Bảo vệ lao động Việt Nam ở nước ngoài mới là vấn đề ‘quốc thể’

Nguyễn Quang Đồng
Nguyễn Quang Đồng

Chuyên gia phân tích chính sách công

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Vụ việc đau lòng khi nữ lao động quê ở Hà Tĩnh được trình báo mất tích, cùng nhiều trường hợp nghi vấn mất tích khác -  có thể là nạn nhân trong vụ việc 39 người thiệt mạng khi nhập cư bất hợp pháp từ Bỉ sang Anh, một lần nữa gióng lên hồi chuông khẩn thiết về vấn đề bảo vệ lao động người Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy, trong bối cảnh Quốc hội đang thảo luận sửa đổi luật lao động – đây là cơ hội tốt để đánh giá một cách nghiêm túc về hệ thống chính sách và thị trường xuất khẩu lao động.

Trường hợp nữ lao động quê ở Hà Tĩnh được trình báo mất tích, cùng nhiều trường hợp nghi vấn mất tích khác -  có thể là nạn nhân trong vụ việc 39 người thiệt mạng khi nhập cư bất hợp pháp từ Bỉ sang Anh, một lần nữa gióng lên hồi chuông khẩn thiết về vấn bảo vệ lao động người Việt Nam ở nước ngoài. Mới cách đây chưa tròn một năm, vụ việc 152 lao động Việt Nam sang Đài Loan dưới hình thức du lịch rồi bỏ trốn gây ra thiệt hại cho thị trường du lịch và xuất khẩu lao động Việt Nam - Đài Loan; ‘vấn đề quốc thể’ được nêu lên ồn ã, nhưng cuối cùng, cũng không có một động thái xem xét nghiêm túc nào cho gốc rễ vấn đề.

Chiếc container nghi chở 39 nạn nhân
Chiếc container nghi chở 39 nạn nhân

Và chuyện lao động Việt Nam ‘bỏ trốn’, ‘ăn cắp’, ‘làm ăn phi pháp’ – thường xuyên được phản ánh, không chỉ trong các nhóm cộng đồng trên mạng xã hội mà cả trên mặt báo và truyền thông quốc tế. Vì thế, không nên nhìn vụ việc đau lòng hôm nay như một sự kiện đơn lẻ mà cần coi đây như cơ hội để đánh giá lại chính sách ở tầm quốc gia và cải cách một cách nghiêm túc, có hệ thống thị trường xuất khẩu lao động nói chung.

Trong bối cảnh thách thức về việc làm, đặc biệt ở khu vực nông thôn còn rất gay gắt, đi ‘xuất khẩu lao động’ – tuy cực chẳng đã, vẫn là lựa chọn tốt nhằm giải quyết vấn đề sinh kế cho rất nhiều lao động trẻ. Nhưng sự gia tăng vụ việc và số lượng lao động Việt Nam bỏ trốn; làm việc bất hợp pháp; thậm chí rủi ro hơn – bị bóc lột sức lao động hay rơi vào bẫy của các nhóm tội phạm buôn người, cho thấy an toàn của công dân Việt Nam làm việc ở nước ngoài đã trở thành vấn đề cấp bách mang tầm quốc gia. Bởi bảo vệ an toàn cho công dân bao giờ cũng là trách nhiệm trực tiếp và quan trọng nhất của mọi nhà nước, đặc biệt là khi công dân gặp những sự cố và rủi ro ở nước ngoài. Và an toàn đó đương nhiên không thể phó mặc cho doanh nghiệp và bản thân người lao động.

Vì vậy, trong bối cảnh Quốc hội đang thảo luận về vấn đề sửa đổi luật lao động – đây là cơ hội tốt để đánh giá một cách nghiêm túc về hệ thống chính sách và thị trường xuất khẩu lao động. Một loạt những câu hỏi lớn cần được nghiên cứu, đánh giá, bàn thảo kỹ lưỡng và nhất thiết phải dựa trên những khảo sát, phân tích, những bằng chứng xác thực.

