|
Thiếu nữ Nga thích thú selfie bằng điện thoại Vsmart |
Con đường khác người của “Steve Jobs Việt Nam”
Sau khi điểm lại quá khứ của ông Phạm Nhật Vượng, từng là chủ hãng “Mivina” sản xuất mì ăn liền nổi tiếng tại Kharkov (Ucraine) vào những năm 1990, phóng viên viết: “giờ đây, ‘Steve Jobs của Việt Nam’ đang bán ra những chiếc điện thoại thông minh ngang tầm Samsung, chế tạo những chiếc ô tô trên cơ sở của BMW và trong tương lai sẽ làm ngập tràn thị trường chúng ta bằng các sản phẩm công nghệ thông minh của mình”.
Điều này có vẻ thật lạ lùng! Một thương hiệu chẳng biết bỗng dưng xuất hiện từ đâu, tung ra lời thách đấu với các hãng hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, chẳng phải là điều khó chấp nhận hay không. Hơn nữa, đây lại là một thương hiệu từ Việt Nam - đất nước mà nhiều người Nga chỉ nhớ đến những thứ như Cao Sao vàng, phở bò hoặc cà phê. Dư luận vẫn còn nhớ rõ vụ công ty Trung Quốc LeEco nhảy vào thị trường Nga năm 2012, nổ tưng bừng để rồi chỉ sau một năm đã tan như bong bóng xà phòng. Thêm vào đó, nhân thân ông chủ của Vsmart lại khá bí ẩn. Ông cũng ít khi xuất hiện trước công chúng. Mọi người chỉ biết rằng, khoản tiền đầu tiên ông kiếm được tại Ucraine là tiền bán mì ăn liền.
Có lẽ do dự cảm được những sự so sánh không cần thiết, cũng như tâm lý hoài nghi, Vingroup quyết định chứng tỏ cho mọi người thấy đằng sau những màn quảng bá hình ảnh của họ không phải là một khoảng trống. Chính vì vậy, thời gian gần đây, chính sách truyền thông của Vingroup đã có sự thay đổi. Các phóng viên báo chí nhất là phóng viên người nước ngoài dễ dàng tiếp cận với thông tin về hãng hơn. Đối với thị trường Việt Nam, thương hiệu Vingroup dù xuất hiện chưa lâu, nhưng giờ đây đã trở thành một người khổng lồ, với giá trị vốn hóa năm 2018 theo đánh giá của Forbes lên tới 17 tỷ USD, lọt vào top 200 công ty hàng đầu châu Á. Lĩnh vực đem lại những thành công vang dội cho Vingroup chính là bất động sản. Ngày nay, những khu đô thị mới, những siêu thị, trung tâm mua sắm nổi tiếng, các cơ sở giáo dục, thiết bị nông nghiệp, đồ thực phẩm, sản phẩm công nghệ thông tin, xe điện, ô tô... đều có thành tố Vin trong tên gọi.
Không phải ai cũng biết rằng nhiều nhà sản xuất điện thoại thông minh không có nhà máy của riêng mình. Họ sử dụng dịch vụ của nhà máy lắp ráp, nơi các công nhân khi thực hiện các thao tác mà thậm chí không hề nghĩ đến mình đang lắp loại máy thương hiệu nào. Một công việc vô hồn. Hãng Xiaomi bản thân ghê gớm thế nhưng các mẫu điện thoại thông minh của họ cũng do các nhà máy của các công ty Inventech, Wintech và Foxconn lắp tại Trung Quốc. Nói thêm về Foxconn, đó chính là cơ sở lắp ráp iPhone. Ngoài ra còn lắp các mẫu điện thoại OnePlus, Nokia, Huawei và Honor. Inventech, Wintech thì lắp các thiết bị điện tử cho HP, Toshiba Acer, Fujitsu và thậm chí là cho Samsung.
