Trong tình hình Mỹ tiếp tục tăng cường triển khai các loại vũ khí trang bị ở Đông Bắc Á, nhất là các vũ khí chiến lược, tạo sức ép an ninh lớn cho Trung Quốc, Trung Quốc đã đẩy mạnh tuyên truyền về sức mạnh quân sự của họ để cho Mỹ xem.
Tờ Sankei Shimbun Nhật Bản ngày 7 tháng 2 cho hay Lực lượng tên lửa chiến lược mới thành lập vào cuối năm 2015 của Quân đội Trung Quốc từ đầu năm 2017 đã liên tiếp triển khai hoạt động.
Sau khi bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-5C, Lực lượng tên lửa Trung Quốc cũng lại công khai tình hình huấn luyện triển khai tên lửa tầm trung mới Đông Phong-16. Loại tên lửa này có thể "ngắm trúng" các căn cứ quân Mỹ trên chuỗi đảo thứ nhất (Kyushu - Okinawa - Đài Loan - Philippines), lãnh thổ Nhật Bản và khu vực Đài Loan.
Báo chí Trung Quốc đã giới thiệu tình hình xe phóng tên lửa Đông Phong-16 hoạt động ở vùng núi trong thời điểm tết âm lịch. Tên lửa Đông Phong-16 là tên lửa có tính năng "cao", lần đầu tiên xuất hiện trong Lễ duyệt binh tổ chức ở Bắc Kinh vào năm 2015, đặc trưng của nó là có tỷ lệ bắn trúng mục tiêu chính xác.
Mặt khác, theo tờ Washington Free Beacon Mỹ, thượng tuần tháng 1, Trung tâm phóng vệ tinh ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc đã phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-5C lắp 10 đầu đạn hạt nhân, điểm rơi là sa mạc ở phía tây.
Trong một cuộc họp báo, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết: "Tiến hành thử nghiệm theo kế hoạch ở trong nước là chuyện bình thường". Điều này thực ra đã tiến hành thừa nhận đối với hoạt động thử nghiệm loại tên lửa này.
Cuối tháng 12 năm 2016, những hình ảnh vận chuyển tên lửa đạn đạo tầm xa cơ động Đông Phong-41 tại tỉnh Hắc Long Giang đã xuất hiện trên mạng. Không ít suy đoán cho rằng, tên lửa Đông Phong-41 đã triển khai ở khu vực biên giới với Nga.
Trong cuộc họp báo vào trung tuần tháng 1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phủ định cho rằng, đây chẳng qua là những phỏng đoán trên các trang mạng.
Các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-5C và Đông Phong-41 đều có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ, nhưng tên lửa Đông Phong-5C sử dụng nhiên liệu thể lỏng - loại nhiên liệu được rót vào trước khi phóng.
Theo suy đoán, Trung Quốc sở hữu khoảng 260 đầu đạn hạt nhân, còn có khoảng cách tương đối lớn so với Mỹ và Nga - sở hữu 7.000 đầu đạn hạt nhân trở lên.
Năm 1964, Trung Quốc đã lần đầu tiên tiến hành thử nghiệm thành công bom nguyên tử. Trung Quốc cho biết, họ sẽ không sử dụng trước vũ khí hạt nhân, sẽ chủ yếu tập trung vào khả năng ngăn chặn, để buộc đối phương từ bỏ ý định tấn công hạt nhân.
Tuy nhiên, do Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD), trong nước Trung Quốc có nhiều tiếng nói kêu gọi tăng cường sức chiến đấu hạt nhân để chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.