất lớn về mặt tinh thần và thể xác. Mệt mỏi về thể xác nghỉ ngơi sẽ khoẻ lại, nhưng những tổn thương về tinh thần thì không dễ gì khắc phục ngay được. .

Năm nay là năm đầu tiên BS. Thành ăn Tết ở BV. Các năm trước anh đều được về ăn Tết với gia đình. “Năm ngoái tôi trực mùng 2 tết ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 1, sau đó mùng 3 tết về nhà đang ăn cơm thì nhận được cuộc gọi sang tăng cường cho cơ sở 2. Năm nay tôi xác định là đón giao thừa tại BV. Ở BV, ngày nào cũng như nhau, ngày thường cũng như ngày chủ nhật. Nhiều lúc tôi quên đi thời gian, chỉ biết làm việc và làm việc” – anh nói.

Toàn cảnh khu vực chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

Toàn cảnh khu vực chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

Trong năm đầu tiên đón Tết xa nhà, mặc dù vợ và con buồn nhưng anh Thành cũng động viên, chia sẻ để gia đình thông cảm do tình hình dịch bệnh căng thẳng. Anh Thành có 2 con nhỏ, một bé 4 tuổi và một bé mới 3 tuổi. Các con luôn nhắc anh là vì sao đi làm lâu mà mãi không về. Nghe lời nhắn nhủ của các con, anh Thành có chút chạnh lòng nhưng vẫn dặn con “khi nào hết COVID-19 thì bố về, bố mua cho kẹo mút!”