Tất nhiên là Samsung không thuê người Trung Quốc lắp tất cả các mẫu điện thoại của mình mà chỉ các mẫu dành cho thị trường Trung Quốc mà thôi. Rất nhiều mẫu khác dành cho thị trường thế giới Samsung thuê lắp tại Việt Nam. Chỉ có những mẫu cao cấp nhất là Samsung tiến hành lắp ráp tại nhà máy của mình. Trước hết là để dễ dàng kiểm soát thiết kế và chất lượng. Sau nữa là để tránh con mất dòm ngó của các đối thủ. Nguyên tắc này cũng được Vsmart áp dụng.
Nhà máy trong thung lũng Silicon của Việt Nam
Cho đến hiện tại thì hãng công nghệ Việt này mới có một nhà máy sản xuất điện thoại thông minh được đặt tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, được ví như thung lũng Silicon của Việt Nam, nằm cách thủ đô Hà Nội không xa. Ngoài Vsmart, đây còn là nơi một loạt các công ty công nghệ đặt cơ sở nghiên cứu và chế tạo sản phẩm. Nhà máy của Vsmart có diện tích 45.000 m2, được khởi công từ tháng 8/2018 và đi vào sản xuất chỉ 4 tháng sau đó.
Mặt bằng nhà máy có các phân khu như kho nguyên liệu đầu vào, kho thành phẩm, khu hành chính, các phòng thử nghiệm và tất nhiên chủ yếu là các dây chuyền sản xuất. Có tới 13 dây chuyền hoàn toàn tự động thực hiện công đoạn hàn và lắp ráp các bộ vi xử lý, 13 dây chuyền hiệu chỉnh con chip, 26 dây chuyền thực hiện công đoạn sắp đặt các linh kiện vào thân máy, 12 dây chuyền lắp màn hình, 12 dây chuyền đóng gói sản phẩm. Tất cả các dây chuyền này được tự động hóa hoàn toàn hay một phần. Ví dụ, việc hàn các vi mạch bằng công nghệ in 3D được thực hiện mà hoàn toàn không cần sự có mặt của con người
|
Ông Dmitry Saftenko (trái) – Phó chủ tịch TFN group - nhà phân phối chính thức của VinSmart tại Nga nhận chứng chỉ từ Ông Mantosh Malhotra – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup
|
Bộ phận gây ấn tượng mạnh nhất đối với phóng viên chính là các phòng thí nghiệm. Tại nhà máy của Vsmart có nhiều phòng thí nghiệm, trong đó có tới 5 phòng kiểm định các sản phẩm xuất xưởng. Có phòng kiểm tra mức chịu nhiệt. Các máy điện thoại được làm nóng, làm nguội để thử xem mức chịu đựng của chúng với nhiệt độ là bao nhiêu, ví dụ tới điểm nhiệt độ mà pin phát ra những tiến động như tiếng Ả rập, sau đó vỡ tung. Một phòng thử nghiệm khác kiểm tra độ bền của thiết kế máy. Người ta quăng quật chiếc máy theo đủ mọi hướng, kiểm tra mức độ kháng bụi...Thậm chí cả hộp máy cũng phải qua một số thử thách trong phòng này.
Phòng thí nghiệm thứ ba kiểm tra ăng ten và các mô đun liên lạc. Phòng tiếp theo kiểm tra loa và microphone. Phòng thí nghiệm cuối cùng kiểm tra công suất của các máy đã hoàn thiện. Nói là cuối cùng, nhưng đó chỉ là ở Hòa Lạc. Còn ở trụ sở hãng tại Hà Nội vẫn còn một khu vực nghiên cứu, tại đó người ta hiệu chỉnh camera của các điện thoại thông minh.
