Báo Trung Quốc nêu bí quyết thắng trận chiến tranh hiện đại: Tấn công chớp nhoáng, phối hợp hệ thống

Một bài bình luận trên tờ Study Times của Trung Quốc tiết lộ chiến lược quân sự mới: chiến tranh hiện đại không còn là cuộc đua vũ khí riêng lẻ mà là sự phối hợp hệ thống toàn diện và những đòn tấn công bất ngờ đa lĩnh vực.
Một số máy bay chiến đấu J-10C do Trung Quốc sản xuất của Không quân Pakistan. Ảnh: AFP.

Chiến tranh hệ thống và các đòn tấn công bất ngờ sẽ là yếu tố then chốt để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tương lai, theo một bài bình luận trên tờ Study Times (Thời báo Nghiên cứu) được công bố trong tuần này, dường như dựa trên những bài học rút ra từ cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan hồi đầu tháng 5.

“Những kinh nghiệm chiến đấu thực tế gần đây từ các cuộc xung đột khu vực đã làm sáng tỏ một logic cốt lõi của chiến tranh hiện đại: cuộc đua về hiệu suất của từng loại vũ khí riêng lẻ đã được thay thế bởi tác chiến hệ thống”, bài viết nhận định.

Mặc dù bài báo không nêu đích danh cuộc xung đột nào, nhưng các mô tả trong đó gần như trùng khớp với những gì đã được ghi nhận từ chiến trường.

Theo bài bình luận, một lực lượng tưởng chừng yếu hơn đã tận dụng một hệ thống tác chiến nhập khẩu – “kết hợp giữa liên kết dữ liệu, máy bay cảnh báo sớm, hệ thống phòng không và tiêm kích phối hợp” – để áp đảo đối thủ sở hữu vũ khí chắp vá từ nhiều quốc gia khác nhau.

Trong cuộc đụng độ kéo dài bốn ngày bắt đầu từ ngày 7/5, Pakistan đã triển khai kết hợp nhiều loại vũ khí do Trung Quốc chế tạo để đối đầu với lực lượng Ấn Độ được trang bị vũ khí từ Nga và một số nước phương Tây.

Một trong những điểm nhấn của cuộc xung đột là lần đầu tiên tiêm kích thế hệ 4.5 J-10C của Trung Quốc tham chiến. Pakistan tuyên bố các máy bay này đã bắn hạ 5 tiêm kích Ấn Độ, trong đó có 3 chiếc Rafale do Pháp sản xuất.

Islamabad cũng cho biết các tiêm kích JF-17 – do Pakistan và Trung Quốc đồng phát triển – cùng tên lửa không đối không PL-15E của Trung Quốc, với tầm bắn lên tới 145 km, đã tham gia vào cuộc giao tranh.

Các hệ thống khác do Trung Quốc cung cấp có thể đã được sử dụng bao gồm máy bay cảnh báo sớm ZDK-03 “Karakoram Eagle” và hệ thống phòng không HQ-9, dù Pakistan chưa xác nhận chính thức.

Phía Ấn Độ thừa nhận đã mất một số máy bay chiến đấu (không công bố số lượng cụ thể) và tuyên bố đã phá hủy một hệ thống HQ-9P của Pakistan. Cả New Delhi và Islamabad đều tuyên bố chiến thắng.

Bài viết trên Study Times đã mang lại góc nhìn hiếm hoi về quan điểm của Bắc Kinh đối với cuộc giao tranh, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn giữ im lặng trước thông tin vũ khí của họ được sử dụng giữa hai quốc gia láng giềng có vũ khí hạt nhân.

Cuộc đối đầu này là cơ hội quan trọng để đánh giá năng lực của các hệ thống vũ khí Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh nước này chưa tham chiến kể từ cuối thập niên 1970. Nó cũng có thể ảnh hưởng lâu dài đến tham vọng của Bắc Kinh trên thị trường vũ khí toàn cầu vốn do phương Tây thống trị.

Việc bài viết được công bố cho thấy Trung Quốc không chỉ theo dõi sát sao hiệu suất của vũ khí mà còn nghiên cứu các chiến thuật chiến đấu đang thay đổi nhanh chóng từ các cuộc xung đột khu vực, nhằm phục vụ cho việc chuẩn bị chiến tranh trong tương lai.

Tên lửa không đối không của Trung Quốc được trưng bày tại triển lãm hàng không Chu Hải. Ảnh: Handout.

Bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy điểm mạnh chủ chốt – một khái niệm mà bài báo gọi là “hiệu ứng tấm ván dài” – bằng cách tăng cường năng lực cốt lõi để biến lợi thế thành yếu tố mang tính quyết định.

“Những điểm mạnh này có thể tạo ra tác động mang tính bước ngoặt hoặc thay đổi cục diện trong một số giai đoạn hoặc loại hình tác chiến cụ thể”, bài viết nêu rõ.

Bài viết cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của “các đòn tấn công bất ngờ” trong việc tạo ra chiến thắng ngoài dự đoán thông qua các hành động “âm thầm và không thể đoán định”. Tuy nhiên, điều này không thể dựa vào một đơn vị hay vũ khí đơn lẻ mà đòi hỏi sự tích hợp chặt chẽ của cả một hệ thống.

“Từ khoảnh khắc một máy bay địch cất cánh, máy bay cảnh báo sớm của chúng ta phải lập tức phát hiện, dẫn đường cho tên lửa không đối không và tên lửa đất đối không tấn công trước khi phi công kịp nhận ra nguy hiểm”, bài viết mô tả.

Bài viết cho rằng các cuộc tấn công bất ngờ theo kiểu truyền thống đang trở nên kém hiệu quả hơn. Thay vào đó là các chiến dịch phối hợp đa lĩnh vực – trải dài qua các không gian vật lý, thông tin, nhận thức và xã hội.

Điều này bao gồm sự kết hợp giữa đánh lừa điện tử, tấn công mạng, nhiễu nhận thức và đòn tấn công đa hướng – tất cả nhằm mục tiêu tạo ra sự rối loạn và sai lầm trong phán đoán của đối phương.

Cuối cùng, bài viết nhấn mạnh giá trị chiến lược của việc tấn công các “nút thắt” trong hệ thống tác chiến của đối phương – bao gồm trung tâm chỉ huy, hệ thống cảnh báo sớm, trung tâm liên lạc và cơ sở hạ tầng mạng.