Báo Trung Quốc: Nga đang tiếp tục giúp Ấn Độ gia tăng sức mạnh quân sự

VietTimes -- Nga và Ấn Độ đang tăng cường mạnh mẽ hợp tác quốc phòng, trong đó cho Ấn Độ thuê tàu ngầm hạt nhân thứ hai, bán cho Ấn Độ tên lửa phòng không S-400, hợp tác tăng tầm bắn cho tên lửa hành trình BrahMos...
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Times Of Oman
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Times Of Oman

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 23/10 cho hay Nga tiếp tục trợ giúp Ấn Độ tăng cường sức mạnh quân sự. Nga quyết định cho Ấn Độ thuê chiếc tàu ngầm hạt nhân thứ hai, loại tàu ngầm này sẽ chủ yếu dùng để ứng phó với hoạt động của Hải quân Trung Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh cần nâng cao tầm bắn của tên lửa hành trình BrahMos do hai bên hợp tác phát triển. Nga và Ấn Độ gần đây cũng đã tổ chức tập trận chung lần đầu tiên ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Nga.

Báo chí Nga cho biết khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Goa, Ấn Độ gần đây, hai nước đã ký kết thỏa thuận về việc Nga cho Ấn Độ thuê chiếc tàu ngầm hạt nhân thứ hai, kim ngạch giao dịch gần 2 tỷ USD.

Cộng với 4 tàu hộ vệ viễn dương Nga bán cho Ấn Độ, kim ngạch hai giao dịch vũ khí hải quân này giữa Nga và Ấn Độ có thể đạt 3 tỷ USD.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Akula Nga. Ảnh: The Indian Express
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Akula Nga. Ảnh: The Indian Express

Nga giúp Ấn Độ tăng cường sức chiến đấu

Trong các cuộc gặp gỡ trước đây, các nhà lãnh đạo Nga và Ấn Độ từng nhiều lần thảo luận về vấn đề thuê chiếc tàu ngầm hạt nhân thứ hai.

Chiếc tàu ngầm hạt nhân này và chiếc tàu ngầm hạt nhân Nerpa đầu tiên Ấn Độ thuê của Nga từ năm 2012 đều là tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ thứ ba Type 971. NATO đặt tên cho loại tàu ngầm tấn công chủ lực đang phục vụ trong Hải quân Nga này là lớp Akula.

Chiếc tàu ngầm hạt nhân thứ hai Ấn Độ thuê đến từ đơn vị hiện có của Hải quân Nga. Một nhà máy đóng tàu hải quân ở miền bắc Nga sẽ dựa vào yêu cầu của Ấn Độ để nâng cấp cải tạo đối với chiếc tàu ngầm hạt nhân này.

Cũng giống như chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên, Ấn Độ có thể mua lại chiếc tàu ngầm hạt nhân này sau khi hết hạn cho thuê.

Hai tàu ngầm hạt nhân do Nga cung cấp này sẽ chủ yếu được Hải quân Ấn Độ dùng để giám sát các hoạt động ra vào Ấn Độ Dương ngày càng thường xuyên của tàu ngầm Trung Quốc.

Một cựu lãnh đạo Hải quân Nga cho biết sức chiến đấu của Hải quân Ấn Độ sẽ tăng mạnh nhờ thuê hai tàu ngầm hạt nhân này. Hải quân Ấn Độ luôn có khả năng duy trì một chiếc tàu ngầm hạt nhân trong số đó để ra khơi trực chiến, đồng thời để một chiếc khác sửa chữa, bảo dưỡng ở cảng.

Trong thời gian thăm Ấn Độ, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với Ấn Độ phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, đồng thời sẽ tăng cường hợp tác nghiên cứu chế tạo tên lửa hành trình BrahMos cho cả 3 phiên bản (hải quân, lục quân, không quân). Ông Putin đặc biệt nhấn mạnh, sẽ tăng tầm bắn cho tên lửa hành trình BrahMos.