Theo nhận xét của phóng viên, người Việt Nam rất quan tâm tới chất lượng. Vsmart kiểm tra không chỉ các sản phẩm xuất xưởng mà còn kiểm tra nguyên liệu đầu vào và trong toàn bộ quá trình sản xuất. Vsmart đã nhận được chứng chỉ quốc tế cả về chất lượng sản phẩm, cả về bảo hộ lao động, an toàn trong quá trình sản xuất. Phóng viên kể lại, do vấn đề giao thông nên đã bị chậm giờ đến nhà máy so với lịch trình quy định là 3 giờ chiều. Vì thế chuyến tham quan phải đẩy nhanh để kịp kết thúc trước 5 giờ chiều là giờ mà toàn bộ dây chuyền ngừng hoạt động!
Vsmart không giống Xiaomi, giống Samsung
Trước chuyến tham quan nhà máy, không chỉ phóng viên mà những người trong đoàn đều có một sự so sánh ngầm với thương hiệu Xiaomi. Bởi nếu chỉ nhìn lướt qua, có vẻ như đó chỉ là một thương hiệu châu Á cũng mang đến những sản phẩm điện tử với giá cả phải chăng. Tất nhiên thế cũng không tệ. Nhưng sau khi trực tiếp nhìn thấy những gì ở Việt Nam đã làm thay đổi cách nhìn đó.
Với hiện trạng và vị thế của mình tại thời điểm hiện tại, Vsmart cho thấy, hãng không giống như Xiaomi mà gần với Samsung hơn. Cũng như tập đoàn đến từ Hàn Quốc, công ty Việt Nam này luôn hướng tới nội địa hóa tối đa và độc lập trong quá trình sản xuất. Sắp tới, Vsamrt sẽ thiết lập bộ phận Original Design Manufacturer (nhà sản xuất thiết kế nguyên bản - ODM) của riêng mình. Khi đó công ty sẽ hoàn toàn không cần đến các chuyên gia từ bên ngoài thiết kế các sản phẩm của mình.
|
Ông Mantosh Malhotra – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup (trái) phát biểu tại sự kiện VinSmart ra mắt thị trường Nga
|
Chuyến tham quan đã đưa lại cho các vị khách Nga cảm thấy một niềm tin vào chủ nhà. Điều đó là hoàn toàn có cơ sở. Trước hết, Vsmart rất cởi mở với truyền thông, nhất là với các vị khách Nga. Phóng viên của cổng thông tin life.ru cũng như các cơ quan truyền thông khác của Nga là những vị khách đầu tiên trên thế giới được phép không những tham quan mà còn chụp ảnh mọi thứ. Nên nhớ là việc chụp ảnh trong nhà máy vẫn bị cấm, ngay cả đối với nhân viên của công ty. Có thể nói, công ty đã mở cửa đến mức cao nhất. Đó là vì đối với nước Nga công ty có một cách tiếp cận đặc biệt. Theo như lời của các cộng sự gần gũi với Phạm Nhật Vượng, ông chủ công ty coi Nga là một thị trường ưu tiên hàng đầu.
Lý do thứ hai tạo cơ sở cho niềm tin là vì công ty luôn hướng đến sự độc lập tối đa với các nhà cung cấp. Điều này làm cho công ty luôn được tự do hành động. Tất nhiên, việc độc lập hoàn toàn chỉ là ảo tưởng. Có nhiều nhà cung cấp then chốt mà trong tương lai gần, Vsmart khó lòng bỏ qua. Đó là Google, nhà cung cấp hệ điều hành Android và dịch vụ trực tuyến, hãng Qualcomm với các bộ vi xử lý và modem cũng như Samsung, hãng cung cấp cho khách hàng Việt Nam các màn hình AMOLED. Vsmart có một lợi thế mà các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc không bao giờ có: tính trung lập về chính trị của Việt Nam. Đối với Vsmart, tất cả các thị trường đều rộng cửa. Thậm chí việc thâm nhập vào thị trường Mỹ đối với thương hiệu này cũng chỉ còn là vấn đề thời gian và tham vọng mà thôi. Hơn nữa, Vsmart cũng chắc hẳn không bao giờ phải chịu sức ép từ một ai cả - như trường hợp của Huawei hiện nay.