|
Ngày 26/4/2017, Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A. Ảnh: Ifeng. |
Tờ Sankei Shimbun Nhật Bản ngày 1/1 dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc tiết lộ, để nâng cao vai trò ảnh hưởng quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hải quân Trung Quốc sẽ đẩy nhanh chế tạo tàu sân bay, có kế hoạch xây dựng được 4 cụm tấn công tàu sân bay vào năm 2030, trong đó có 2 tàu sân bay động cơ hạt nhân.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất "đẩy nhanh xây dựng cường quốc biển". Nếu Trung Quốc trở thành "nước lớn tàu sân bay" chỉ sau Mỹ thì thế cân bằng khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ có sự thay đổi.
Tháng 4/2017, Trung Quốc hạ thủy chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên ở một nhà máy đóng tàu tại Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, dự đoán trong năm nay sẽ tiến hành chạy thử. Bản mẫu tham khảo của nó là tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh của Trung Quốc, chiếc tàu được cải tạo trên nền tảng tàu sân bay Varyag của Liên Xô.
Nhưng tàu sân bay tự chế thứ hai hiện đang chế tạo tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải cũng sẽ hạ thủy nhanh chóng. Nó khác với tư duy thiết kế tàu sân bay ở Đại Liên, do Trung Quốc có kế hoạch lắp thiết bị phóng điện từ mới nhất cho tàu này.
2 tàu sân bay nói trên đều là tàu sân bay động cơ thông thường. Nghe nói, tàu sân bay thứ ba chế tạo ở nhà máy đóng tàu Đại Liên sẽ sử dụng lò phản ứng hạt nhân. Có tin cho rằng công tác chế tạo con tàu này đã được bắt đầu.
Tháng 12/2017, Tập đoàn công nghiệp nặng tàu thủy Trung Quốc, công ty mẹ của Công nghiệp nặng tàu thủy Đại Liên (chế tạo tàu sân bay đầu tiên) đã tổ chức "Triển lãm hàng hải quốc tế Thượng Hải", trưng bày 4 mô hình tàu dân dụng sử dụng động cơ hạt nhân.
Có nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho rằng: "Đây là tiến hành thử nghiệm công nghệ để phát triển tàu sân bay động cơ hạt nhân". Tuy nhiên, cuối cùng có sử dụng động cơ hạt nhân hay không thì còn chưa xác định.
Tàu sân bay Liêu Ninh được định vị là tàu huấn luyện, không nằm trong kế hoạch 4 tàu sân bay.
Cụm tấn công tàu sân bay của hải quân Trung Quốc phần lớn có kế hoạch là nhằm vào Mỹ. Điều Trung Quốc coi trọng nhất hiện nay là tăng cường vai trò ảnh hưởng ở khu vực từ Biển Đông đến Ấn Độ Dương, vùng biển Trung Đông. Rất có thể Trung Quốc sẽ tập trung triển khai tàu sân bay ở Hạm đội Nam Hải, lực lượng triển khai trên Biển Đông.
Được biết, thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã xây dựng xong cảng tàu sân bay dài 700 m, dài nhất thế giới, có thể neo đậu 2 tàu sân bay.
Tàu sân bay tự chế mới của Trung Quốc nếu lấy tên là Sơn Đông như báo chí nhà nước Trung Quốc đưa tin thì nó sẽ thuộc Hạm đội Bắc Hải, phụ trách bảo vệ Thủ đô và ứng phó với chiến sự ở bán đảo Triều Tiên.
Hiện nay, Mỹ có 11 tàu sân bay đang hoạt động, trong khi đó Trung Quốc chỉ có tàu sân bay Liêu Ninh làm tàu huấn luyện. Nhưng nếu Trung Quốc sở hữu 4 tàu sân bay trong tương lai thì các cụm tấn công tàu sân bay của Trung Quốc là điều không thể coi thường đối với hải quân Mỹ.
Trung Quốc nếu xây dựng thành công cụm tấn công tàu sân bay thực sự ở Biển Đông thì sẽ tăng mạnh khả năng "chống can dự/chống tiếp cận" cho Trung Quốc, có thể đối kháng với Mỹ, đồng thời nhanh chóng gia tăng sức ép quân sự cho các nước duyên hải còn tồn tại "tranh chấp lãnh thổ" với Trung Quốc. Tuyến đường hàng hải của Nhật Bản từ Biển Đông đến Trung Đông cũng sẽ bị đe dọa.
Về hành động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, có chuyên gia quân sự cho rằng: "Muốn tấn công Nhật Bản, (Trung Quốc) không cần tàu sân bay". Nhưng nếu Trung Quốc quyết định triển khai tàu sân bay ở Hạm đội Đông Hải lấy tỉnh Chiết Giang làm căn cứ thì căng thẳng quân sự ở Đông Bắc Á sẽ trầm trọng hơn.
Tuy nhiên, cùng với kết thúc tăng trưởng kinh tế tốc độ cao, khoản nợ chính phủ tăng cao, cụm tấn công tàu sân bay với chi phí khổng lồ cũng sẽ gây ra rủi ro tài chính. Có chuyên gia quân sự cho rằng đầu tư các nguồn lực cho tàu sân bay sẽ tạo ra vấn đề tài chính to lớn đối với Trung Quốc.