Báo Nga lý giải Nga "chấm" Việt Nam là đồng minh chiến lược

VietTimes -- Nhà nghiên cứu chính trị Nga Dmitry Bokarev đã có quan sát và kết luận Việt Nam là một trong những nước thành công và ảnh hưởng nhất trong khối ASEAN và Việt Nam sẽ giúp Nga phát triển mối quan hệ với tất cả các nước còn lại trong khối, JNEO dẫn lời ông nhận định.
Trong vài thập kỷ vừa qua với nhiều sự thay đổi, hiện tại có nhiều ý kiến cho rằng cần coi Việt Nam là một trong những con hổ châu Á - thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ các khu vực phát triển mạnh như Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan. Cũng cần lưu ý Nga đã phát triển thành công mối quan hệ đặc thù với Việt Nam, một thành viên của khối ASEAN. 
Vào cuối những năm 1980, Việt Nam quyết định theo đuổi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quyết định này đóng một vai trò chính trong sự phát triển về sản xuất, năng lượng, khoa học, nông nghiệp và du lịch của Việt Nam, thúc đẩy thương mại quốc tế. Những sự thay đổi này cũng giúp tăng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Sự thay đổi về kinh tế của Việt Nam vẫn đang tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một trong những lãnh đạo trong khối ASEAN. 
Cũng cần lưu ý, Trung Quốc đang có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các nước ASEAN. Ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng lớn trong khu vực và đề xướng chiến lược "vành đai-con đường". Việt Nam cũng không nằm trong ngoại lệ vì Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất với Việt Nam. Việt Nam cũng liên quan tới "vành đai-con đường" và đang phát triển con đường vận tải với Trung Quốc. Đường sắt Singapore-Côn Minh kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN. 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng tổng thống Nga Vladimir Putin.Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tuy nhiên theo chuyên gia Nga, Việt Nam cũng có thể vượt ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc ở nhiều khía cạnh. Việt Nam có thể phát triển mối quan hệ song phương cùng có lợi với Trung Quốc trong khi không để Bắc Kinh ảnh hưởng tới chính sách ngoại giao cũng như các mối quan hệ thương mại của mình. Đối tác thương mại của Việt Nam bao gồm Mỹ là một trong những nước hàng đầu nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam. Việt Nam cũng ủng hộ và tham gia hiệp định TPP (hiện đã đổi thành CPTPP). 
Một trong những yếu tố khác về thành công của Việt Nam trong ASEAN là mối quan hệ với nước bạn Lào. Hai nước chia sẻ đường biên giới hơn 2.100km có những mối quan hệ thân thiết về lịch sử, văn hóa cũng như kinh tế. Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng và là nhà đầu tư chính của Lào (với tổng đầu tư vào khoảng 5 tỷ USD). Vào đầu năm 2014, đầu tư thương mại giữa hai nước đã đạt con số hơn 1 tỷ USD. Hai nước đang tiếp tục mở rộng hợp tác không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà trong các quan hệ về văn hóa, chính trị và an ninh. 
Với những yếu tố đó, Việt Nam và Lào có thể coi là hai nước thân thiết trong ASEAN, nên mối quan hệ gần gũi giữa Việt Nam và Lào có thể tăng ảnh hưởng của Việt Nam trong khối. 
Việt Nam cũng có mối quan hệ gần gũi tương tự với Campuchia. Tháng 1.2018, đã diễn ra cuộc họp của Ủy ban tổ chức "Năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào 2017" và "Năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2017". Sự kiện được chủ trì bởi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Cuộc họp nhằm tổng kết kết quả của năm 2017 với đánh giá của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh là quan hệ của Việt Nam với Lào và Campuchia ngày càng lớn mạnh và phát triển trong tất cả các lĩnh vực. 
Tàu tên lửa Molniya do Nga chuyển giao công nghệ được nhà máy Ba Son đóng.Tàu tên lửa Molniya do Nga chuyển giao công nghệ được nhà máy Ba Son đóng.
Có thể kết luận rằng Việt Nam là một trong những nước thành công và có ảnh hưởng nhất trong khối ASEAN với chính sách ngoại giao tích cực và sự ảnh hưởng rõ rệt trong cả khối ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả là các nước đều muốn phát triển mối quan hệ với ASEAN sẽ bắt đầu từ Việt Nam trước. Điều này cũng là bước mà Nga đang thực hiện trong thời điểm hiện tại. 
Mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nga bắt đầu từ khi Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước với sự hỗ trợ về quân sự và quốc phòng của Liên Xô. Năm 1994, sau khi Liên Xô tan rã, Việt Nam và Nga ký kết hiệp ước hữu nghị. Sau đó, hai nước đã hợp tác phát triển về kinh tế, chính trị, quân sự. Năm 2012, hai nước ban hành Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga.
Như trong thời kỳ Liên Xô, Nga và Việt Nam tiếp tục quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật. Nga cung cấp cho quân đội và hải quân Việt Nam những thiết bị quân sự và những người lính Việt Nam cũng được huấn luyện với quân đội Nga. Những hợp tác trong lĩnh vực quân sự thể hiện một niềm tin mạnh mẽ trong quan hệ hai nước. Nga và Việt Nam cũng hợp tác trong lĩnh vực tài chính, lọc hóa dầu và các dự án về năng lượng nguyên tử. Hợp tác trong lĩnh vực du lịch cũng phát triển mạnh mẽ như năm 2017, Việt Nam đã tiếp đón hơn nửa triệu khách du lịch Nga. 
Tên lửa chống hạm dựa trên nguyên mẫu 3M24 Uran của Nga.Tên lửa chống hạm KCT-15 dựa trên nguyên mẫu 3M24 Uran của Nga.
Năm 2015, hợp tác thương mại giữa Nga và Việt Nam đạt con số khoảng 3,9 tỷ USD - Việt Nam trở thành đối tác thương mại chính của Nga trong khối ASEAN. Một trong những thành quả lớn trong hợp tác kinh tế giữa Nga và Việt Nam là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á Âu - một tổ chức mà Nga có vai trò chính. Hiệp định được ký tháng 5.2015 và có hiệu lực vào tháng 10.2016. Mất không nhiều thời gian để hiệp định này đơm hoa kết trái.
Trao đổi thương mại giữa Nga và Việt Nam tăng với con số ấn tượng. Vào quý đầu năm 2017, giao dịch thương mại giữa hai nước vượt qua con số 984 triệu USD, hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Quý 2 năm 2017, giao dịch thương mại giữa hai nước vượt qua con số 1 tỷ USD tăng 32% so với quý 2 năm 2016. Và cuối cùng, quý 3 năm 2017 đạt mức 1,5 tỷ USD cao hơn 57% so với cùng kỳ năm 2016. 
Báo Nga kết luật, có thể nói Việt Nam là một đối tác tin cậy của Nga. Hai nước đã có mối quan hệ bạn bè trong nhiều thập kỷ cùng với nhiều kế hoạch lớn trong tương lai. Việt Nam là một trong những nước thành công và có ảnh hưởng nhất trong khối ASEAN và Việt Nam có thể giúp Nga phát triển mối quan hệ với tất cả các nước còn lại trong khối.