Thứ nhất, vấn đề an toàn và thực trạng bảo vệ người lao động ở nước ngoài hiện nay đang như thế nào? Thứ 2, vai trò của Nhà nước ở đâu trong thị trường xuất khẩu lao động – nhất là trong việc cung cấp thông tin và trợ giúp người lao động? Vấn đề cấp phép, giám sát việc tuân thủ quy định pháp lý để bảo vệ người lao động của các công ty xuất khẩu lao động đang như thế nào? Các cơ chế hợp tác giữa nước sở tại, nơi người lao động làm việc, với các cơ quan của chính phủ Việt Nam để xử lý những sự cố liên quan đến người lao động hiện nay đang thực thi ra sao? Vấn đề buôn bán người và những tội phạm liên quan đến lừa đảo, buôn bán, tội phạm hóa người lao động hiện nay đang ở mức độ ra sao? v.v.

Những dòng tin nhắn cuối cùng được cho là của nạn nhân Phạm Thị Trà My, nữ lao động quê ở Hà Tĩnh.
Những dòng tin nhắn cuối cùng được cho là của nạn nhân Phạm Thị Trà My, nữ lao động quê ở Hà Tĩnh.

Với mức độ phức tạp của vấn đề lớn đặt ra, cần thiết có một phiên ‘điều trần’ tại Quốc hội, trực tiếp là Ủy ban các vấn đề xã hội để trả lời các câu hỏi chính yếu làm căn cứ cho việc thay đổi chính sách và thực thi chính sách. Và trách nhiệm trả lời không phải chỉ thuộc riêng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội. Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chung giúp cho Chính phủ trong công việc khó khăn này.

Với mọi người Việt, tâm lý gắn bó với quê hương, ước muốn được làm việc và sinh sống ở quê hương luôn là tình cảm nổi trội. Vì sinh kế mà phải ‘xuất khẩu lao động’ – thậm chí ‘lao động chui’, ‘làm việc phi pháp’ ở nước ngoài, chắc chắn không phải là mong muốn hay chủ động lựa chọn của mỗi người. ‘Trốn’ để lao động bất hợp pháp bao giờ cũng là lựa chọn ‘cực chẳng đã’ – bởi những rủi ro của việc làm ‘chui’ là không cần bàn cãi: rủi ro bị bóc lột lao động; bị trả tiền công rẻ mạt; không có bảo hiểm khi tai nạn lao động xảy ra, bị trục xuất nếu bị cơ quan chức năng sở tại phát hiện v.v. Nhưng động lực để ‘đánh đổi’ chính là lợi ích thu được: ví dụ, ở lại bất hợp pháp vẫn kiếm được nhiều tiền hơn nếu trở về làm việc ở quê nhà; hoặc thu nhập từ làm chui – vẫn lớn hơn làm chính thức mà bị ‘trừ’ đi quá nhiều chi phí cho công ty môi giới lao động.

Khi ‘lợi ích’ thu được từ cư trú và lao động ‘chui’  cao hơn ‘rủi ro’ – thì đương nhiên người lao động sẽ chọn làm chui. Vì vậy, không nên ‘áp đặt’ lên họ trách nhiệm về ‘quốc thể’, về ‘danh dự’ quốc gia: ở lựa chọn khó khăn nhất, mọi cá nhân sẽ phải hành động vì lợi ích của mình trước tiên.

Nhưng mọi đồng tiền từ lao động ở nước ngoài đều đáng ghi nhận, đều là đóng góp thiết thực cho bản thân người lao động, cho gia đình họ, và cho cả quốc gia nữa. Ở một quốc gia còn nghèo, người dân còn thiếu việc làm, ‘xuất khẩu lao động' là thực tế cần được thừa nhận và cần coi đó là chính sách quốc gia. Và vì thế, “quốc thể’ phải giải quyết ở tầm ‘vĩ mô’, gắn với trách nhiệm của Nhà nước. Khi Nhà nước hoàn thành được nghĩa vụ quan trọng nhất của mình --  bảo vệ công dân – thì đó chính là sự suy tôn cao nhất cho ‘quốc thể’.