Báo Nhật: Lực lượng tàu ngầm Ấn Độ còn hạn chế, phải nỗ lực mới theo đuổi được Trung Quốc

VietTimes -- Tàu ngầm thông thường AIP lớp Scorpene thứ hai của Ấn Độ hạ thủy, tăng cường khả năng tác chiến dưới nước cho Hải quân Ấn Độ, nhưng chưa thấm tháp gì về số lượng so với Trung Quốc. Ấn Độ muốn "cân bằng" với Trung Quốc ở khu vực.
Tàu ngầm INS Khanderi lớp Scorpene hạ thủy ngày 12 tháng 1 năm 2017. Ảnh: Cankao
Tàu ngầm INS Khanderi lớp Scorpene hạ thủy ngày 12 tháng 1 năm 2017. Ảnh: Cankao

Ấn Độ có tàu ngầm lớp Scorpene thứ hai, số lượng thua xa Trung Quốc

Theo tờ The Diplomat Nhật Bản ngày 18 tháng 1, một thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Scorpene thứ hai của Ấn Độ ngày 12 tháng 1 đã chính thức hạ thủy ở một cảng tại Mumbai. Trong tương lai, Ấn Độ sẽ thành lập một hạm đội gồm 6 tàu ngầm lớp Scorpene.

Chiếc tàu ngầm hạ thủy lần này được đặt tên là Khanderi, dự tính sẽ bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào cuối năm 2017. Trong khi đó, chiếc đầu tiên lớp Scorpene có tên là Kalvari, sau một loạt thử nghiệm, dự tính sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2017. 4 chiếc còn lại sẽ hoàn thành bàn giao vào năm 2020 với tần suất 9 tháng 1 chiếc.

Lượng giãn nước của tàu ngầm lớp Scorpene là 1.550 tấn, trang bị hệ thống đẩy không lệ thuộc không khí (AIP) và 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, có thể phóng ngư lôi chống hạm thông thường, thủy lôi và tên lửa chống hạm SM39.

Tuy nhiên, theo trang tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc ngày 20 tháng 1, chiếc tàu ngầm lớp Scorpene thứ hai của Ấn Độ hiện sẽ không trang bị ngư lôi, bởi vì Bộ Quốc phòng Ấn Độ vẫn chưa quyết định có chi 200 triệu USD để mua ngư lôi hay không, do tình nghi công ty của Italy hối lộ quan chức Ấn Độ.

Đô đốc nghỉ hưu Shyam Kumar Singh của Hải quân Ấn Độ cho biết hiện nay, khả năng tác chiến của tàu ngầm Hải quân Ấn Độ ở trình độ tương đối thấp, chủ yếu do chấm dứt chương trình tàu ngầm Type 214 của Đức và sự kéo dài của chương trình tàu ngầm lớp Scorpene. Trong khi đó, tàu ngầm hiện có của Ấn Độ đã hoạt động ít nhất 25 năm.

Nhưng, chuẩn tướng Hải quân Ấn Độ nghỉ hưu Anil Jai Singh cho rằng khả năng của công nghiệp tàu ngầm Ấn Độ vẫn có không gian cải thiện rất lớn. “Khi chúng tôi có thể thiết kế và chế tạo tàu ngầm của mình, việc chế tạo tàu ngầm của Ấn Độ sẽ chào đón thời kỳ mới.

Dưới sự hỗ trợ công nghệ của Công ty DCNS Pháp, lô 2 tàu ngầm lớp Scorpene đã hoàn thành công tác chế tạo, phần lớn bộ kiện đều nhập khẩu, còn một số bộ phận đã được nội địa hóa”.

Quan chức Hải quân Ấn Độ cho biết lực lượng tàu ngầm Ấn Độ đã từ 21 chiếc trong thập niên 1980 giảm xuống còn 13 chiếc tàu ngầm thông thường, 1 tàu ngầm hạt nhân Arihant tự chế và 1 tàu ngầm hạt nhân lớp Akula thuê của Nga hiện nay.

Trong khi đó, số lượng tàu ngầm của Trung Quốc hiện nay lên tới 65 chiếc, cần phải theo dõi chặt chẽ.

Bangladesh mua tàu ngầm Type 035G Trung Quốc. Ảnh: Sina
Bangladesh mua tàu ngầm Type 035G Trung Quốc. Ảnh: Sina

Ấn Độ giúp Bangladesh huấn luyện tàu ngầm mua của Trung Quốc

Theo báo chí Ấn Độ, gần đây Hải quân Ấn Độ đề xuất giúp Hải quân Bangladesh huấn luyện cách thức sử dụng tàu ngầm cũ mua của Trung Quốc.

Đề nghị này được cho là một phần trong những nỗ lực cân bằng hợp tác khu vực, có lợi cho phát huy vai trò "cân bằng", tránh để Trung Quốc trở thành "người chơi then chốt" trong quá trình hiện đại hóa của Hải quân Bangladesh.

Từ lâu, Trung Quốc đã trở thành nước viện trợ chính của Bangladesh, đặc biệt là viện trợ quân sự. Lực lượng vũ trang Bangladesh đã trang bị rất nhiều vũ khí do Trung Quốc chế tạo, rất nhiều sĩ quan Quân đội Bangladesh đã học tại Trung Quốc.

Gần đây, Tham mưu trưởng Hải quân Bangladesh đã đến Trung Quốc nhận 2 tàu ngầm cũ Type 035G của Trung Quốc và mang nó về nước.

Những tàu ngầm này đã được bàn giao sớm 3 năm, sẽ đi vào hoạt động trong năm 2017, trở thành hạm đội tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Bangladesh.