Tên lửa hành trình siêu âm BrahMos do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất. Ảnh: The Diplomat
Tên lửa hành trình siêu âm BrahMos do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất. Ảnh: The Diplomat

Nhiều năm trước, Nga và Ấn Độ đã thành lập công ty liên doanh hợp tác nghiên cứu chế tạo, phát triển, sản xuất tên lửa hành trình Brahmos. Tàu ngầm hạt nhân Nga cho Ấn Độ thuê, tàu hộ vệ và máy bay chiến đấu Nga bán cho Ấn Độ đều có thể lắp loại tên lửa hành trình này.

Không lâu trước Ấn Độ đã bắt đầu triển khai lượng lớn tên lửa hành trình Brahmos ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đồng thời, ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Nga, Nga cũng đã triển khai lữ đoàn tên lửa Iskander. 

Lực lượng tên lửa Iskander Quân đội Nga triển khai ở Buryats đang tiến hành diễn tập. Lữ đoàn tên lửa Iskander Quân đội Nga triển khai ở bang tự trị Yevreyskaya Avtonomnaya gần đây cũng đã tổ chức diễn tập.

Ấn Độ và Nga tập trận ở gần biên giới với Trung Quốc

Một tháng trước, Nga và Ấn Độ cũng đã tổ chức một cuộc tập trận chung ở khu vực biên giới giữa Nga và Trung Quốc, hai bên có khoảng 500 quân nhân, các vũ khí mang tính tấn công như xe tăng, pháo tham gia. Địa điểm cuộc tập trận lần này ở thao trường Sergiev Posad, khu Primorsky Krai, cách biên giới Trung-Nga chỉ có vài chục km.

Chuyên gia quân sự Alexander Hramchihin cho rằng rất nhiều hợp tác quân sự giữa Nga và Ấn Độ mặc dù có mục đích nhằm vào Trung Quốc, nhưng hai bên đều sẽ không công khai bàn tán đến vấn đề này và công bố ý nghĩ thực sự của họ.

Tên lửa phòng không tiên tiến S-400 Nga. Ảnh: Conflict News
Tên lửa phòng không tiên tiến S-400 Nga. Ảnh: Conflict News

Alexander Hramchihin nói: "Sẽ không có bất cứ ai tiến hành giải thích chi tiết về những vấn đề như cuộc tập trận liên hợp Nga-Ấn. Tuyệt đối sẽ không nói là nhằm vào Trung Quốc. Về hình thức, mọi người đều sẽ nói đây là diễn tập chống khủng bố. Đương nhiên, hai bên cũng không cần thiết, không cần nói ra mục đích cụ thể của một số hợp tác giữa hai nước".

Chuyến thăm Ấn Độ lần này của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã đạt được giao dịch về tên lửa phòng không S-400. Ấn Độ là một khách hàng mua sắm nước ngoài lớn thứ hai của tên lửa phòng không S-400 Nga, sau Trung Quốc.

Báo chí Nga cho rằng loại tên lửa phòng không tiên tiến này một khi được trang bị cho Quân đội Ấn Độ thì nó sẽ càng có khả năng phát huy tác dụng răn đe đối với Trung Quốc và Pakistan.

Trong tương lai, Nga sẽ còn tích cực hơn trong việc hỗ trợ tham gia chương trình tự nghiên cứu phát triển tàu ngầm hạt nhân của Ấn Độ. Chuyên gia và cơ quan nghiên cứu khoa học Nga sẽ tham gia công tác thử nghiệm tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant của Ấn Độ.

Loại tàu ngầm chiến lược do Ấn Độ phát triển này có thể trang bị tên lửa đạn đạo đầu đạn hạt nhân, trong tương lai có thể trở thành lực lượng tấn công chiến lược dưới mặt biển của Ấn Độ.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Arihant do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo. Ảnh: IBTimes UK
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Arihant do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo. Ảnh: IBTimes UK